Học sinh đeo nón chắn giọt bắn: Lợi không bằng hại!
Ngay trong những ngày đầu tiên học sinh trên cả nước quay trở lại trường học, rất nhiều các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 được triển khai nhằm bảo đảm an toàn cho các em. Tuy nhiên, việc cha mẹ cho con đeo kính chống giọt bắn khi trở lại trường đang gây nhiều tranh cãi.
An toàn hay có hại?
Ngày 5/5, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh học sinh tới trường sau thời gian giãn cách, trong đó cảnh tượng học sinh khối tiểu học đeo khẩu trang, đội nón chắn giọt bắn khiến các phụ huynh xôn xao, tranh cãi. Một số phụ huynh tỏ ra ủng hộ với việc này giúp bảo vệ sức khoẻ của con trẻ.
Tại Trường tiểu học Núi Thành – Đà Nẵng, phụ huynh của khối lớp Một đã tự trang bị nón chắn giọt bắn cho con và giáo viên. Hay Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) đã được tài trợ tới 2.400 chiếc nón này để chống dịch COVID-19… Không khó để nhìn thấy trong đó có những học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo nón chắn giọt bắn lại kèm theo kính cận.
Chị Trần Phương Nga (Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh Trường Mầm non Hoa Mai lại cho rằng việc đeo thêm một lớp kính chống giọt bắn sẽ tăng thêm độ an toàn cho trẻ khi tiếp xúc với nhiều thầy cô bạn bè trong môi trường tập thể.
Chị cho rằng, dư luận không nên chỉ trích, phụ huynh trang bị thêm cho con cũng vì lo lắng, mong con được an toàn. Không ít phụ huynh cảm thấy an tâm với biện pháp này bởi có thể bảo vệ con mình một cách “tối đa” khỏi các nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh băn khoăn. Chị Đinh Hương (Long Biên, Hà Nội) có con đang học lớp Một, cho biết: “Riêng việc đeo khẩu trang suốt thời gian học ở lớp đã khiến chúng tôi lo lắng, không biết các con có thực hiện được hay không. Nên nếu trang bị cả thêm tấm chắn bảo hộ thì các con sẽ vướng víu, nóng nực không chịu nổi khi thời tiết đã vào hè”.
Lo ngại việc đeo tấm chắn giọt bắn sẽ áp dụng đại trà sau khi TP.Hà Nội, TP.HCM cho trẻ độ tuổi nhỏ đi học trở lại, chị Thu Hương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm với nhà trường, nếu sử dụng biện pháp này thì chị sẽ cho con nghỉ học. “Người lớn đôi khi đeo kính thôi đã thấy bất tiện. Chưa kể tấm chắn sử dụng chất liệu nhựa nên có thể ảnh hưởng thị lực của trẻ. Nếu nhà trường cẩn thận tới mức này, tôi thà cho con nghỉ, chứ không thể tuân thủ một cách rập khuôn, máy móc”, chị Hương nói.
Chị Minh Thương (Thanh Xuân, Hà Nội), có con gái học lớp 4, Trường Tiểu học Trần Lãm – cho biết, chị cảm thấy việc trang bị kính chống giọt bắn cho các cháu học sinh ngày trở lại trường là việc không cần thiết.
“Tôi thấy việc đeo khẩu trang và rửa tay quan trọng hơn việc đeo kính chống giọt bắn. Bởi lẽ các cháu còn nhỏ, hiếu động mà vừa phải đeo khẩu trang rồi lại đeo thêm một lớp kính chống giọt bắn trong thời dài sẽ khiến các cháu khó chịu, gây khó khăn cho quá trình quan sát bài giảng trên bảng.
Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc cẩn trọng là cần thiết nhưng phải hợp lý, đúng mức tránh lãng phí và khiến trẻ khó chịu”- chị Thương bày tỏ.
Chính phủ nói gì?
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng nay (6.5), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay đến giờ phút này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định chúng ta đã cơ bản đẩy lui được dịch bệnh, nên chúng ta phải quay lại cuộc sống sản xuất kinh doanh, sinh hoạt trong một trạng thái bình thường mới”- ông nói.
Nhắc đến vấn đề học sinh đeo nón chắn giọt bắn khi đi học, phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta nên bỏ các biện pháp giới hạn không cần thiết và không khoa học, cực đoan như bắt học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ bằng nhựa, không cần thiết và hại cho sức khỏe. Trong trường học, chỉ cần các cháu học sinh trong lớp học, không bắt buộc phải đeo khẩu trang…”
“Chỉ khuyến nghị các cháu cố gắng đừng phun nước bọt vào nhau, chịu khó rửa tay, giờ ra chơi đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với bạn lớp khác, nếu không may có xác suất rất nhỏ có một cháu nhiễm thì chỉ bị trong lớp đó”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ngoài ra, ông cho hay: “Không bắt buộc một cách cực đoan là cấm không bật điều hòa. Gốc gác việc cấm bật điều hòa là chỉ cấm bật điều hòa nơi tập trung vì nếu có một người mang virus thì hệ thống điều hòa sẽ mang con virus đó đi sang phòng khác. Chúng ta chỉ khuyến nghị các lớp học và công sở nên định kỳ mở cửa thông thoáng cho không khí đối lưu với bên ngoài”.
Theo Phó Thủ tướng, phải thống nhất biện pháp đó để các con, các cháu đến trường an toàn, khỏe mạnh và học tập cũng bớt áp lực tâm lý. Phụ huynh cơ bản chăm lo cho các con ngoài đến trường thì cũng hạn chế đến nơi công cộng không cần thiết.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc đeo nón chắn giọt bắn không phải là biện pháp bảo vệ trẻ duy nhất khỏi dịch bệnh. Các bậc phụ huynh nên có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nhắc nhở, tạo thói quen rửa tay cho trẻ thường xuyên, không tiếp xúc gần khi các con chơi đùa, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng… Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải quan tâm tới công tác vệ sinh, phun khử khuẩn thường xuyên theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quỳnh Quỳnh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)