+
Aa
-
like
comment

Hơn 1.000 tiến sĩ biên soạn sách giáo khoa, liệu có “lắm thầy thối ma”?

Hạnh Phúc - 04/09/2022 17:22

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là sự thay đổi toàn diện của giáo dục hứa hẹn đem đến những thành tựu đáng mong đợi. Đó sẽ là luồng sinh khí mới chấn hưng nền giáo dục nước nhà được cả xã hội kỳ vọng. Đóng góp quan trọng vào sự thành công của chương trình đổi mới không thể bỏ qua vai trò của sách giáo khoa. Nhưng con số hơn  1.000 tiến sĩ tham gia biên soạn liệu có thể quyết định được chất lượng?

ơn 1.000 tiến sĩ biên soạn sách giáo khoa mới.

Điều đầu tiên quyết định chất lượng sách giáo khoa mới vẫn là năng lực và trình độ người biên soạn. Rõ ràng và tất yếu. Tuy vậy vấn đề phải quan tâm hơn cả vẫn là nội dung chương trình phải đáp ứng điều kiện thực tế của dạy và học. Đa phần giáo viên phổ thông không yêu cầu chuẩn tiến sĩ.

Như vậy hơn 1.000 tiến sĩ tham gia biên soạn sách ấy, họ là ai? Họ hiểu thấu đáo không về tâm tư nguyện vọng của người dạy và khả năng tiếp nhận của người học? Đặt tiêu chí tiến sĩ để lựa chọn đội ngũ biên soạn sách là không phù hợp, chưa bàn đến việc tại sao lại cần nhiều tiến sĩ như vậy.

Điều cần đề cập ở đây là còn một lực lượng những nhà giáo uy tín trực tiếp giảng dạy chương trình phổ thông không có bằng tiến sĩ. Họ nắm bắt được tất cả các phương diện thuộc phạm vi công tác. Họ có một bề dày kinh nghiệm thực tế để xác lập một hệ thống kiến thức tinh giản và hữu ích cho cả giáo viên và học sinh. Đặt họ đứng ngoài cuộc công trình biên soạn quyển sách giáo khoa là một thiếu sót đáng kể. Và hẳn rằng, họ cần phải là lực lượng chủ chốt để tạo tác một quyển sách giáo khoa.

Con số hơn 1.000 tiến sĩ biên soạn sách cho chương trình mới, hiệu ứng đầu tiên tạo ra chỉ là sự phô trương lực lượng chứ chưa khẳng định được gì về chất lượng. Chưa kể, con số ấy tạo ra sự lo lắng về lãng phí ngân sách, giáo dục tuy là ưu tiên hàng đầu nhưng nguyên tắc tiết kiệm vẫn không thể xem nhẹ. Lý thuyết “lắm thầy thối ma” có khi lại từ đây mà có cơ hội thực hành. Hiệu ứng thứ hai từ con số “hơn 1.000 tiến sĩ biên soạn sách” là sự ngỡ ngàng của dư luận, sao thời nay lắm tiến sĩ thế, sau đó là ngao ngán và cảm thán không nói hết. Rồi lại thêm câu hỏi đặt ra về chất lượng các “tiến sĩ”.

Trong niềm khát vọng chấn hưng nền giáo dục nước nhà chúng ta lại chạnh lòng hoài nghi về những người trực tiếp làm nên điều giá trị ấy. Với hơn 1.000 tiến sĩ trong một công trình thôi thì liệu có đông đúc đến bát nháo không? Đã từng, chín người mười ý, cơ khổ lại đến hơn 1.000 người hàng triệu ý mà ai cũng có cái tôi riêng, rồi không ai chịu nghe ai thì kết cục khác gì trận hỗn chiến. Nên chăng, vẫn là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Những nhà giáo phổ thông và tiến sĩ uy tín, những người biên soạn sách giáo khoa không chỉ bằng tâm huyết và trí tuệ mà còn cả tình thương và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai, họ sẽ được tuyển chọn, được đề cử và trở thành lực lượng chủ chốt.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đi những đoạn đường đầu tiên, đánh giá chất lượng vẫn chưa phải là điều có thể bàn ở thời điểm này. Đổi mới giáo dục luôn là nội dung quan trọng làm nên đổi mới toàn diện của đất nước. Sự quan tâm của toàn xã hội dành cho lĩnh vực này là cần thiết và cấp bách. Việc biên soạn sách giáo khoa cho chương trình 2018 phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện đầy cẩn trọng, vội vàng hay dễ dãi sẽ để lại vô vàn những hệ lụy khó lường. Hơn 1.000 tiến sĩ ấy gánh vác trọng trách lớn lao, hi vọng họ đủ tâm để tạo lập, đủ lực để đảm đương, đủ trí để hoàn thành, đủ tầm để khai sáng. Và rồi, từ những quyển sách giáo khoa, bao thế hệ tương lai tiếp nhận có thể đưa đất nước vươn xa sánh tầm cùng năm châu bốn bể!

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều