+
Aa
-
like
comment

‘Học giá’ trường Y, người nghèo đành buông

05/06/2020 06:41

 Con nhà nghèo đã khó nay khó hơn nếu chọn theo học ngành Y. Về phía nhà trường, chắc chắn có những tính toán trước khi đưa ra… “học giá” đó!

Bạn đọc nói chung, học sinh 12 năm học này có nguyện vọng học Y tại Trường ĐH Y dược TP.HCM nói riêng, “choáng” với mức thu học phí của trường này từ năm học 2020 2021. Nỗi lo chung học phí cao, sinh hoạt phí tăng, 6 năm học tới đây làm sao xoay sở? Con nhà nghèo, học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vốn đã khó nay khó hơn nếu chọn theo học ngành Y. Về phía nhà trường, chắc chắn có những tính toán trước khi đưa ra… “học giá” đó! Tăng, đúng nhưng…

‘Học giá’ trường Y, người nghèo đành buông
Sinh viên khoa Răng Hàm Mặt trường ĐH Y dược TP.HCM

Với người học

Từ xưa đến nay, học Y là chấp nhận thời gian theo học dài, tốn kém nhiều so với các ngành học khác. Tôi có anh bạn, thi đại học anh đỗ cùng lúc ĐH Y Huế và ĐH Sư phạm Huế (khoa Toán). Anh chọn sư phạm vì thời gian học 4 năm, ít tốn kém cho gia đình, với lại thời đó, ra trường làm giáo sư… coi như đổi đời! Cậu của anh (quê anh gọi ba là cậu), tức tốc từ Đà Nẵng ra Huế, đứng ngay cửa lớp gọi anh ra… “Về, học Y!”. Anh không còn lựa chọn khác, con nhà nghèo nên ngoài giờ học anh tranh thủ dạy kèm, cô học trò “Tôn Nữ…” phải lòng, nhà cô bề thế ở đất cố đô, vậy là… cưới luôn để có tiền tiếp tục học Y. Hiện anh đã nghỉ hưu sau nhiều năm công tác tại một bệnh viện của phố núi. Gia đình anh đủ đầy, hạnh phúc.

Dẫn ra chuyện này, để thấy chọn học ngành Y, người học phải chấp nhận chi phí cao. Gia đình khấm khá thì không sao, gặp gia đình khó, ba mẹ biết chạy đâu lo học phí? Người học, tùy điều kiện mà tìm kiếm công việc, vừa làm, vừa học, đỡ đần cho gia đình.

Để có được học bổng của trường Y, phải học thật giỏi, đâu phải sinh viên nào cũng đạt được. Tất nhiên, không vì khó mà buông bỏ, bằng mọi cách tích cực để đạt được ước mơ… người mang áo blouse trắng.

Với nhà trường

Cần phân định, trước hết, kế hoạch đào tạo để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 có 10 bác sĩ/vạn dân (Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng). Số sinh viên theo học trong kế hoạch này, mức thu học phí như thế nào? Sau đó, tùy điều kiện cụ thể, trường mở rộng đến các đối tượng khác có nhu cầu, đủ điều kiện tuyển sinh vào trường. Mức thu học phí đối với số này, tính toán sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các nguồn thu khác của nhà trường như từ nghiên cứu khoa học, từ dịch vụ, từ các hoạt động liên kết đào tạo…, và với ngân sách thường xuyên (có thể có thêm nguồn không thường xuyên) được cấp.

Từ năm thứ 4, thứ 5, sinh viên ngành Y có thể về các bệnh viện theo hợp đồng của trường với các cơ sở này, vừa thực tập, vừa làm việc tạo nguồn thu cho trường. Tiền thu được, trích một phần hỗ trợ sinh viên đóng học phí, thầy trò ấm áp biết bao, trường Y làm được không? Dự toán thu, trường công khai, minh bạch để mọi người biết, hiểu đúng; là sinh viên, các em đủ 18 tuổi trở lên, khi được cung cấp thông tin cần thiết, qua tổ chức hội sinh viên, Đoàn thanh niên, các em sẽ có ý kiến xác đáng, tạo bầu không khí tin cậy và đồng thuận trong trường, cách thức tốt để sinh viên cùng tham gia công tác quản trị với trường trong quá trình học tập.

Xác định mức thu học phí không cứng nhắc, sau mỗi năm học, học phí sẽ tăng thêm 10% học phí đã cao, tiếp tục tăng cao sau mỗi năm học, sinh viên sao không khỏi bức xúc!? Để trạng thái này đi xa, khó đấy! Hơn nữa, là trường đại học, lại là đại học Y tốp đầu của cả nước, cần lấy nghiên cứu khoa học để tăng thu, quá chăm thu học phí, đại học chẳng khác nào trường phổ thông cấp 4.

‘Học giá’ trường Y, người nghèo đành buông

Với ngành chủ quản

Tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về tài chính, nhưng, không đồng nghĩa với việc thả cho các trường tự bơi. Cần tạo điều kiện về tài chính để các trường, trong đó có Trường ĐH Y dược TP.HCM đủ nguồn lực, tập trung đào tạo đội ngũ bác sĩ có chất lượng, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng tới đây.

Trước mắt, định hướng và tạo hành lang pháp lý giúp các trường thực hiện quyền tự chủ về học thuật, tổ chức để đại học phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua báo chí tôi được biết, từ 01-2020, Trường ĐH Y dược TP.HCM không nhận ngân sách nhà nước nữa, theo tôi, không ổn! Ngân sách có khó, nhưng đối với những ngành đặc thù như Y, Sư phạm… đòi hỏi chính sách đặc thù, hơn lúc nào hết, các ngành quán triệt đầy đủ và ưu tiên thực hiện “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Đại học công lập, người dân luôn gửi gắm niềm tin vào chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất được sự đầu tư của nhà nước, đội ngũ giảng viên chuẩn mực, và, mức thu học phí tạo điều kiện cho sinh viên theo học. Niềm tin này cần tiếp tục phát triển dù trong bối cảnh nào đi nữa, đó là ưu việt của xã hội ta.

Bài toán tăng học phí, không chỉ hướng đến hiện đại hóa nhà trường, sâu xa hơn đó còn là bài toán an dân.

TS Nguyễn Hoàng Chương

Bài mới
Đọc nhiều