Hôm nay, tiễn đưa ‘ông già khắc khổ, thiện lương’ Trần Hạnh
Sáng nay, 6-3, các nghệ sĩ tề tựu tại Nhà tang lễ quốc gia để chia tay lần cuối với Trần Hạnh – ông già khắc khổ, thiện lương trên màn ảnh Việt. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Hà Nội tiễn đưa 3 gương mặt nghệ sĩ lớn, 3 người Hà Nội.
9h30 mới chính thức diễn ra lễ viếng nhưng từ 9h các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ tại Hà Nội đã tụ họp tại sân Nhà tang lễ Quốc gia chuẩn bị vào viếng nghệ sĩ Trần Hạnh.
Tin Trần Hạnh qua đời khiến nghệ sĩ Lê Mai rất thương tiếc nhưng cũng vẫn an lòng bởi bạn diễn của mình đã có một cuộc đời trọn vẹn. Tuy cuộc sống gia đình vất vả nhưng ông được nhân dân yêu quý, xã hội trân trọng, ông lại được trời cho sống thọ.
“Tôi chỉ mơ được như ông ấy. Là nghệ sĩ lớn nhưng ông sống rất đơn giản, gần gũi. Vai nào ông cũng nhận dù sang hay hèn và đều làm rất tốt. Ở nhà tôi vẫn còn ảnh tôi diễn chung với ông”, nghệ sĩ Lê Mai nói.
Nghệ sĩ Thanh Tú có nhiều năm làm việc cùng nghệ sĩ Trần Hạnh tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Đến tiễn đưa người anh đáng kính trong một buổi sáng Hà Nội đẹp trời, bà ghi những lời trân trọng cho người nghệ sĩ tài hoa: “Anh Trần Ngọc Hạnh – một nghệ sĩ đích thực, nghèo mà sạch, không giàu mà sang”.
Nghệ sĩ Ngọc Tuyết không chỉ đóng chung nhiều vở kịch với Trần Hạnh mà còn cùng ông tham gia rất nhiều bộ phim truyền hình. Xúc động tiễn đưa người anh về nơi án nghỉ cuối cùng, bà bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm những lần đóng kịch Lam Sơn tụ nghĩa từ rất xa xưa tới những dự án truyền hình gần đây như Người thổi tù và hàng tổng, Những người độc thân vui vẻ…
“Đóng vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa thì không ai vượt được Trần Hạnh. Thế hệ chúng tôi sống rất kham khổ về vật chất nhưng đam mê thì cháy bỏng”, nghệ sĩ Ngọc Tuyết – gương mặt nổi tiếng với vai các bà đanh đá, chao chát trên truyền hình – nói.
Bà nhớ những tháng ngày Hà Nội chìm trong bom đạn, đoàn kịch phải đi bộ hàng vài chục cây số tới nơi sơ tán rất vất vả những nghệ sĩ Trần Hạnh vừa lo công việc nhà hát, đêm đêm lại chăm vợ mới sinh nhưng ông không bao giờ ngại khó, không phiền lụy tới ai.
Từng tham gia một số vở kịch trên truyền hình và nhiều bộ phim truyền hình với nghệ sĩ Trần Hạnh, giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội – NSND Trung Hiếu bồi hồi xúc động đọc điếu văn trong lễ truy điệu người nghệ sĩ già, bậc tiền bối.
Trong điếu văn, Trung Hiếu ôn lại cuộc đời người nghệ sĩ già đã để lại nhiều vai diễn đáng nhớ trong lòng công chúng cũng như một cuộc đời nghệ sĩ giản dị, khiêm nhường nhưng luôn cháy bỏng với đam mê nghệ thuật.
Nghệ sĩ Trung Hiếu ngợi ca niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của Trần Hạnh khi nhắc lại quãng thời gian khi ông đã tuổi cao sức yếu, đôi mắt đã mờ không còn nhìn rõ kịch bản, nhưng Trần Hạnh vẫn nhờ con cháu trong nhà đọc giúp để ông học thuộc thoại, để ông vẫn có thể tham gia đóng phim.
Không chỉ đam mê nghệ thuật, nghệ sĩ Trần Hạnh còn được đồng nghiệp quý trọng và kính nể bởi ông là một người hết lòng yêu thương, tận tuỵ và hy sinh cho gia đình.
“Dù diễn kịch hay làm phim, NSND Trần Hạnh đều làm việc hết mình, say mê và cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật. Dù cuộc sống của ông và gia đình có rất nhiều vất vả, lo toan, nhưng ông luôn là một nghệ sĩ rất tự trọng, không bao giờ muốn nhận sự hỗ trợ hay giúp đỡ từ ai. Ông sống khiêm nhường, giản dị nhưng đầy lòng kiêu hãnh”, Trung Hiếu dành những lời trân trọng dành cho nghệ sĩ Trần Hạnh.
Gọi Trần Hạnh là “người nghệ sĩ bình dị, mộc mạc của nhân dân”, giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nói ông tin rằng: “hình ảnh người nghệ sĩ với bộ trang phục giản dị với cái nheo nheo mắt quen thuộc, cùng nụ cười gần gũi, chân chất, cả đời chung thuỷ với nghiệp diễn, hết lòng vì gia đình, vì vợ con sẽ luôn ở trong trái tim mỗi người chúng ta”.
NSND Trần Hạnh tên đầy đủ là Trần Ngọc Hạnh, sinh năm 1929 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông đã tạ thế vào hồi 2h50 ngày 4-3 tại Hà Nội vì tuổi già, hưởng thọ 93 tuổi.
Là người Hà Nội gốc, ông sớm gia nhập cách mạng, tham gia đội thanh niên tình nguyện đường sắt Hà Nội – Lào Cai trong kháng chiến chống Pháp.
Sau hòa bình lặp lại ở miền Bắc, ông tham gia Câu lạc bộ kịch Thanh Niên trong khi làm thợ đóng giầy trên phố Tràng Tiền.
Ông đã về đầu quân cho Đoàn Kịch Hà Nội (tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội) từ năm 1959 với hy vọng lương của một diễn viên có thể giúp người cha đông con bớt chật vật nuôi gia đình hơn.
Vừa làm vừa học bổ túc lớp diễn viên tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh, nhưng những năm 1970-1980, với dáng vẻ nho nhã, thư sinh, đúng chất trai phố cổ Hà Nội, Trần Hạnh luôn được chọn đóng những vai chính kịch hào sảng, anh hùng ca.
Ông đã có nhiều vai diễn ấn tượng trên Sân khấu Kịch Hà Nội, như: vai diễn Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa, vai Vũ Khiêm trong vở Tiền tuyến gọi, vở Già kén, vở Âm mưu và tình yêu…
Năm 1989, ông nghỉ hưu theo chế độ nhưng với niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật, ông vẫn tiếp tục đóng phim. Các bộ phim truyền hình, điện ảnh đã đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với đông đảo công chúng và khán giả cả nước.
Những vai diễn của NSND Trần Hạnh thường gắn liền với hình ảnh khắc khổ, hiền lành, bình dị và ấm áp, đúng như tính cách con người thật của ông ngoài đời.
Đó là những vai diễn ấn tượng trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình như: Nước mắt đàn bà, Ngõ lỗ thủng, Bão qua làng, Tướng về hưu, Cha cõng con, Làng nổi, Cuốn sổ ghi đời … .
Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 năm 1996, Trần Hạnh đã đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất với phim Nước mắt đàn bà.
Với vai diễn trong bộ phim truyền hình dài tập Ngõ lỗ thủng, ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010.
Năm 1994, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT, năm 2019 danh hiệu NSND.
THIÊN ĐIỂU