+
Aa
-
like
comment

Hối tiếc lớn nhất của chàng trai giang hồ

03/07/2020 07:06

Hư hỏng từ lớp 7, hai lần vào tù nhưng khi ngồi bên quan tài mẹ, Nguyễn Thanh Đàm nhận ra, bà là người duy nhất tin anh có thể bỏ cuộc sống giang hồ, cướp bóc.

“Tôi đã từng rất buồn. Tôi tiếc vì mẹ không thể thấy được thành quả của tôi ngày hôm nay”, Đàm nói khi vừa kết thúc buổi live stream chia sẻ kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Ở tuổi 37, anh đã là một chuyên gia cao cấp, chủ tịch một tập đoàn công nghệ và kỹ thuật ôtô với bốn công ty con. Nhưng ít ai ngờ chàng trai quê Đăk Lăk này từng có một quá khứ “khét tiếng giang hồ” với hai lần vào tù vì cầm đầu những vụ cướp táo tợn.

Ngoài việc kinh doanh, Đàm còn mở trường đạo tạo, dạy về công nghệ, kỹ thuật ô tô. Sở hữu một trong những diễn đàn công nghệ và kỹ thuật ô tô lớn của Việt Nam.
Ngoài việc kinh doanh, Đàm còn là một giảng viên ở trường đào tạo về công nghệ, kỹ thuật ôtô do mình thành lập. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Thanh Đàm là út trong gia đình có bốn người con. Bố anh là giáo viên dạy văn, mẹ là công nhân ở nông trường cà phê. Ba người anh trai đều tốt nghiệp đại học và có sự nghiệp thành đạt. Từ nhỏ, cậu bé Đàm đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học, 6 tuổi, anh đã thuộc và đọc vanh vách hết cuốn sách lịch sử lớp 12 của anh trai.

Năm Đàm học lớp 7, bố bị tai biến, liệt nửa người, các anh trai đang đi học xa nhà nên mẹ anh bỏ việc ở nông trường, đưa bố đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa trị. Cả gia đình tập trung cứu bố nên cậu con út lọt khỏi vòng tay của gia đình từ đó.

Không có ai kèm cặp, cậu bé thường xuyên bỏ học, tụ tập đám bạn cùng trang lứa tổ chức đánh nhau, lêu lổng. Tiền và vàng mẹ bán đất, bán cà phê để dành chữa trị cho bố, cậu lén trộm mang đi cá độ bóng đá, bida. Những trận đòn thập tử nhất sinh của anh trai cũng không ngăn được cú trượt dài vào con đường hư hỏng của Đàm.

Lớp 11, Đàm bị bắt vào trại giáo dưỡng vì tội tổ chức đánh nhau ở trường và cầm đầu một nhóm giang hồ dàn cảnh cướp tài sản dọc quốc lộ, bảo kê bãi cát… Những tháng trong trại không khiến cậu thay đổi mà ngược lại, từ đó quen được nhiều “anh em” hơn và trở nên lỳ lợm hơn. Suốt hai tháng, Đàm chỉ nung nấu ý nghĩ sau khi ra trại, phải làm gì để trở thành một đại ca. “Thấy mặt tôi về làng, nhiều người kéo tới nhà mắng chửi vì lôi kéo con em họ”, Đàm kể.

Nhưng chỉ có mẹ là chưa bao giờ mắng anh, bà chỉ nói: “Về đi học đi con”. Thương mẹ, gã giang hồ trẻ quay lại trường để thi tốt nghiệp trung học và vượt qua kỳ thi với tròn 30 điểm cho 6 môn. Tự cho mình đã hoàn thành nhiệm vụ với mẹ, anh lại quay về con đường cũ.

Giữa năm 2002, Đàm lãnh án 3 năm tù vì thực hiện liên tiếp 3 vụ cướp tài sản nghiêm trọng. Có lẽ đây là lần đầu tiên chàng trai cảm thấy ân hận vì những gì mình làm. Thầy Ngô Tùng Linh, trường THPT Buôn Mê Thuột, chủ nhiệm lớp 12 của Đàm nhớ lại: “Trong thời gian đang chạy trốn, ngày 29 Tết, trước khi ra đầu thú Đàm đến thăm tôi kể chuyện và hứa rằng sau khi ra tù sẽ thi đại học”.

Những ngày thụ án, tới kỳ thăm nuôi mẹ Đàm nấu món anh thích, một mình bắt xe đi hơn 100 km đến trại. Trong những cuộc gặp ngắn ngủi ấy, bà vẫn hy vọng và nhắc anh “ráng cải tạo tốt còn về đi học”. Anh biết mẹ vất vả khi một tay làm rẫy nuôi các anh ăn học, một tay chăm sóc bố vẫn liệt giường. Ở trong tù Đàm nghĩ: “Việc đầu tiên sẽ làm sau khi ra trại là về nhà ôm mẹ”.

Nhưng khi bóng mẹ vừa khuất sau cánh cổng trại, trở về phòng giam Đàm lại hiện nguyên hình là một “đại bàng” trong tù với những trận hỗn chiến. Nhiều lần bị kỷ luật, bị đưa đi biệt giam trong phòng tối 15 rồi 30 ngày đến liệt cả chân. Ngày ra trại, anh chưa kịp về nhà thì những “chiến hữu” cũ đã đến đón.

“Anh em mua điện thoại, cho tôi mượn tiền mua xe máy. Sau chầu nhậu, tôi ra thẳng bến xe làm ăn. Một lần nữa tôi quên mất mẹ”, anh kể.

Có người quen nói thấy Đàm bảo kê ở bến xe, lúc mẹ ra gọi anh mới chịu về nhà. Thấy bố vẫn năm một chỗ trong nhà, mẹ từ xa đi lại, vác bao cà phê to gấp đôi người, vấp ngã. Đàm lao đến đỡ, bà nói: “Con ơi, đừng đi nữa, chỉ có con mới cứu được mẹ”.

Đêm đó, một người bạn cũ đến thăm anh, tặng cuốn sách “Không bao giờ là thất bại – Tất cả là thử thách” của chủ tịch tập đoàn Hyundai, Chung Ju Yung. Lần đầu tiên sau nhiều năm, anh thức trắng đêm, đọc hết cuốn sách hơn 300 trang. Sáng hôm sau, Đàm đến kệ sách của gia đình, tìm lại những cuốn luyện thi đại học, khăn gói lên Sài Gòn.

Anh quyết làm lại cuộc đời từ đây.

Gia đình nhỏ của Nguyễn Thanh Đàm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Gia đình nhỏ của Nguyễn Thanh Đàm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đàm trượt kỳ thi thử lần đầu vào lớp ôn luyện vì mất kiến thức căn bản. Một mình đi bộ giữa dòng xe cộ về nhà trọ, anh nghĩ: “Liệu còn con đường nào để mình làm lại?”. Hôm sau, anh mua lại sách Toán, Lý, Hóa từ lớp 7 đến lớp 12 về tự học lại từ đầu. Tháng sau anh đậu vào lớp luyện thi.

Biết anh có mặt ở Sài Gòn, đám “huynh đệ” cũ ghé thăm. Sợ mình yếu lòng lại sa ngã lần nữa, Đàm chuyển chỗ ở. Ngoài giờ học ở lớp, ở nhà trọ, anh tự xích chân mình lại, nhờ bạn cùng phòng giữ chìa khóa, tới bữa mua hộ cơm.

Nửa năm sau, với 22,5 điểm, Đàm trượt ngành Xây dựng Đại học Bách Khoa. Tuy buồn, nhưng anh nghe tin, ở nhà mẹ đã cầm tờ báo có tên anh là một trong những thí sinh có điểm thi cao vừa khóc vừa đi khoe khắp xóm.

Sau đó, Đàm học ngành Công nghệ thông tin ở một trường đại học khác. Nhưng chưa dứt hẳn được tính “đại ca” một thời, Đàm tổ chức đánh nhau trong trường. Anh bị tạm đình chỉ học. Chán nản vì vẫn đang nợ 4 môn, cậu sinh viên bỏ học.

Chưa biết làm gì thì trong một lần về thăm nhà, anh thấy mẹ khác hẳn, bà đã vui trở lại, thường tự hào về anh trong những câu chuyện kể với hàng xóm. Không để mẹ thất vọng thêm một lần nữa, anh lên Sài Gòn thi đại học lần hai.

Năm đó có người em họ lên ở chung với anh để luyện thi đại học. Đàm giấu chuyện mình thi lại. Ban ngày anh vờ đến trường nhưng thực ra là đến quán cà phê ngồi học bài. Đêm về phải chờ cô em ngủ mới dám bày sách vở ra học tiếp. Chưa đầy nửa năm ôn luyện, chàng trai đỗ đại học ngành Kỹ thuật ôtô, Đại học Công nghiệp.

Nhưng cái “dớp” tù tội vẫn chưa buông tha cậu tân sinh viên. Nhập học trường mới, gánh nặng về kinh tế khiến anh muốn tự kiếm tiền để đỡ mẹ. Ngoài những việc làm thêm thông thường, anh trở thành đầu mối tiêu thụ xe trộm cắp của nhóm bạn cũ ở Đak Lak. Có tiền, anh quay lại nhậu nhẹt, sử dụng ma túy đá.

