Hội nghị Trung ương 11 thảo luận chiến lược phát triển kinh tế, xã hội
Trong ngày làm việc thứ ba của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng, trong buổi sáng ngày 9/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2019, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020; dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2020 – 2022.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và 10 năm 2011 – 2020 được đề ra tại hai kỳ Đại hội của Đảng; xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế – xã hội mới.
Đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Phải chăng đó là: Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hoà; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách?
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế – xã hội nước ta hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, Báo cáo kinh tế – xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và 10 năm 2021 – 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực.
Minh Hưng