Học sinh lớp 2 học xác suất và thống kê liệu có quá sức?
Thông tin chương trình phổ thông mới sẽ bắt đầu dạy toán thống kê và xác suất từ lớp 2 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về độ khó và tính khả thi.
PGS. TS Ngô Hoàng Long, Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trong chương trình phổ thông mới có một mảng kiến thức thay đổi lớn nhất so với chương trình hiện hành là thống kê và xác suất.
Phần mới này sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 đến lớp 12, với nội dung mang tính đồng tâm và nâng cao dần. Học sinh sẽ bắt đầu làm quen với những khái niệm đơn giản và nâng dần lên các cấp cao hơn.
Cụ thể về xác suất, học sinh được làm quen với phép thử và yêu cầu các em nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản, mức độ có thể hoặc không thể. Với thống kê, ở lớp 2 học sinh làm quen biểu đồ tranh với những thao tác kiểm đếm đơn giản, dễ hiểu; nội dung sẽ chỉ khó ở các cấp học cao hơn.
Phụ huynh lo con không hiểu bài
Thông tin học sinh nhỏ tuổi phải học thống kê và xác suất khiến nhiều người lo lắng, nhất là với phụ huynh, bởi hai từ ngày họ còn chưa hiểu, huống hồ là học sinh.
Chị Hoàng Quỳnh (Linh Đàm, Hà Nội) băn khoăn, các bạn lớp 2 mới bắt đầu biết đọc, biết viết những phép tính và câu văn ngắn gọn, liệu rằng có đủ sức để hiểu được thế nào là xác suất thống kê.
“Tôi không phủ nhận tác dụng của môn học thống kê và xác suất giúp ích rất nhiều trong học tập, đặc biệt phần thống kê giúp xử lý công việc trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng để đưa vào dạy học cho các bạn lớp 2 là hơi sớm. Tôi muốn các con nắm vững kiến thức gốc rồi mới đến suy tính, phép thử, phân tích sau”, chị Quỳnh nói.
Chị Nguyễn Hoài (Kim Mã, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây ở đại học, bản thân tôi rất sợ học môn thống kê và xác suất, có quá nhiều các công thức tính, suy luận và phân tích câu hỏi. Tôi không nghĩ việc đưa học phần này vào dạy từ lớp 2 là phương án khả thi và không thật sự hợp lý”.
Theo chị Hoài, các con còn quá nhỏ để hiểu bản chất các vấn đề đúng và sai cụ thể thế nào. Học phần thống kê và xác suất nên lùi lại đến lớp 3 hoặc lớp 4 sẽ hợp lý hơn là cho các con học ngay từng những lớp đầu cấp.
Cùng lo lắng, anh Trần Công Thành (Phú Thọ) bày tỏ, rất nhiều các bạn học sinh ở vùng khó khăn đến hết lớp 2 còn chưa đọc thông, viết thạo; thử hỏi nếu để thêm phần thống kê và xác suất vào chương trình học thì các em sẽ gánh kiểu gì.
Quá khó để bắt một đứa trẻ tính toán và đưa ra lời phản biện cho một vấn đề; cần tính toán lại về thời điểm hợp lý để đưa phần kiến thức này vào dạy cho các em. Hoặc nếu vẫn đưa vào dạy để giúp các con hình thành năng lực tư duy phản biện từ sớm thì nên giảm tải bớt các học phần rườm ra, giáo điều khác, anh Thành đề xuất.
Chỉ là những phép tính đơn giản
Cô giáo Lê Nga, trường TH Tân Phượng, Phú Thọ cho hay, phần kiến thức về thống kê và xác suất tới đây được đưa vào giảng dạy ở lớp 2 chỉ dừng lại ở những phép tính đơn giản đúng hoặc sai, có hoặc không.
Cô giáo này khuyên phụ huynh và dư luận đừng vội lo lắng, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho các em học sinh làm quen với việc tư duy và phản biện lại vấn đề. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo và cùng hỏi con mỗi ngày khi ở nhà. Điều này sẽ giúp các con luyện kiến thức và tăng khả năng logic, cung cấp thêm kiến thức phong phú hơn.
Ví dụ như về xác suất sẽ hỏi Mặt trời có thể mọc hướng Tây được không; nước có thế tự sôi nóng được không… rất đơn giản và gần gũi với các em hàng ngày.
Cô giáo Phan Hiền, trường TH Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cũng cho rằng, các gia đình đừng vội lo lắng khiến các con hoang mang theo. Chúng ta yên tâm rằng phần kiến thức thống kê và xác suất chiếm thời lượng dạy ít hơn so với phần đại số cơ bản, các con hoàn toàn có khả năng để đáp ứng được yêu cầu môn học.
Thực chất, trong chương trình dạy hiện nay đã và đang xen kẽ một chút các phần thống kê theo hình thức kẻ bảng, điền số vào ô còn thiếu theo thứ tự.
Đến chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, các chuyên gia chỉ là tách biệt riêng và làm rõ tên gọi thống kê và xác suất; điều này sẽ không quá khác biệt hay kiến thức quá nặng làm khó các bạn học sinh, cô Hiền cho hay.
Giải đáp kỹ hơn những lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Ngô Hoàng Long thông tin, ngoài các kỹ năng tư duy cơ bản thì học sinh ngày nay cần phải có kỹ năng tư duy về mặt thống kê và xác suất để vận dụng xử lý, phân tích thông tin. Việc có kiến thức về xác suất, thống kê sẽ giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
Như vậy, với học sinh lớp 2, các yêu cầu của phần này không khó, tương tự các việc hiện nay các em đang làm. Kiến thức mới chỉ ở mức độ làm quen, chưa có phân tích, tính toán gì, là phần mở đầu để nâng dần cho các lớp sau mà thô, PGS Long cho biết thêm.
(Theo VTC News)