+
Aa
-
like
comment

Học sinh tự tử, đừng nói giá như…

Hạnh Phúc - 20/04/2023 09:02

Sự việc em N.T.Y.N nữ sinh lớp 10A15 trường THPT Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng, nghi do bị đánh và ngược đãi tâm lý khi đến trường để lại sự tiếc thương không chỉ cho gia đình. Trước vấn nạn bạo lực học đường đầy nhức nhối, những người thực hiện nhiệm vụ giáo dục và toàn xã hội cần thực sự nghiêm túc quan tâm đến vấn đề này.

Ngôi trường nơi nữ sinh theo học

Để trường học thật sự là ngôi nhà thứ hai của các em là cả một quá trình nỗ lực tạo lập dựng xây bằng tất cả trái tim yêu thương và thấu cảm của người thầy. Ở nhà có cha mẹ, lên trường có thầy cô, học sinh cần có nơi để được sẻ chia khó khăn và trút cạn nỗi lòng. Khi tất cả chúng ta, đau xót thay ở đây lại là một đứa trẻ, chọn lấy con đường kết thúc sự sống chính là khi em không còn có thể tìm thấy một con đường khác. Em học sinh ấy đã cạn kiệt những năng lượng tích cực và chỉ mong được giải thoát khỏi hiện tại bằng bất cứ giá nào, dù đó là cái chết. Giá như nhà trường tinh ý hơn để giải quyết vấn đề kịp thời khi em N.T.Y.N lên xin chuyển lớp, giá như gia đình không vì bận rộn những việc khác đành để em một mình trong những ngày em còn chưa hết hoang mang, giá như em bình tâm hơn để đợi sự hỗ trợ của mọi người…

Học sinh tự tử, đừng nói đến chuyện giá như. Không có sợi dây kinh nghiệm nào để rút ở đây càng không có sự vô can khi chúng ta đã vô tình bỏ rơi một đứa trẻ đang trong cơn bế tắc và cùng quẫn. Mọi nỗi đau đều được khởi nguồn bởi sự chậm trễ và không thể nhìn thấy nguy cơ một đứa trẻ vì tuyệt vọng mà chọn lấy cái chết.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc em N.T.Y.N tự tử vẫn còn trong nghi vấn. Hiện tại, theo thông tin được cung cấp từ gia đình là em bị đánh bị cô lập dẫn đến bế tắc tìm cách giải thoát. Từ đó, em N.T.Y.N có thể chính là nạn nhân của bạo lực học đường. Bất kỳ trẻ em nào đến trường, bất cứ ở địa phương nào, quốc gia nào đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường là một thực tế quá xót xa. Mặc dù việc giáo dục học sinh luôn đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ và chia sẻ đã trở thành một trong những nội dung trọng tâm của nhà trường. Nhiệm vụ “dạy chữ” nên đi đôi với “dạy người”. Một khi giáo dục chạy theo áp lực thành tích thì phải chăng việc “dạy người” một phần bị buông lỏng, và bạo lực học đường được sản sinh từ đó? Và hệ lụy của nó, như chúng ta đã biết đó là sự mất mát không điều gì có thể bù đắp được, khi một em học sinh nào đó trở thành nạn nhân.

Kết lại với câu chuyện một bác sĩ người Mỹ chia sẻ điều ông trăn trở nhất khi không cứu được một cô bé 16 tuổi tự tử sau khi bị xâm hại: Tên cướp đã không giết cháu, cớ sao cháu lại tự giết mình? Chúng tôi rất hy vọng thầy cô giáo và phụ huynh luôn nhẫn nại với trẻ và đừng quên nhắc nhở con em mình rằng quý giá nhất chính là sinh mạng con người, có những lúc tận cùng của nỗi khốn khổ chỉ cần chúng ta còn sống, tất cả đều có thể thay đổi!

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều