+
Aa
-
like
comment

Hoảng sợ ‘vết xe đổ’ Huawei, TikTok cố thể hiện mình ‘không dính dáng Bắc Kinh’

09/07/2020 09:05

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 7-7 tuyên bố Washington sẽ “tiếp tục giữ lập trường cứng rắn” với các doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc đe dọa an ninh nước Mỹ, không loại trừ mạng xã hội nổi đình nổi đám hiện tại là TikTok.

Hoảng sợ vết xe đổ Huawei, TikTok cố thể hiện mình không dính dáng Bắc Kinh - Ảnh 1.
Một nhóm biểu tình kêu gọi cấm cửa Tik Tok ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 30-6 – Ảnh: AFP

Ông Pence phát biểu chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Mỹ đang xem xét cấm cửa các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, trong đó có TikTok, dựa trên nghi vấn TikTok chia sẻ thông tin người dùng cho Chính phủ Trung Quốc. ByteDance, công ty chủ quản của mạng xã hội này, đã bác bỏ cáo buộc trên.

“Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn với các công ty công nghệ Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc đều muốn vững chân ở Mỹ và châu Âu, nhưng họ đều đang mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chính trị toàn cầu này.

Tiến sĩ Yu Jie (Tổ chức tư vấn quan hệ quốc tế Chatham House)

Ông James Sullivan, trưởng phòng nghiên cứu mạng của Hãng tư vấn an ninh Rusi (Anh), nhận định các diễn biến xung quanh TikTok gần đây phần lớn liên quan đến Huawei và có thể khởi đầu một xu hướng ở phương Tây trong việc dùng lệnh trừng phạt để siết chặt, thậm chí đánh chìm, các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc.

“Ngòi nổ” Anh quốc

Quan hệ Anh – Trung Quốc đang trở nên căng thẳng sau khi London nhập hội cùng Washington chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh mới áp dụng cho Hong Kong. Thủ tướng Boris Johnson ngày 6-7 tuyên bố chính phủ của ông sẽ phải suy xét cẩn thận về vai trò của Huawei tại Anh vì không muốn nước Anh “bị đe dọa bởi một nhà thầu quốc doanh mang lại nguy cơ cao”.

Trước đó, ngày 4-7, tờ Telegraph (Anh) đưa tin London đang soạn thảo các đề xuất ngưng lắp đặt thiết bị của Huawei vào hệ thống 5G trong ít nhất 6 tháng. Căn cứ là nhận định của Cục Tình báo điện tử – truyền thông của Anh (GCHQ) rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei, mới nhất là quy định hôm 15-5 ngăn việc bán thêm vật liệu bán dẫn cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc, sẽ buộc Huawei sử dụng những công nghệ thay thế không đáng tin cậy.

Giới quan sát cho rằng động thái của Anh sẽ “châm ngòi” cho hành động của một loạt quốc gia châu Âu, trong đó Đức được cho là chịu áp lực lớn nhất. Hiện các nhà làm luật thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang ủng hộ không cấm Huawei tham gia mạng 5G của Đức.

“Nếu Anh quyết định loại Huawei, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc tranh luận tại Đức không chỉ liên quan các câu hỏi về an ninh hay tính độc lập mà còn xoay quanh năng lực thực sự của Huawei sau các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ” – bà Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á của Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định.

Nỗ lực khó thành

Sau bài học nhãn tiền của Huawei, TikTok là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng tách rời hình ảnh của mình khỏi chính quyền Bắc Kinh. Hay như bình luận của Đài BBC, công ty này đã nhận ra “là một doanh nghiệp công nghệ quốc tế của Trung Quốc lúc này không phải một điều tốt”.

Trong chưa đầy 3 năm qua, mạng xã hội này đã tăng trưởng chóng mặt, có hơn 2 tỉ lượt tải xuống từ các kho ứng dụng của Apple và Google. Nhưng đến thời điểm này, TikTok đang bắt đầu đối mặt với các rào cản trên toàn thế giới.

Thị trường lớn nhất của TikTok là Ấn Độ tuần trước vừa ban hành lệnh cấm mạng xã hội này cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc. Lý do chính thức là các lo ngại về an ninh, nhưng giới quan sát cho rằng động thái này của New Delhi liên quan nhiều đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn trong cuộc đụng độ tại biên giới với Trung Quốc hồi giữa tháng 6 vừa qua. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã hoan nghênh quyết định của Ấn Độ. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng tán thành trên Twitter.

Tình hình khiến TikTok không thể ngồi yên. Đầu năm nay, TikTok đã bổ sung vào đội ngũ một giám đốc điều hành người Mỹ, ông Kevin Mayer, như một phần nỗ lực “tạo khoảng cách” với Bắc Kinh.

Gần đây nhất, ngày 7-7, TikTok thông báo sẽ rời thị trường Hong Kong vì “những sự kiện gần đây”, trong đó có thể kể đến luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc. Chỉ với 150.000 người dùng, Hong Kong vốn là thị trường nhỏ của TikTok. Do đó, việc rút khỏi Hong Kong chủ yếu được cho là để TikTok thể hiện mình “không có quan hệ với Bắc Kinh”.

Những nỗ lực này có thuyết phục hay không thì phải chờ thời gian.

Mỹ “ngắm” TikTok từ năm 2019

Thực tế, mạng xã hội này đã rơi vào tầm ngắm của Mỹ từ năm 2019, sau khi vấn đề Huawei trở thành tâm điểm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể, tháng 12-2019 Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu khuyến cáo các sĩ quan xóa bỏ ứng dụng TikTok. Nhiều nhánh khác nhau của quân đội Mỹ sau đó đã cấm hoặc chặn ứng dụng này khỏi các thiết bị do quân đội cấp.

NGUYÊN HẠNH/TT

Bài mới
Đọc nhiều