Một ngày, công an tóm được đường dây, đồng phạm đã khai báo hết. Đàm nhận được cuộc gọi từ cán bộ công an kêu gọi đầu thú, cho thời hạn ba ngày. Họ báo cho anh biết với tội của anh có thể sẽ bị đi tù 1-2 năm.

Hôm đó, Đàm đã đi làm chứng minh thư giả định trốn sang Campuchia đến khi nào mẹ anh qua đời thì trở về. Ý định tự tử thoáng trong đầu, nhưng nghĩ lại: “Nếu làm vậy thì ác với mẹ quá”.

Ba ngày sau, anh thú nhận với mẹ, mong bà tha thứ. Mẹ Đàm thất vọng, khóc suốt một đêm. Tới sáng, bà tựa cửa, nhìn anh cắp chiếu đến đồn tự thú nhưng vẫn khuyên đừng sinh sự để được về đi học. Đàm trả lời: “Con chỉ sợ con nhớ mẹ mà chết”.

Chín tháng ở trại tạm giam chờ ra tòa, càng nhớ mẹ, anh càng ước được trở về. Nhưng anh cũng xấu hổ, tự trách bản thân nhiều hơn. Đàm nghĩ chẳng còn cơ hội nào cho mình nếu phải ở tù thêm vài năm nữa. Lời cuối cùng ở tòa chàng thanh niên từng 2 lần ngồi tù nói: “Không biết mức án là thế nào nhưng thực tế tôi đã tự tuyên án tử hình cho mình vì quá ác với gia đình”. Lúc đó, Đàm chỉ nghĩ đến mẹ.

Hôm đó, anh được tha tại tòa do mức án tuyên vừa bằng thời gian bị tạm giam. Vừa quay ra, anh trai thứ ba của Đàm, bác sĩ Nguyễn Cao Viễn tặng anh một cái tát “trời giáng” như để trút sự dồn nén suốt nhiều năm. Sốc và xấu hổ, khi bước ra cổng tòa, Đàm lao thẳng vào chiếc xe tải đang chạy trên đường. Chiếc xe tránh kịp, anh thoát chết. Sau giây phút sinh tử, anh nghĩ: “Nếu đã không chết thì phải thay đổi”.

Về nhà, Đàm thấy mẹ già đi nhiều, người gầy hẳn. Biết mình không còn nhiều thời gian để làm gì cho mẹ nữa. Anh quay ngay trở lại trường, xin đi học lại.

Từ đó, Đàm lao vào học, thời gian rảnh anh xin vào các gara rửa xe học việc, sửa xe máy, phục vụ nhà hàng. Tự mày mò học lập trình web, anh khởi nghiệp nhiều dự án về kỹ thuật ô tô. “Tôi muốn cho mẹ thấy tôi thay đổi từng ngày, chứ không chỉ đợi đến lúc có tấm bằng”, Đàm nói.

Thầy Hoàng Ngọc Dương, giảng viên Khoa Công nghệ ôtô, trường ĐH Công nghiệp chia sẻ: “Biết được quá khứ của Đàm mới thấy cậu ấy có ý chí và nỗ lực rất lớn. Dù đang là sinh viên, nhưng cậu ấy chủ động bàn bạc với các thầy, tìm kiếm tài liệu, lập trình website để tạo một diễn đàn về ôtô. Đến nay, diễn đàn vẫn hoạt động với hơn 200.000 thành viên”.

Năm 2011, khi đang chuẩn bị ra trường, anh cùng hai người bạn của mình thành lập công ty, nuôi chí lớn. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm, không hiểu về kinh doanh công ty phá sản. Những dự án khởi nghiệp tiếp theo với chuỗi sửa xe máy công nghệ cao, dự án chống trộm thông minh… cũng lần lượt thất bại chỉ trong vài tháng hoạt động. Đến năm 2013, anh lập một công ty riêng cho mình và bắt đầu có những thành công đầu tiên. Tưởng chừng đã đến lúc anh mang đến niềm vui, bù đắp lại cho mẹ thì bà đột ngột qua đời.

“Tôi đã từng rất buồn nhưng tôi tin, trong khoảng thời gian ít ỏi đó, mẹ đã thấy tôi thay đổi. Đó là bằng chứng cho niềm tin của mẹ về tôi là đúng”, Đàm nói. “Trước những bế tắc trong cuộc sống, tôi chỉ cần nhắm mắt một phút, nghĩ về những ngày trong tù và mẹ, tự nhiên tôi tìm được lối ra”.

Diệp Phan/VE

Bài mới
Đọc nhiều