+
Aa
-
like
comment

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch

17/02/2021 22:24

Gerald Segal cho rằng cuộc xâm lược năm 1979 đã khiến Trung Quốc tổn thất quá lớn, và nước này còn bị tổn hại uy tín tới mức “không thể nào gột sạch”.

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch

Ngày 17/2/1979, hàng trăm nghìn binh lính Trung Quốc đã tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam, phát động một cuộc tấn công đẫm máu dọc theo biên giới giữa hai nước. Tới ngày 5/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân.

Bắc Kinh rêu rao rằng cuộc chiến là một “chiến thắng”, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Tuy nhiên, quan điểm này lại không được giới nghiên cứu chính trị, quân sự thế giới tán đồng.

Ngược lại, nhiều học giả uy tín nhất trí rằng cuộc chiến năm 1979 của Trung Quốc là một thất bại toàn diện.

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch - Ảnh 1.

Học giả Mỹ King. C. Chen cho rằng, việc Trung Quốc tấn công Việt Nam trong chiến tranh biên giới 1979 có thể là hành động làm giảm sức ép quân sự mà Việt Nam đang tạo ra đối với lực lượng Pol Pot. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Trung Quốc đã không thể gây sức ép buộc Việt Nam từ bỏ nghĩa vụ quốc tế của mình ở Campuchia.

Theo giáo sư Mỹ Peter Worthing (ĐH Công giáo Texas), cuộc xâm lược mà phía Trung Quốc rêu rao là nhằm “dạy cho lãnh đạo Việt Nam rằng họ không thể duy trì lực lượng ở Campuchia” đã gây ra điều trái ngược. Nỗ lực của Trung Quốc chỉ khiến Việt Nam rút một số ít quân khỏi đó, trong khi quân Trung Quốc đối đầu với quân đội đóng ở biên giới và dân quân chứ không phải lực lượng thường trực.

Sau khi Trung Quốc rút khỏi Việt Nam vào tháng 3 năm 1979, quân đội Việt Nam vẫn tiếp tục ở lại, sát cánh cùng nhân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng, không để Polpot tái lập lực lượng.

Vì cuộc chiến diễn ra hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam nên nó đi ngược lại những gì mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định, rằng Bắc Kinh không bao giờ đe dọa hay tấn công láng giềng của mình.

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch - Ảnh 2.
Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch - Ảnh 3.

Gerald Segal (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS) cho rằng cuộc xâm lược là thất bại bởi Trung Quốc tổn thất quá lớn, và nước này không chỉ không thành công trong việc ép lực lượng Việt Nam rút khỏi Campuchia mà trên hết – còn dẫn tới tổn hại uy tín không thể nào gột sạch.

Trong suốt cuộc chiến, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng hùng hậu hơn 400.000 quân để đối đầu với chỉ khoảng 50.000 binh lính và dân quân Việt Nam.

Số quân này tương đương với lực lượng của Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, trong chiến tranh Triều Tiên, với 24 giờ, Trung Quốc di chuyển được xa hơn, dù phải đối mặt với một lực lượng lớn hơn và được trang bị tốt hơn. Năm 1979, PLA phải mất tới 3 tuần chiến đấu dữ dội mới tiến vào được 3 tỉnh gần biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai.

Trong cuốn sách của mình (China’s war against Vietnam 1979), giáo sư khoa học chính trị King C. Chen nhận định: Lực lượng Trung Quốc đã phần nào gây tổn thất cho một số sư đoàn thường trực của Việt Nam như sư đoàn 3 ở Đồng Đăng, sư đoàn 345, 216 ở Lào Cai và có thể là sư đoàn 346 ở Lạng Sơn nhưng về căn bản thì không thể phá hủy 1 hay 2 sư đoàn.

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch - Ảnh 4.

Một trong những điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc là vũ khí lạc hậu và hậu cần. Thêm vào đó, họ còn đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Việt Nam.

Ông Chen đã nhắc tới phát biểu Thứ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ hồi cuối tháng 12/1978 để minh họa cho sự kém cỏi của quân Trung Quốc.

