+
Aa
-
like
comment

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc không phải là cái cớ tấn công ngoại giao Việt Nam

Bảo An - 22/12/2021 10:07

Vừa qua, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đã được Ban Bí thư tổ chức để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Ngay sau đó, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã lợi dụng để xuyên tạc, tạo cớ chống phá chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tiếng Dân News cũng nhanh chóng đăng tải bài viết với tiêu đề “Đối ngoại như thế là… vì thế!”. Bài viết là tập hợp hàng loạt luận điệu sai trái, không chính xác, hướng lái tiêu cực công tác đối ngoại của Việt Nam. Chúng rêu rao “những nhân vật lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cùng xem đối ngoại là tập hợp những chiêu trò vốn dĩ người tử tế không ai nghĩ tới và tất nhiên không ai làm”, “các viên chức ngoại giao và cơ quan ngoại giao Việt Nam chỉ nghe ra, nhìn thấy và rà trúng những yếu tố liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”… Cùng với đó, chúng cũng xuyên tạc ý kiến chỉ đạo, công kích cá nhân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tấn công đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Sau Đại hội Đảng lần thứ XI năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành Đổi mới và thay đổi tư duy trên nhiều phương diện, trong đó có công tác đối ngoại. Bước sang những năm 90 của thế kỷ XX, công tác đối ngoại của Việt Nam được đẩy mạnh, các mối quan hệ song phương và đa phương được thiết lập và củng cố. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh việc tăng cường song phương, nâng tầm đa phương trong các mối quan hệ ngoại giao. Có thể khẳng định, Việt Nam đã thực sự là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong các mối quan hệ, Việt Nam đều thể hiện sự chân thành, bảo đảm sự hài hoà trong lợi ích của các bên.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 3 nước có “quan hệ đặc biệt,” 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Cùng với đó, Việt Nam cũng tham gia vào nhiều tổ chức khu vực và thế giới; là thành viên của nhiều Hiệp định. Những con số trên cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam hoàn toàn đúng đắn và chính xác. Đồng thời, nó cũng là minh chứng đập tan luận điệu cho rằng “những nhân vật lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cùng xem đối ngoại là tập hợp những chiêu, trò vốn dĩ người tử tế không ai nghĩ tới và tất nhiên không ai làm” đang được các đối tượng xấu lan truyền.

Trong những năm qua, các các nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị liên tục công kích, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam. Mục tiêu của chúng là cô lập Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế. Những kẻ này thừa hiểu “thêm một người bạn là bớt một kẻ thù”, khi Việt Nam càng mở rộng các mối quan hệ ngoại giao, trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế thì vị thế, uy tín của Việt Nam sẽ được nâng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đối tượng này sẽ không thể phá hoại, tấn công chế độ chính trị của Việt Nam. Bởi vậy, chúng ra sức xuyên tạc, hướng lái tiêu cực, bôi lem, vấy bẩn, hạ bệ uy tín, hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hợp tác cùng phát triển là xu thế chung trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Để có thể tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, hạn chế những mâu thuẫn, bất đồng trong các mối quan hệ quốc tế thì công tác ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, Việt Nam luôn thẳng thắn, chân thành trong quan hệ quốc tế; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều