+
Aa
-
like
comment

Học lịch sử liệu có thừa?

Khánh Đăng - 14/09/2022 11:10

Thời gian gần đây, hàng loạt trang báo điện tử và một số kênh Youtube diễn đạt sai thông tin lịch sử đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận. Đáng nói hơn, đây lại là những trang báo chính thống và những kênh Youtube có lượt người theo dõi rất cao.

Kênh youtube truyền tải kiến thức lịch sử, đã lồng ghép hình ảnh lá cờ thêu 6 chữ vàng với nhân vật Lý Thường Kiệt.

Cách đây không lâu, nhiều trang báo trong nước đã đồng loạt đưa tin nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu họ không đính kèm khẳng định đây là “Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng”. Hay như trường hợp của một kênh Youtube truyền tải kiến thức lịch sử đã lồng ghép hình ảnh lá cờ thêu 6 chữ vàng với nhân vật Lý Thường Kiệt.

Mặc dù hầu hết đã có cải chính, nhưng điều đó đã và đang phơi bày một hạn chế rất lớn của những người làm nội dung, nhất là kiến thức về lịch sử. Bởi lẽ những “hạt sạn” kể trên đều là các kiến thức rất cơ bản như việc, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là đồng chí Trần Phú, hay lá cờ thêu 6 chữ vàng gắn liền với Hoài Văn Vương – Trần Quốc Toản. Chúng ta không đòi hỏi ở họ những hiểu biết hàn lâm hay những nhận định sâu sắc, chỉ cần trước nhất là tri thức đúng và đủ về các sự kiện, hiện tượng xung quanh.

Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Trong bối cảnh môn lịch sử đã trở thành một học bắt buộc trong chương trình giáo dục mới thì những sự việc như trên càng khiến chúng ta thêm thấm thía về tầm quan trọng của việc học lịch sử. Có thể nói, học sử và hiểu sử trở thành một trong những chất men xúc tác thúc đẩy con người ta có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội vì tiền đồ của dân tộc. Với những người trẻ, việc học sử không phải chỉ để đi thi hay đạt một thứ hạng nhất định nào đó trong xã hội, mà trước hết, học sử là học để làm người có ích, để trang bị kiến thức, kỹ năng, thấm nhuần đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và kể cả nảy mầm tư tưởng cống hiến “không đòi hỏi Tổ quốc phải làm gì cho ta, mà ta phải làm gì cho Tổ quốc” vậy.

Ngoài ra, giá trị của lịch sử còn đến từ một thứ khác, quý giá đến mức đắt giá mà ta sẽ chẳng thể tìm thấy ở những ngành học khác: Kinh nghiệm. Trong mớ hỗn độn của thời gian và không gian, với hàng triệu sự kiện và hàng tỷ con người, lịch sử chỉ ra cho ta những bài học sâu sắc. Chúng ta học về một triều đại không phải để biết ngày sinh, năm mất của một vị vua, mà là để đánh giá những quyết định của ông đã đem lại kết quả như thế nào cho quốc gia, dân tộc. Chúng ta học về một cuộc chiến tranh không phải để biết vị anh hùng của trận đó đã tiêu diệt được bao nhiêu địch thủ, mà là để xem lợi ích của hành động đó có thực sự xứng đáng hay không.

Lịch sử, bên cạnh đó, còn là ký ức của dân tộc, xây dựng nên dân tộc và để mỗi dân tộc tự biết mình là ai, là căn cốt để giữ gìn bản sắc. Nếu không có lịch sử, thì dân tộc cũng sẽ như những “bộ nhớ” rỗng tuếch, vô giá trị. Nguy hiểm hơn, lỡ có ai đó cài vào “bộ nhớ” những thứ không sạch sẽ, ngoại lai ở đâu đó thì có khi chúng không phải của mình nữa, nếu một dân tộc mất đi lịch sử sẽ không nhận ra mình là ai nữa.

Vì lẽ đó, học lịch sử chưa bao giờ là thừa.

Khánh Đăng

Bài mới
Đọc nhiều