Hôm nay 15/9 dự kiến giàn khoan Hakyuru-5 kết thúc hoạt động ở lô 06.1
Hôm nay ngày 15/9/2019 là ngày được dự định kết thúc hoạt động của giàn khoan Hakyuru-5 ở lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng của Việt Nam thông báo là sẽ dừng hoạt động của giàn khoan Hakyuru-5 tại đây.
Trước đó, Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam có trụ sở ở Vũng Tàu cho hay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cập nhật lịch hoạt động khoan tại đây kéo dài đến hết ngày 15-9-2019 (gia hạn thêm 1 tháng rưỡi so với dự kiến 30-7-2019, đến hết ngày 15-9-2019). Thông báo cập nhật cũng nêu rõ tàu thuyền hoạt động qua lại ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam cần lưu ý đi cách xa giàn khoan Hakuryu-5 để đảm bảo an toàn hàng hải.
Giới quan sát coi đây là một cột mốc quan trọng để theo dõi các động thái của nhóm tàu Trung Quốc, đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong 3 tháng qua với mục đích gây áp lực buộc Việt Nam phải dừng các hoạt động dầu khí ở lô 06.1.
Việc chưa thông báo là sẽ dừng hoạt động của giàn khoan Hakyuru-5 tại đây có thể cho chúng ta thấy, các cơ quan chức năng Việt Nam có thể sẽ tiếp tục gia hạn hoạt động của giàn khoan này hoặc có thể sẽ thay thế bằng một hoạt động một giàn khoan khác.
Tính đến cuối ngày 15/9, sự hiện diện của tàu Việt Nam hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hakyuru-5 cũng như tàu hải cảnh Trung Quốc ở gần vị trí đặt giàn khoan Hakuryu-5 cho thấy nhiều khả năng giàn khoan Hakyuru-5 vẫn đang hoạt động.
Hôm nay, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 được tăng cường thêm tàu hải cảnh 35111 vừa quay trở lại sau thời gian dài nghỉ ở Đá Chữ Thập. Và tàu hải cảnh 31302 cũng sẽ gia nhập nhóm. Dự đoán căng thẳng vẫn sẽ còn tiếp tục, Trung Quốc chưa có ý định kết thúc chiến dịch xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó Cánh Cò đã đưa tin trong bài viết “Tàu Việt Nam đối đầu và đuổi hải cảnh Trung Quốc gần Cá Voi Xanh” với nội dung: Theo quan sát trên bản đồ AIS vệ tinh, một tàu Việt Nam mang tên Danang 10375 của Việt Nam dường như đã tiến ra đối đầu và chặn thành công đường đi xuống phía nam của tàu hải cảnh 46111 của Trung Quốc. Sau một thời gian hai bên đối đầu với nhau, đến sáng ngày 12/9, tàu hải cảnh 46111 đã quay đầu trở về phía quần đảo Hoàng Sa.
Cho tới sáng nay, Tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang tiếp tục đan áo trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dữ liệu AIS vệ tinh cho thấy chiếc tàu khảo sát của nhà nước Trung Quốc vẫn đang được hộ tống bởi ít nhất các tàu hải cảnh: 45111, 37111, 46303, 33111, và rất có thể có 3901 và 3501, cùng tàu Meicheng 822.
Ở khu vực gần lô 06.1, cho tới giờ vẫn chưa thể bắt trở lại tín hiệu của các tàu hải cảnh Trung Quốc được nghi là hiện diện ở đó. Một chiếc tàu hải cảnh mới, 46302, rời cảng Tam Á ở đảo Hải Nam sáng ngày 11/9, đi vòng về hướng Đá Chữ Thập rồi sau đó đi thẳng về hướng khu vực Bãi Tư Chính. Tàu đã tắt AIS trên đường đi, nhưng nhiều khả năng tàu tham gia vào nhóm tàu Trung Quốc ở gần lô 06.1.
Các diễn biến quanh giàn khoan Hakuryu-5 là tâm điểm chú ý khác, bên cạnh vụ nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ngang nhiên có những hành vi xâm phạm và quấy rối các hoạt động kinh tế của Việt Nam tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gần với khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây kéo dài từ ngày 3-7 đến nay.
Trung Quốc đã đưa tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 vào khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu-5 ở lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ cũng thông tin các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã được triển khai để cản trở hoạt động khai thác dầu khí ở lô 06.1, ở phía tây bắc bãi Tư Chính từ giữa tháng 6.
Đây là minh chứng trực tiếp cho thấy Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên quấy rối và cản trở các hoạt động khai thác dầu của các bên trong Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Hành động này gây ảnh hưởng xấu đến nguồn cung dầu và an ninh năng lượng trong khu vực.
Trong khi đó, liên quan tới các hoạt động xâm phạm của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, phó giáo sư Ryan Martinson đến từ Học viện Hải chiến Mỹ cũng cập nhật liên tục các thông tin về nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chất trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Giàn khoan Hakuryu-5
Công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty khoan Nhật Bản (JDC) để thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 06.1 của Việt Nam. Theo Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, đặc điểm nhận dạng của giàn khoan Hakuryu-5 như sau:
– Loại giàn: Hakuryu-5
– Quốc tịch: Nhật.
– Kích thước: 78m x 70m x 37,5m.
– Hô hiệu: 875617-3F2L6.
– Số IMO: 875617.
– Màu sắc: Đỏ trắng xen kẽ.
– Tín hiệu xác định ban đêm: Có đèn tín hiệu theo quy định.
– Tàu dịch vụ hỗ trợ kéo giàn và thả neo: TC Fortune và Sea Meadow 29.
Nguyễn Anh (Nguồn ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).