+
Aa
-
like
comment

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa 13 khai mạc

18/09/2024 10:53

Sáng hôm nay ngày 18/9, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa 13 khai mạc tại Hà Nội và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến, làm việc trong và ngoài giờ hành chính. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc hai nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.

Hội nghị Trung ương 10 khai mạc sáng 18/9.

Khẳng định Đại hội 14 đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị mỗi Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm ngay từ quá trình xây dựng văn kiện.

Tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác chuẩn bị Đại hội 14 của Đảng có 3 vấn đề. Về các văn kiện trình Đại hội, Báo cáo chính trị là trung tâm; tổng kết 40 năm đổi mới là báo cáo quan trọng để chắt lọc tinh hoa đưa vào Văn kiện Đại hội 14; Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng là các báo cáo chuyên đề.

“Về đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tiếp theo, phải chăng là tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở.

Ông cho rằng, phát triển lực lượng sản xuất mới cùng với hoàn thiện quan hệ sản xuất tạo cơ hội và các không gian phát triển mới, tạo động lực then chốt cho sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh phân cấp phân quyền

Về phương hướng, giải pháp chiến lược, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần tập trung hoàn thiện quan hệ sản xuất, trọng tâm là tinh gọn bộ máy Tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị – xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc tiến lên.

Việc phân cấp, phân quyền cần đẩy mạnh với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính; khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nhân dân.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được đẩy mạnh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi…; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; chủ động tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Nhân sự là then chốt của then chốt

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh công tác nhân sự Đại hội 14 là công việc hệ trọng, là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới.

Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và xây dựng phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 14 và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031.

“Tôi tin tưởng rằng, Ban Chấp hành Trung ương sẽ đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước lịch sử vẻ vang của Đảng và truyền thống cha ông để làm thật tốt việc này với tinh thần công tâm, trong sáng, khoa học, khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, đặt lên hàng đầu lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân”, ông nói.

Về Công tác Xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế vướng mắc, những đề xuất phương hướng nhiệm vụ giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa 14.

“Những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần bổ sung sửa đổi Điều lệ đảng chưa hay chỉ cần điều chỉnh các quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề.

Bài mới
Đọc nhiều