+
Aa
-
like
comment

Hồi ký tràn lan trên mạng, nhiều sự thật không được kiểm chứng

08/11/2020 08:20

Các kiểu hồi ký online dễ dàng đăng tải trên mạng nên nếu không được “sạch sẽ” sẽ gây “ngộ độc” cho người xem, người nghe. Có rất nhiều kiểu hồi ký đầy “sạn” đang lan truyền trên mạng, khâu biên tập và kiểm duyệt đang bỏ ngỏ.

Hồi ký tràn lan trên mạng, nhiều sự thật không được kiểm chứng - Ảnh 1.
Hồi ký chiến tranh, chuyện kể lịch sử được chuyển sang sách nói audio hay nhân vật kể lại là nội dung được nhiều người theo dõi trên mạng – Ảnh: K.NGUYÊN (chụp màn hình)

Hồi ký, những chuyện kể về lịch sử, hồi ức, hồi ký chiến tranh thật sự là nguồn tư liệu quý giá cho thế hệ trẻ muốn tìm hiểu. Thế nhưng…

Miễn là vui?

Tiếc rằng việc biên tập tư liệu, ngôn ngữ trong các kiểu hồi ký chưa cẩn trọng trước khi công khai ra xã hội. Khi chuyện được chia sẻ đã không còn là chuyện của riêng người viết ra, nhất là khi cá nhân đó nổi tiếng hay từng mang trọng trách quan trọng trong xã hội.

Có nhiều chi tiết thiếu cân nhắc, được kể rất chủ quan và không hề có lợi cho cộng đồng, thậm chí có thể bị xuyên tạc với ý đồ xấu. Tôi từng đọc thấy những chuyện tế nhị, chỉ nên để dành kể cho nhau nghe vào dịp trà dư tửu hậu nay cũng được xuất bản, lan truyền.

Trong số hồi ký thì hồi ký của người nổi tiếng luôn được chú ý. Những năm gần đây, nhiều người nổi tiếng cho xuất bản những cuốn hồi ký công khai ra xã hội. Hồi ký có thể gây rắc rối cho chính người viết, cho gia đình và phiền cho những người được đề cập.

Hồi ký của một nữ diễn viên từng gây tranh luận về chuyện con cái “kể xấu” đấng sinh thành lên mặt sách. Hay như hồi ký của một nam diễn viên gây xôn xao về mặt đạo đức khi anh kể “chiến tích tình trường” có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc gia đình người được đề cập ở hiện tại.

Hồi ký thường được người viết cho là nghĩ như thế nào kể ra thế đó mới là thật nhất. Nhưng khó kiểm chứng điều họ cho là thật.

Người xung quanh có thể vô tình thành nạn nhân của hồi ký. Nhất là khi người làm ra hồi ký nghiêng về giá trị thương mại, giải trí hơn là thật sự cần nhu cầu được đồng cảm, chia sẻ, san sẻ nỗi niềm đến đông đảo bạn đọc, công chúng mến mộ. Vui phần mình, để phần buồn, bức xúc cho người khác…

Khi hồi ký có “sạn”

Việc xuất bản hồi ký kể chuyện lịch sử trên mạng đang khá phổ biến. Người viết “tự kiểm duyệt” kèm theo đó là nguy cơ “sạn” cho người tiếp nhận bởi không ít câu chuyện nhằm mục đích câu view hay cao hứng kể và cường điệu, lệch so với thực tế.

Hồi ký về chiến tranh thu hút lượng người “hâm mộ” đông đảo không kém hồi ký nghệ sĩ. Người xem phần lớn là những người trẻ muốn tìm những thông tin bên ngoài sách vở.

Trên một diễn đàn nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới từng được nhiều người đón chờ từng ngày những câu chuyện kể, những tấm ảnh cũ thời ấy, một người nhận là cựu chiến binh kể chuyện những ngày tháng chiến đấu kiên cường của ông và đồng đội.

Những chi tiết sai đã bị một đồng đội “sửa lưng” nhẹ nhàng kèm bằng chứng thuyết phục… Sau đó ông phải tự nhận lỗi với bạn đọc vì chỉ là kể lại chứ không tham gia trực tiếp các trận đánh.

Ngày nay, với kiểu đăng tải đa dạng, tương tác dễ dàng của mạng xã hội, hồi ký trở thành “món ngon” của người làm nội dung. Nhiều sách hồi ký, tư liệu cá nhân trên giấy được chuyển sang dạng sách nói (audio book).

Việc này mặt tốt là có thể góp phần bồi đắp tình yêu nước, yêu chuộng hòa bình chính nghĩa, tự hào về lịch sử nước nhà, nhưng hồi ký chiến tranh, chuyện kể lịch sử cần được chọn lọc chi tiết, biên tập cẩn thận hơn.

Từ cách đặt tựa, xưng hô, gọi tên trong hồi ký đôi khi chưa chuẩn mực, lẫn lộn địa danh, nhiều chi tiết trận đánh người kể dùng từ “dường như” và nhầm lẫn, sai lệch không thể tránh khỏi.

Tôi nghe một hồi ký về chiến tranh từ một kênh YouTube hàng trăm ngàn người đăng ký chuyên kể những chuyện không hay lắm. Những sự kiện đã lùi vào dĩ vãng được kể lại đồng thời bày tỏ ý nghĩ tiêu cực.

Chẳng hạn như họ kể lại chuyện đồng đội mình “cầm nhầm” tài sản của dân, tự tiện “giếm” cổ vật (đã nộp lại). Nay người kể lại tiếc vì đã phải giao lại vì nếu cố giữ lại được hẳn là một kho báu (?!).

Cách kể, lời kể chỉ là phiến diện, câu chuyện ứng xử sai của một thiểu số người, thế nhưng qua chuyện kể trên mạng (thực hư không chắc) người ta đã và đang làm méo mó hình ảnh người lính.

Điều này sẽ không công bằng với những người khác. Và còn có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của người nghe.

Và còn bao kiểu đặt tít theo hơi hướng kiểu chửi, ngôn ngữ miệt thị người dân tộc, sai thông tin, sai địa danh… không hề được biên tập, chỉnh sửa cũng như đính chính khi được góp ý.

Đâu phải chuyện mua vui

Tôi lại tự hỏi có gì hay ho, đáng để cho cháu con nghe những chuyện này? Con người có thể không khỏi mắc sai lầm ở một thời điểm, lúc nào đó.

Nên hồi ký không phải chỉ là câu chuyện kể ra để mua vui, kể chỉ để kể bâng quơ, gì cũng kể, không mục đích, không nhận ra xấu tốt…

Người trẻ luôn mong đón nhận những quyển sách, tư liệu lịch sử mang đến giá trị và việc làm, cách sống tự hào từ cha anh. Cho nên người làm hồi ký, câu chuyện lịch sử cần phải chú trọng đến giá trị chung của cộng đồng.

KHÔI NGUYÊN/TT

Bài mới
Đọc nhiều