+
Aa
-
like
comment

Hoạt động tôn giáo giữa dịch COVID-19 phải trong khuôn khổ pháp luật

Đinh Lực - 06/04/2020 18:36

Khi mà Hà Tĩnh cùng cả nước vẫn đang tập trung nhân lực, vật lực để cùng phòng chống đại dịch COVID-19, thì buồn thay, từ ngày 4/4 và ngày 5/4, nhiều giáo xứ trên địa bàn tỉnh vẫn rung chuông làm lễ tại nhà thờ với sự tham gia của hàng trăm người ở mỗi địa điểm.

Trên mạng xã hội, có thể thấy giáo xứ Nghĩa Yên (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ) vào tối 4/4 đã có hơn 500 người tham gia cầu nguyện tại nhà thờ, đến sáng ngày 5/4 lại tiếp tục có khoảng 200 người vẫn tiếp tục tham gia hoạt động tại nhà thờ.

Cũng ở huyện Đức Thọ, tại xã Liên Minh nơi có giáo xứ Thọ Ninh vào tối 4/4 cũng có khoảng 150 người và sáng hôm sau là 200 người tham gia hoạt động tôn giáo tại đây.

Sáng ngày 5/4, trên địa bàn xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc linh mục Nguyễn Xuân Hoá – quản xứ Tràng Đinh vẫn cho rung chuông làm lễ với sự tham gia của hơn 300 giáo dân.

Nhiều giáo dân vẫn ngang nhiên đi lễ nhà thờ tại Hà Tĩnh mặc cảnh báo về dịch của cơ quan chức năng

Với sự việc này Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Đức Thọ đã có cuộc họp khẩn ngay tối ngày 4/4 để chỉ đạo các xã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.

Mặc dù huyện Đức Thọ đã thành lập tổ công tác cấp huyện, cấp xã và gặp trực tiếp các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, đồng thời dùng loa lưu động để tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, bà con theo đạo nói riêng chấp hành tốt chủ trương cách ly xã hội. Tuy nhiên, rất buồn là từ tối qua đến sáng nay, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng tụ tập đông người làm lễ tại một số nhà thờ.

Khi mà Lời kêu gọi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, được cả nước thực hiện với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết. Thì mỗi người dân cần chủ động tham gia thực hiện cách ly toàn xã hội, trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình tự cách ly với gia đình, thôn cách ly tại thôn, xã cách ly tại xã,…

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Khi mà nhân dân cả nước đang thực hiện nghiêm túc, các cơ sở tôn giáo ở khắp nơi trên cả nước đã cùng chung tay thực hiện công tác chống dịch. Thì việc giáo dân và linh mục tại một số địa phương tại Hà Tĩnh có biểu hiện thiếu tôn trọng pháp luật là hành động cần phải nhìn lại chính mình, xem lại hình ảnh với những việc làm trong các cuộc tuần hành, tụ tập thì không khỏi băn khoăn, suy xét.

Cùng là hoạt động tôn giáo thực hiện thành lễ Công giáo, trong khi tại TP Hồ Chí Minh buổi thánh lễ Chúa nhật tuần 5 mùa Chay được cử hành theo hình thức trực tuyến vào 5h30 sáng chủ nhật 29/3 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, đây được xem là một cách làm mới nhưng vẫn tôn nghiêm và hiệu quả.

Bài giảng của chủ tế trong thánh lễ trực tuyến Chúa nhật tuần 5 mùa Chay chủ tế dâng thánh lễ mà không có giáo dân sáng 29/3, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã thu hút hơn 1.000 tương tác trên trang Fanpage của Giáo phận Sài Gòn và gần 505.000 lượt xem trên YouTube.

Trước đó, ngày 6/3, Đức cha Giuse Nguyễn Năng (Tổng Giám mục Sài Gòn) có thư gởi các tín hữu công giáo nêu rõ: “Xin anh chị em tuân thủ nghiêm túc các việc cụ thể như: đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn, đi khám và tự cách ly khi có dấu hiệu bệnh đường hô hấp, hạn chế tụ họp đông người, khử trùng các nơi công cộng. Nhiều giáo xứ đã phun thuốc sát trùng nhà thờ, trước và sau thánh lễ Chúa nhật”.
Trong khi nhiều giáo dân thuộc nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đều xúc động khi các bài giảng trong các thánh lễ online của cha xứ luôn có thêm lời cầu nguyện mùa COVID-19. Họ đều cùng cầu cho các nhà khoa học sớm tìm ra vaccine để phòng ngừa virus; họ cầu nguyện cho các y bác sĩ được bình an, khỏe mạnh để tận tụy phục vụ nhân dân, và tất cả chúng sinh được bình an.

