+
Aa
-
like
comment

Học sinh bị ép không được thi vào lớp 10: Căn bệnh thành tích đang đục khoét nền giáo dục

Huy Hoàng - 15/04/2022 10:44

Thông tin chưa kiểm chứng về vấn đề các em học sinh lớp 9 ở một số trường Hà Nội bị khuyên nên chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 do có học lực không tốt. Dù thông tin này thật hay giả nó cũng đã chỉ chúng ta thấy, căn bệnh thành tích đang đục khoét nền giáo dục Việt Nam.

Thực tế thì hiện nay ở ngôi trường nào, lớp học nào cũng ít nhiều để xảy ra tình trạng này: Chạy đua thành tích để rồi khiến cho nhiều giáo viên và nhà trường có thái độ phân biệt đối xử với học sinh.

Covid-19 đã khiến không ít người bị kỳ thị, hẳn những ai từng trải qua cảm giác này sẽ hiểu rất rõ tâm trạng các em học sinh có học lực không tốt, khi mỗi ngày đến lớp đều phải nghe những lời nhận xét không mấy tốt đẹp về mình. Không những bị so sánh, so sánh ở trường cho đến ở nhà mà sau tất cả, tệ nhất vẫn là phân biệt đối xử. Bởi nó cho thấy một thái độ ruồng bỏ ra mặt đối với các em. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp xoa dịu tình trạng này, thì căn bệnh thành tích sẽ làm suy thoái cả nền giáo dục quốc gia. Bởi chạy đua thành tích chỉ mang đến lợi ích cho một nhóm người. Nó làm đẹp bảng điểm thi đua của lớp và làm đẹp danh sách học sinh khá giỏi của nhà trường. Vậy rồi các em học sinh sẽ đến trường để làm gì? Liệu các em sẽ đến học tập để mai sau xây dựng đất nước, hay là bị sử dụng để mang lại thành tích cho người khác?

Đứng ở góc độ kinh tế, thành tích giống như lạm phát, ở mức độ vừa phải thi đua khen thưởng sẽ thúc đẩy các em cố gắng học tập, giống như cách lạm phát tạo động lực để kinh tế không ngừng phát triển. Nhưng nếu để nó vượt ngưỡng, cả một nền kinh tế sẽ suy thoái. Còn với giáo dục, đặt nặng thành tích sẽ tạo thành một vết trượt dài của đất nước. Bởi nạn nhân của phân biệt đối xử thì nào chỉ có học sinh. Phụ huynh và thậm chí là các giáo viên cũng chính là người bị tổn thương nặng nề về tâm lý. Về phía phụ huynh, họ sẽ vô cùng bức xúc vì con em mình bị rẻ rúng. Sẽ không bậc phụ huynh nào chấp nhận được việc con mình bị phân biệt đối xử, vì hành động đó cũng như đang động chạm đến họ. Còn phía giáo viên, đặc biệt là những ai dạy môn được cho là môn phụ thì học sinh, phụ huynh phân biệt đã đành, ngay cả Ban giám hiệu, đồng nghiệp cũng phân biệt rạch ròi môn chính, môn phụ, hợp đồng, biên chế. Bệnh thành tích khiến chúng ta phân biệt đối xử với nhau. Đôi khi người bị tổn thương lại làm tổn thương người khác, để rồi hệ lụy nối tiếp hệ lụy khiến một xã hội ngày càng mất đoàn kết.

Tin nhắn về việc ép học sinh trong một group chat

Phân biệt đối xử giữa người với người chưa bao giờ là tốt. Bởi đó là liều thuốc độc để làm thối rửa xã hội nhanh nhất, nó dễ lây lan, gây chia rẽ xã hội và mất đoàn kết. Tạo ra nhiều lỗ hổng cho kẻ xấu kích động cách mạng màu, làm bất ổn an ninh quốc gia. Đoàn kết là chủ đề xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Dù thời bình hay thời chiến thì đoàn kết luôn là yếu tố quyết định sự thịnh suy của một dân tộc.

Lời Bác dạy vẫn luôn là chân lý, rằng: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch”, rằng: “nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa”. Cho nên, chúng ta buộc phải lên tiếng để đấu tranh với các thực trạng gây mất đoàn kết xã hội, nhất là khi nó đến từ trong những ngôi trường nơi đào tạo ra những thế hệ tương lai của quốc gia. Để nếu không, lỡ khi có giặc đến nhà thì mỗi nhà chạy mỗi hướng thì đất nước sẽ đi về đâu.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều