+
Aa
-
like
comment

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội ở nước ta hiện nay

Kiết Tường - 21/10/2020 17:39

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Trong đó, giám sát đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 và trong một số văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Còn phản biện xã hội là chức năng mới, được xác định trong Văn kiện Đại hội X, XI, XII của Đảng và Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị “về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”. Đây là phương thức thực hành dân chủ, đặc trưng rõ ràng của đời sống dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Giám sát xã hội là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; theo dõi, xem xét đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trong việc tổ chức, thi hành quyền lực nhà nước, nhằm làm cho đối tượng này hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi giới hạn quyền lực được giao; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực hiện một cách khách quan, khoa học và hiệu quả.

Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đây là sự phản biện nói chung, nhưng là phản biện nằm ngoài nhà nước, mang tính xã hội, có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan. Hoạt động phản biện xã hội do các lực lượng trong xã hội tiến hành, hoạt động này mặc dù không mang tính nhà nước, nhưng cũng không đứng trên nhà nước. Giá trị của phản biện xã hội là nhằm phát huy dân chủ, là để Đảng, Nhà nước lắng nghe tiếng nói của nhân dân về hoạt động của hệ thống chính trị, là một phương thức để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Giám sát và phản biện xã hội là hai khái nệm khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hoạt động giám sát và phản biện xã hội cùng nhằm đạt mục đích phát huy vai dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận xã hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, hoạt động phản biện xã hội được Đảng chú trọng và coi đây là một trong những chức năng mới nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng ta khẳng định: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong sơ kết ba năm thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, hội nghị đã khẳng định: từ khi có các quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội được triển khai cụ thể, có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương; kiến nghị những giải pháp thực hiện đúng và hiệu quả hơn; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát và phản biện còn biểu hiện những bất cập nhất định, một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Giám sát, phản biện xã hội đối với xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, quá trình giám sát, phản biện, góp ý còn chưa thật sự bài bản, công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế và quy trình thống nhất thể hiện quan hệ của bốn bên. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng. Trình độ, năng lực phản biện của các nhà phản biện chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, việc tiếp thu ý kiến phản biện, phản hồi của nhân dân, của các cơ quan truyền thông có khi chưa kịp thời, giải trình chưa thấu đáo.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát và phản biện xã hội, trước hết, khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội. Hơn nữa phải tuân thủ các nguyên tắc: công khai, minh bạch, dân chủ và đối thoại trong giám sát và phản biện xã hội.  Cùng với đó, cần phải ban hành Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Thường trực Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân vận Trung Ương cần phối hợp và sớm ra cuốn Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm giúp cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện và thực tế về công tác giám sát và phản biện xã hội. Có chương trình hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội để hoạt động này đi vào nền nếp, có các cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và phát huy tác dụng xã hội ngày càng hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội để nắm bắt và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng trong nhân dân để kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân.

Kiết Tường

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều