Học phí trường đại học công sẽ tăng đến đâu?
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (luật Giáo dục đại học sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã đi vào thực tế (từ ngày 1.7.2019). Với người học, nội dung tác động nhiều nhất chính là việc tăng học phí khi các trường được thực hiện tự chủ.
Trường nào được tự chủ xác định học phí ?
Theo điều 65 của luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục ĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Trong đó, với trường công lập, học phí sẽ có 2 cách tính khác nhau, tùy thuộc việc thực hiện quyền tự chủ và mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể, trường thực hiện quyền tự chủ và có khả năng tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ xác định học phí. Nhóm trường công còn lại vẫn thu học phí theo quy định của Chính phủ. Việc xác định học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Như vậy, dựa theo luật mới này, trường tự chủ sẽ được toàn quyền tự quyết học phí trên cơ sở cân đối thu chi.
Tuy nhiên, để trở thành trường tự chủ, phải có đủ các điều kiện đi kèm về hội đồng trường, hội đồng ĐH, được công nhận đạt chất lượng cơ sở giáo dục… Các trường phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các dịch vụ khác theo lộ trình cả khóa học, từng năm học ngay khi thông báo tuyển sinh và có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Dù luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 nhưng hiện học phí các trường công được tự chủ hoặc chưa đều thực hiện theo Nghị định 86 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến 2020 – 2021.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đã có 23 trường ĐH được giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017. Giai đoạn thí điểm kết thúc vào năm 2017 nhưng theo Nghị quyết 117 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.2017, các đơn vị này vẫn tiếp tục thực hiện cho tới khi có nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập. Việc xác định học phí của các đơn vị này tiếp tục bám vào Nghị định 86 dành cho trường đã thực hiện tự chủ.
Có thể tăng tới 3,5 lần
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho biết học phí của 23 trường ĐH được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tự chủ vừa qua là sự minh họa cho bài toán học phí tính theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được thông qua. Tùy theo ngành nghề, mức học phí sẽ được thu khác nhau dựa trên chi phí đào tạo thực tế cho một sinh viên trong năm học.
Ông Hoàn cũng cho hay học phí của trường dựa vào Nghị định 86 và đây cũng chính là mức tính đúng – đủ chi phí đào tạo cho một sinh viên. Mức thu này sẽ dùng để chi trả tất cả mọi thứ có liên quan đến hoạt động đào tạo sinh viên đó trong một năm học, gồm: thù lao giảng viên, công tác quản lý, nghiên cứu, thực hành, thực tập, điện nước, khấu hao tài sản, dịch vụ khác…
Cũng thuộc nhóm trường đã thực hiện thí điểm tự chủ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện quy định học phí theo Nghị định 86. Tiến sĩ Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng, thông tin mức thu của trường năm học 2019 – 2020 theo khối ngành công nghệ là 19,25 triệu đồng/năm/sinh viên; khối ngành kinh tế là 18,15 triệu đồng/sinh viên/năm. Cũng theo ông Hải, mức học phí trên áp dụng cho khóa tuyển sinh 2019; qua từng năm, học phí sẽ tăng thêm 4 – 6%.
“Học phí này được xác định dựa trên các chi phí đào tạo, không quá cao với người học và vừa đủ với chi phí đào tạo của trường”, ông Hải nói.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học 2019 – 2020 kèm theo lộ trình tăng từng năm học. Theo đó, chương trình đại trà bậc ĐH cho sinh viên trúng tuyển năm học này là 18,5 triệu đồng/năm. Ở năm thứ 2, học phí tăng lên 20,5 triệu đồng; năm thứ 3 tăng lên 22,5 triệu đồng và năm cuối là 24,8 triệu đồng/sinh viên. Cũng tại trường này, chương trình chất lượng cao, học phí cao hơn nhiều. Mức thấp nhất cho sinh viên trúng tuyển năm nay là 32 triệu đồng, cao nhất 40 triệu đồng và học phí này không thay đổi trong toàn khóa học. Đây cũng là mức phí được tính toán dựa trên chi phí đào tạo thực tế của trường đã tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Như vậy, học phí các trường công lập sẽ tăng mạnh và có thể tới mức gấp 3,5 lần sau khi các trường thực hiện tự chủ. Chẳng hạn, theo Nghị định 86, cùng trong năm học 2019 – 2020, học phí nhóm ngành y dược ở trường chưa tự chủ là 13 triệu đồng/năm/sinh viên, nhưng ở trường thực hiện tự chủ có thể lên tới 46 triệu đồng/năm.
Trường chưa tự chủ có tăng học phí ?
Trường chưa tự chủ, học phí vẫn tăng nhưng không vượt mức trần quy định của Chính phủ.
Đúng ngày 1.7, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã có quyết định về việc ban hành mức thu học phí năm học 2019 – 2020 dành cho các hệ đào tạo trong ngân sách nhà nước. Theo đó, bậc ĐH hệ chính quy học phí là 1,3 triệu đồng/tháng (tương đương 13 triệu đồng/năm học 10 tháng). PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết mức học phí này được xác định dựa vào Nghị định 86 dành cho trường chưa tự chủ. Ông Khôi thông tin thêm, trường hiện trong quá trình xây dựng đề án tự chủ.
Tương tự, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng chia sẻ, trường hiện trong quá trình hoàn thiện đề án thực hiện tự chủ. Ở năm 2018, trường thu học phí khối ngành kỹ thuật 272.000 đồng/tín chỉ và khối kinh tế 228.000 đồng/tín chỉ. Trước mắt, trong năm học tới, học phí trường vẫn dự kiến thu theo Nghị định 86 dành cho các trường chưa thực hiện tự chủ với lộ trình tăng học phí tối đa khoảng 10% cho mỗi năm tiếp theo.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng đang chờ phê duyệt đề án tự chủ. Nếu được phê duyệt, học phí của trường dành cho sinh viên trúng tuyển năm 2019 hệ chính quy sẽ tăng lên 18 triệu đồng/năm thứ nhất và tăng liên tục mỗi năm tới 24 triệu đồng vào năm cuối cùng. Các chương trình đào tạo khác cũng tăng mạnh, ví dụ văn bằng 2 sẽ từ 35 triệu đồng (năm nhất) và 50 triệu đồng (năm cuối), chương trình tiên tiến 40 triệu đồng (năm nhất) và 50 triệu đồng (năm cuối)…
Trường tư thục tự quyết định học phí
Theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa có hiệu lực, các trường ĐH tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí. Hiện nay, học phí các trường tư thục đang được xây dựng ở nhiều mức khác nhau, nhiều trường có mức thu dao động trong khoảng 20 – 35 triệu đồng/năm. Các ngành thuộc nhóm sức khỏe, học phí có thể từ 50 – 70 triệu đồng/năm/sinh viên. Tuy nhiên, có những trường học phí có thể lên tới trên dưới 100 triệu đồng/năm/sinh viên.
(Theo Thanh Niên)