Học tập cách chống tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trảm ngay kẻ tội đồ
Năm 1949, đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu coi việc ăn mặc cho toàn quân thường xuyên bớt xén. Mỗi cái màn ăn hai tấc vải, ngồi là đụng đầu; áo trấn thủ bị ăn cắp bông lót, thay bằng bao tải. Chiến sĩ vô vàn đói khát, còn răng với răng.
Trần Dụ Châu tổ chức đám cưới cho “đệ tử ruột” Lê Sĩ Cửu, người phụ trách công tác vật tư. Đám cưới có hội trường, bạch lạp (nến trắng) to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thuỷ tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt… Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau là một vệ sĩ cao lớn, “côn bạt” đeo xệ bên hông. Châu mời nhà thơ Đoàn Phú Tứ lên đọc thơ mừng. Giận bọn võ biền đốn mạt, Đoàn thi sĩ làm hai câu: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/ Được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”.
Trần Dụ Châu tát Đoàn Phú Tứ một cú văng máu tươi. Nhà thơ hôm sau viết thư tố tội với cụ Hồ. Một tuần sau, toà án binh được lập ngay tại nơi làm tiệc cưới. Ông Dụ Châu nhận án tử hình. Đệ tử Lê Cửu Sĩ nhục nhã, tự vẫn luôn trong tù. Việc được chí sĩ Phùng Quán kể sinh động trong “Ba phút sự thật”. Cụ Hồ là người ký án tử, Trần Dụ Châu sau có đệ đơn xin giảm án, cụ Hồ lập tức bác đơn, không cứu xét.
Nhắc việc xưa để so sánh, đám cưới xa hoa trong hoàn cảnh kháng chiến, về biên độ, cũng ngang quan chức thó trăm tỷ nghìn tỷ giữa lúc quốc gia ngập nợ công ở thì hiện tại. Khách quan nhìn nhận thì bản án cho Trần Dụ Châu khốc liệt nếu chiếu theo luật hình. Nhưng nó thể hiện ý chí chính trị sắt đá và tâm thức vì dân, vì nước.
Ngày nay, với uy lực của luật pháp hiện đại, vẫn chưa thấy quan tham nào lên đoạn đầu đài. Nói không quá, cản lực lớn nhất chính là ý chí chính trị. Thời cụ Hồ quyền lực tập trung dễ bề quyết định. Thời này quyền lực phân tán, va vào đâu cũng ngại. Cái ngại thực chất là đụng vào uy quyền của nhau. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí than thở: Đưa được bộ trưởng, Uỷ viên TW vào tù rất khó! “Làm án tham nhũng còn khó hơn án ma túy vì đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ đồng chí, đồng nghiệp, đồng sự, anh em”.
Đã tham nhũng thì phải minh định là giặc, là Việt gian phản trắc, còn nề hà đồng chí anh em thì khó dứt khoát được. Cụ Hồ nhân ái vậy mà vẫn ký án tử, bác đơn cứu xét. Có lẽ vì cụ không nhìn can phạm mà cụ nhìn nhân dân, thấy đất nước khi hành sự. Đó mới là tâm thế đúng! Ngày nay đã chỉ mặt đặt tên giặc tham nhũng mà vẫn chùn tay, tức là còn mê mải nhìn nhau, chưa thấy nhân dân. Đã không nhìn thấy nhân dân thì càng hô khẩu hiệu “học tập làm theo” càng vô nghĩa!
(Theo Nguyễn Tiến Tường)