+
Aa
-
like
comment

Học phí nào cho đại học tinh hoa?

Đinh Lực - 20/11/2019 17:32

VinUni vừa gây xôn xao dư luận khi công bố mức học phí 35.000 – 40.000 USD/năm cho hệ đại học và sau đại học.

Con số này, nếu so sánh thì gần tương đương với chi phí đào tạo của Mỹ, Úc và vượt xa các chương trình quốc tế (hoặc mang yếu tố nước ngoài) tại Việt Nam, bao gồm: ĐH Fulbright, RMIT, British University Vietnam (BVU), Việt – Đức, Việt – Pháp, Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân, … Một số lãnh đạo của VinUni còn cho biết, trường sẽ được vận hành theo mô hình đại học tinh hoa (elite university) và chỉ tuyển các sinh viên ưu tú nhất, dựa trên tiêu chí (kết quả học tập chỉ là một phần, bên cạnh năng khiếu nghệ thuật, thể thao, tư chất lãnh đạo, …) và quy trình riêng (xét hồ sơ, phỏng vấn, …) Những sinh viên tinh hoa này, khi nhập học, sẽ được định hướng theo đuổi các hoạt động học thuật, nghiên cứu chuẩn cao nhất để phát triển hết tiềm năng và trở thành nhân tài thực sự.

Phối cảnh Đại học Vin University. Ảnh: VinUni
Phối cảnh Đại học Vin University. Ảnh: VinUni

Bất chấp mức học phí quá cao, chính sách của VinUni đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của không ít người, trong đó cả những quan chức giáo dục, với lời lý giải rằng: chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam đang không theo kịp nhu cầu phát triển; ngoài ra hàng năm đất nước còn mất khoảng 3 – 4 tỷ USD cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, mà phần đông đều tìm cách ở lại định cư, gây nên tình trạng chảy máu cả “chất xám” lẫn “chất xanh”1.

Có hai điểm cần được làm rõ ở đây. Trước tiên, phải xác định cho đúng: Thế nào là đại học tinh hoa? và Các đại học như vậy nên quy định mức học phí bao nhiêu thì hợp lý?

Trên thực tế, không hề có một định nghĩa nào chung, rõ ràng và đúng nhất cho cái gọi là đại học tinh hoa (ĐHTH), mà các ĐHTH thường hay được phân loại dựa trên một số đặc điểm như: tự đặt ra tiêu chí tuyển chọn khắt khe nhất, có nguồn tài trợ hào phóng2, tập hợp được những sinh viên sáng giá và giáo sư nổi tiếng nhất, do đó dễ hấp dẫn tầng lớp trên của xã hội (chỉ những người tài giỏi, giàu có hoặc quyền lực). Các đại học thuộc nhóm Ivy League ở Mỹ, Oxford và Cambridge của Anh, hệ thống đại học Paris ở Pháp, … chính là những ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, các ĐHTH thường theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng (liberal), trung thành với nguyên tắc tự trị (autonomous), tôn trọng tự do học thuật (academic freedom) và chú trọng phát triển những giá trị nhân văn (humanity). Nhưng quan trọng hơn, ĐHTH thường là cái nôi đào tạo nhân tài, lãnh đạo xuất chúng (không chỉ cho quốc gia mà cả thế giới) trên hầu như tất cả mọi lĩnh vực3.

Cách đây vài năm, trước khi “giáo dục tinh hoa” trở thành thuật ngữ thời thượng, câu chuyện “nâng cao chất lượng đào tạo đại học, hướng tới đẳng cấp quốc tế” đã được mang ra bàn nhiều ở Việt Nam, mặc dù còn không ít người chưa hiểu đúng nội hàm của nó. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh VTV2, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Úc, chuyên gia nông nghiệp) chia sẻ: Mặc dù tốt nghiệp ĐH Tokyo (Todai) số 1 của Nhật Bản và thường được xếp trong top 20 thế giới, nhưng ông rất ít khi nghe thấy các thầy và bạn học tự nhận trường đạt đẳng cấp quốc tế; Tuy nhiên, nếu những con người của Todai (giáo sư, sinh viên, …) tạo ra nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển và vị thế của nước Nhật thì trường tự khắc sẽ được công nhận. Nhận định như vậy xem ra dễ được chấp nhận hơn cả.

Đại học Tokyo số 1 Nhật Bản. Ảnh: University of Tokyo
Đại học Tokyo số 1 Nhật Bản. Ảnh: University of Tokyo

Cũng trong bài diễn từ nhận giải thưởng Phan Châu Trinh về giáo dục năm 2016, GS Pierre Darriulat đã thẳng thắn phát biểu: Nhiều đại học Việt Nam đang dạy những thứ của 60 năm về trước. Ông nói: “Ngày nay, chúng ta đang đào tạo quá nhiều sinh viên cho khu vực thứ ba như tiếp thị, ngân hàng, quản lý – những cái tên mỹ miều thường giấu đi sự thật là nguồn cung cấp lao động giá rẻ từ những nước đang phát triển cho toàn cầu hóa dưới hình thức kinh tế thị trường”. Đó là những lời gan ruột của một trí thức người Pháp nhưng yêu Việt Nam không khác gì quê hương mình, tuy nghe hơi buồn nhưng cực kỳ xác đáng.

Trở lại với trường hợp của VinUni, theo định hướng phát triển trong tương lai gần, trường sẽ tập trung vào 3 mảng đào tạo chính: Kinh doanh, Công nghệ và Y tế, chưa thấy có trường Khai phóng (College of Liberal Arts) và Khoa học cơ bản (College of Science), cho nên rất khó để gọi là “tinh hoa”. Đó cũng chính là vấn đề tương tự với nhiều đại học “quốc tế” đang trong quá trình xây dựng ở Việt Nam.

GS Lý Viễn Triết (Nobel Hóa học 1986) là sản phẩm của nền giáo dục Đài Loan. Ảnh: NTHU. 
GS Lý Viễn Triết (Nobel Hóa học 1986) là sản phẩm của nền giáo dục Đài Loan. Ảnh: NTHU.

Thứ nữa, học phí đại học, bao gồm cả các trường được gọi là tinh hoa cần phải tương xứng với thu nhập (GDP) bình quân đầu người. Bởi mức học phí quá cao, chỉ thành phần giàu có hoặc giỏi nhất mới có thể theo học, chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục, kéo theo bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc. Ngoài ra, nhà nước, thông qua các định chế tài chính, nên cung cấp những chương trình hỗ trợ (chẳng hạn cho vay ưu đãi, …) để sinh viên không cần phải lo lắng về chuyện tiền bạc.

Lấy ví dụ Đài Loan, hòn đảo này đang có những ngôi trường rất tốt như Đại học Quốc lập Đài Loan, Thanh Hoa, Giao Thông, Thành Công, Chính Trị, Tôn Dật Tiên , … đào tạo ra không biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học và kỹ nghệ4, tuy nhiên mức học phí của họ lại rất rẻ (chỉ khoảng 4000 – 5000 USD/năm), so với GDP đầu người (trên 25.000 USD/năm theo tỷ giá, và gần 48 000 USD theo mãi lực). Hay sang quốc gia phát triển nhất châu Á là Nhật Bản, các đại học danh tiếng của họ như Tokyo, Kyoto, … đã đào tạo ra hàng chục nhân tài đạt giải Nobel, cũng không quy định mức học phí quá cao so với khả năng chi trả của người dân (trên dưới 1 triệu Yên, tức hơn 200 triệu VNĐ/năm).

Bài mới
Đọc nhiều