“Hoàng Sa đi có về không – Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”
35 năm đã trôi qua, sự kiện ngày 14/03 năm nào đã lui vào dĩ vãng, nhưng lịch sử chưa bao giờ thôi nhắc nhở đất nước còn lắm nguy nan. Ngày nay, thực lực quốc gia đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà tự mãn, vì hơn bất kỳ ai, người Việt luôn hiểu rõ: “Dựng nước đi liền với giữ nước”, “Dựng nước đã khó mà giữ nước còn khó gấp vạn lần”.
Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, là minh chứng duy nhất về sự tự chủ, tự cường của một dân tộc. Và với người Việt – một dân tộc đã trải qua không ít các biến cố lớn nhỏ trong dòng chảy của thời gian, chủ quyền quốc gia là thiên liêng và đầy ý nghĩa. Các anh đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, đã đánh đổi rất nhiều để giữ gìn lãnh thổ, trên mặt đất và ở các vùng biển. Hễ là đất của người Việt thì sẽ có xương của người Việt để lại, hễ là nước của người Việt thì máu thịt họ sẽ hòa cùng những làn sóng.
Nói vậy để biết rằng, dân tộc này ngoan cường đến đâu và chủ quyền quan trọng với người Việt như thế nào. Vì lẽ đó, cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của nước Việt Nam đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian tới hôm nay như “Hoàng Sa đi có về không – Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi” là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên. Để rồi, tinh thần quả cảm và quyết tâm vô hạn ấy đã được trao truyền qua biết bao thế hệ, người đi trước kẻ về sau, có thể không cùng gốc gác và xa lạ về xuất thân nhưng không ai không mang trong lòng mình một nỗi niềm yêu nước tự thân, khó tả. Ngày 14/03/1988 đã đi vào lịch sử một cách bình thường và dung dị như thế, như bao sự kiện giữ nước oai hùng mà dân tộc người đã từng kinh qua trong quá khứ.
Đó là cái ngày mà 64 người chiến sĩ hải quân Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh đầy quả cảm, trong một cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu thốn trăm bề về trang thiết bị và phương tiện vũ khí hạn phần nhiều bị hạn chế, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sỹ trên 3 con tàu HQ604, HQ605 và HQ505 và lực lượng bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí bất khuất, kiên cường, lòng dũng cảm và quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các anh đã nằm xuống nhưng tinh thần để lại mãi mãi là một nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ người Việt mai sau. Các anh đã gác lại bao ước mơ, hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh hòa vào dòng nước xanh thẫm của biển Đông, xương của các anh tạc vào lòng đảo, còn tên tuổi thì bất tử đời đời. Bởi lẽ, “Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”. Đó không chỉ là lời tự nhắc mình về sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia, mà còn là một bài học cảnh giác luôn thường trực trong tâm trí về việc củng cố, duy trì và không ngừng hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Lời nhắc nhớ ấy cũng vừa được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc đến tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề nghị TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò xung kích, đầu tàu của mình trong nhiệm vụ phát triển và bảo vệ Tổ quốc, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo đường lối bảo vệ Tổ quốc, dự báo đúng tình hình, hóa giải các nguy cơ từ sớm, từ xa. Dù là thời bình nhưng nhiệm vụ này cũng không hề dễ dàng và đây luôn được xem là một nhiệm vụ phức tạp, cấp bách. Bài học về giữ nước không bao giờ là cũ!
Khánh Đăng