Học làm người qua Giọt sương chạy trốn
Mỗi truyện trong “Giọt sương chạy trốn” là một bài học cho trẻ trong quá trình xây dựng nhân cách và khám phá thế giới, được viết bằng văn phong trong sáng, gần gũi với tuổi thơ
“Cùng đậu xuống một luống hoa để hút nhụy, Bướm hỏi Ong: Này chị Ong, chị cũng lấy nhụy như tôi, sao chị tiết ra mật, còn tôi thì không? Ong trả lời không đắn đo: Bởi khi hút nhụy, chị chỉ nghĩ đến chị. Còn tôi, tôi nghĩ đến đàn của mình”.
Đó chỉ là một trong 30 truyện ngụ ngôn dành cho tuổi thơ trong tập truyện tranh “Giọt sương chạy trốn” của nhà văn Lê Luynh, họa sĩ Nga Phan minh họa, NXB Kim Đồng, 2020. Những câu chuyện nhỏ nhắn, dễ thương, hình vẽ rất đẹp, xoay quanh đời sống của các loài cỏ cây, động vật. Mỗi truyện là một bài học cho trẻ trong quá trình xây dựng nhân cách và khám phá thế giới, được viết bằng văn phong trong sáng, gần gũi với tuổi thơ.
Qua những câu chuyện này, nổi lên những bài học làm người, không chỉ cho trẻ con mà còn cho người lớn. Như câu chuyện hoa dại kể về loài hoa đẹp được các loài ngợi khen. Một ngày, hoa muốn tìm chỗ ở khác vì nghĩ rằng xung quanh mình có những bông hoa xấu xí, mình sẽ tầm thường đi. Mặc các bạn khuyên can, hoa bỏ đi thật xa, đến một cánh đồng hoang. Tại đây, không loài nào đoái hoài nó cả. Đến một ngày không còn ai nhớ tới, chỉ gọi chung là hoa dại.
Tương tự, là câu chuyện giọt sương chạy trốn. Dưới nắng, giọt sương long lanh, nhưng sương tự cho mình đẹp, chẳng nhờ ai cả. Khi đám mây bay qua che kín mặt trời, sương hết long lanh, xấu hổ chui tọt xuống đất trước khi tia nắng trở lại. Cùng với các truyện này, truyện về gạo và thóc, chim sâu và cây vú sữa, ngôi nhà chung… đều đặt nhân vật trong quan hệ giữa cá nhân và tập thể, đồng loại. Ai hết lòng giữ gìn, vun vén thì cùng được hưởng cuộc sống tốt đẹp và ngược lại.
Câu chuyện vịt con đi lạc nhắc nhở về lòng tốt của gà mẹ, dắt vịt con đi lạc cùng kiếm ăn theo đàn gà, dạy con biết giúp đỡ kẻ không may, dù khác loài. Câu chuyện sắc và hương mang ý nghĩa khác. Dâm Bụt chê Dạ Hương xuề xòa, Dạ Hương trả lời không sống bằng sắc mà sống bằng hương. Sống bằng hương dù chẳng ai khen đẹp nhưng lại không lẫn vào ai. Tương tự là chuyện cỏ và rau. Rau quen được chăm sóc nên dặt dẹo, còn cỏ vẫn xanh tốt sau dịch bệnh, bởi cỏ tự lập. Cả hai câu chuyện đều nói đến sự nỗ lực tự thân, sự độc lập chứng tỏ bản thân mà không dị biệt.
Nói về sự lớt phớt, chẳng tới đâu, tác giả có chuyện học của gà. Về khả năng và công việc, tác giả có truyện ngỗng và chó. Ngỗng gây sự với chó, đòi chủ cho vào nhà như chó. Chủ đồng ý, cho ngỗng vào nhà và chó ra vườn. Song ngỗng không phân biệt khách quen hay lạ, gặp ai cũng kêu toáng và đuổi đánh. Chủ lại phải đuổi ngỗng ra và nói công việc mà sai với khả năng thì sinh ra phiền toái.
Bạn đọc cũng sẽ thú vị với chuyện cây mận, họa mi và chim sâu, đưa ra góc nhìn về sự tương quan cần thiết trong từng hoàn cảnh. Chuyện ếch và bác nông dân, vì ham lợi nhỏ (bán ếch đi) mà bị thiệt hại lớn hơn (thất bát mùa màng)…
Cuối mỗi truyện còn có phần thảo luận cho bé cùng phụ huynh với các câu hỏi gợi ý. Qua đó, sẽ rút ra những bài học về đối nhân xử thế, thêm cho trẻ những đức tính tốt để vào đời. Có thể xem “Giọt sương chạy trốn” là cuốn sách bổ ích, thỏa mãn mọi lứa tuổi về xem, đọc.