Túc nói rằng PLA có thể chiếm Hà Nội trong 1 tuần lễ chỉ với một phần sức mạnh từ các quân khu Quảng Châu và Côn Minh. Nhưng trên thực tế, PLA mất tới 16 ngày mới chiếm được Lạng Sơn (cách Hà Nội 85 dặm) với sức mạnh của 10 sư đoàn từ 6 quân khu, một lực lượng tương đương với cả quân khu Quảng Châu và Côn Minh gộp lại.

Theo học giả Hàn Quốc Yu In Sun, đây là một sự tổn thất về uy tín quốc gia đối với một nước lớn như Trung Quốc khi bị thất bại trong tay của một nước nhỏ bé như Việt Nam, dẫn tới cái tên “hổ giấy”.

Về mặt kinh tế, như Trần Vân, Bí thư thứ nhất UB Kiểm tra kỷ luật TW Đảng cộng sản TQ đã chỉ ra tại cuộc hội thảo vào tháng 4/1979, nếu cuộc chiến kéo dài thêm 6 tháng, gánh nặng tài chính sẽ lớn đến mức Trung Quốc “không thể gánh vác nổi”.

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch - Ảnh 5.

Trong cuốn On China, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định, cuộc tấn công năm 1979 cho thấy Liên Xô không sẵn sàng can thiệp quân sự để chấm dứt hành động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhận định trên có phần không vững vàng khi xét tới những gì đã xảy ra trước cuộc tấn công, tới những toan tính của Đặng Tiểu Bình và lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này. Nói một cách khác, cuộc tấn công chóng vánh của Trung Quốc vốn được thiết kế để giảm thiểu khả năng va chạm với Liên Xô.

Trong một cuộc họp về ý định tấn công Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc Trần Vân nói: Một cuộc chiến nhanh chóng với Việt Nam là khả thi bởi lực lượng của Liên Xô dọc theo biên giới Trung Quốc thiếu hụt. Moscow sẽ cần điều quân từ châu Âu tới tấn công Trung Quốc và hoạt động này sẽ cần tới hơn 1 tháng.

Trong cuộc trao đổi với Takeji Watanabe, chủ tịch hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News, Đặng Tiểu Bình khẳng định cuộc chiến sẽ kết thúc trong “khoảng 10 ngày” hoặc “thêm một vài ngày nữa”.

Một tuyên bố bổ sung được Phó Thủ tướng Vương Chấn đưa ra vào ngày 25/2 trong yến tiệc tiếp Bộ trưởng Công nghiệp Anh Eric Varley. Wang cũng nhấn mạnh: Trung Quốc “không có ý định” tiến về Hà Nội.

Theo học giả Chen, những thông điệp này là bằng chứng để ngăn Liên Xô can thiệp, phản ứng trước kêu gọi rút quân của Mỹ, đồng thời là động thái xoa dịu nhằm giảm thiểu lo ngại của một số nước về một cuộc chiến lớn hơn.

Học giả phương Tây: Xâm lược Việt Nam, Trung Quốc chuốc lấy tiếng xấu muôn đời không gột sạch - Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu Mỹ Sam Brothers thì nhận định: Thay vì khiến quan hệ Việt – Xô yếu đi, cuộc xâm lược của Trung Quốc lại gây tác dụng ngược, chỉ làm củng cố thêm quan hệ giữa hai nước.

Từ giữa tháng 4 và tháng 7 năm 1979, Liên Xô đã tái trang bị cho sư đoàn 308 cùng các đơn vị khác với những thiết bị mới, gồm cả 111 xe chở quân bọc thép BMP-1 – với tính cơ động cao, có thể mang theo các tên lửa chống tăng dẫn đường. Liên Xô còn điều cố vấn quân sự tới các đơn vị nhận được thiết bị mới.

Hoạt động xây dựng hạ tầng không quân và hải quân của Liên Xô ở Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh được tăng cường sau cuộc xâm lược của Trung Quốc, và các nhà quan sát đương đại cảm thấy rằng vị thế quân sự của Liên Xô ở Đông Á được tăng cường sau cuộc chiến.

Thi Anh

Bài mới
Đọc nhiều