Thì đâu đó một số linh mục và bộ phận giáo dân tại Hà Tĩnh vẫn cố tình phớt lờ các chỉ thị, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà coi thường phép nước. Dường như những người giao dân này đã cố tình để “phép vua thua lệ làng” với một hành động hoạt động cộng đồng. Thử hỏi nếu trường hợp trong số người đến thánh lễ nhà thờ có một người nhiễm bệnh thì liệu rằng có ai đảm bảo Hà Tĩnh sẽ an toàn không lây nhiễm, hay Hà Tĩnh sẽ trở thành tâm điểm của một vùng dịch mới?

Bài học về Nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia trở thành ‘ổ phát tán’ COVID-19 vẫn còn nguyên giá trị đối với Malaysia và thậm chí là đối với cả Việt Nam. Khi Việt Nam có ca lây nhiễm thứ 61, 42 tuổi nhiễm COVID-19 sau chuyến đi Malaysia dự buổi lễ tại thánh đường Hồi giáo, tiếp xúc với nhiều người.

Hay việc người phụ nữ Hàn Quốc 61 tuổi, là ca nhiễm thứ 31 và là người ‘siêu lây lan’, mặc dù bà không hề đi nước ngoài trong thời gian bị phát tán bệnh, nhưng bị nhiễm COVID-19 và bà đã lây cho ít nhất 23 người, khi tham dự các hoạt động ở một nhà thờ.

Có thể nói, việc hoạt động tôn giáo của mỗi người là quyền tự do tôn giáo và là quyền của mỗi công dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù là Công giáo, Phật giáo hay bất kỳ đạo nào, thì con người theo tu hành đều hướng tới cái đích chung cuối cùng là cái thiện, sống tốt đời đẹp đạo.

Đức Chúa Giêsu, Đức Phật đều chúng ý niệm và lời dăn dạy là muốn gửi đến tất cả các con chiên hãy tránh xa tội lỗi, sân si, tham lam; khuyên con người không làm điều ác, xúi giục người khác làm điều ác để con người đi theo con đường “hành đạo” tốt đẹp mà “Đấng cứu rỗi” đã chọn.

Vì giá trị đích đến vốn có của loại hình tôn giáo, mỗi người dân hay các vị chủ điều hành cơ sở tôn giáo đó đều cần làm tốt bổn phận của mình. Không ai có quyền vì lợi ích cá nhân, hận thù trong lòng mà bày ra những mưu mô, “dã tâm chính trị”. Không ai chấp nhận hình ảnh người điều hành tôn giáo có biểu hiện cực đoan, bán đức tin cho quỷ dữ, có hành động sai phạm và phản cảm.

Việc giáo dân ở huyện Yên Đức, Hà Tĩnh vẫn tham gia hoạt động tôn giáo tại nhà thờ, chúng ta cần lên án và chính quyền cần phải vào cuộc để đảm bảo an toàn cho chính giáo dân và cũng là bảo đảm cho đất nước trong thời kỳ dịch COVID-19 được an toàn.

Không ai trong chúng ta, kể cả những người hoạt động tôn giáo như Công giáo trên cả nước cũng không chấp nhận hành động cố tình hành lễ mùa dịch. Bởi khi mà tại chính Hà Tĩnh trong suốt những ngày qua, chính quyền và người dân địa phương đã không ngừng nỗ lực chống dịch.

Không ai có thể đảm bảo cùng ngày trong tối 4/4 đó tại Hà Tĩnh cũng là thời điểm xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Y tế, Công an, Quân đội,… cùng những người dân tình nguyện thức trắng đêm để xây dựng chỗ cách ly mới cho hàng trăm người đang thực hiện cách ly, khi mà tỉnh này phát hiện bệnh nhân 238 là nữ, 17 tuổi, địa chỉ tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh nhân là lao động tự do tại Thái Lan, trước đó có ở cùng bạn (bệnh nhân 210) tại Thái Lan.

Khi mà chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đều chung tay hướng tới nỗ lực chống dịch, dù trắng đêm với bao vất vả, mồ hôi đổ ngay cả đêm mưa. Thì liệu rằng chúng ta có chấp nhận gần khu cách ly đó vẫn có những linh mục vẫn ung chuông tập hợp các tín đồ làm lễ ở nhà thờ?

Khó khăn về dịch bệnh COVID-19 rồi sẽ qua đi, nhưng những tình người và nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch sẽ mãi được lưu dấu ấn. Và những hành động đi ngược lại công tác chống dịch sẽ vẫn còn được nhắc đến như là những kinh nghiệm chống dịch, những hành động cần lên án của thời điểm hiện tại và tương lai.

Là một giáo dân gương mẫu, mỗi người dân cần sống “phúc âm trong lòng dân tộc”, “sống tốt đời đẹp đạo”,… hãy là một giáo dân tốt và cũng là một công dân tốt với sự thượng tôn pháp luật, tránh xa tội ác để hướng về chân, thiện, mỹ.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều