+
Aa
-
like
comment

Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam hỗ trợ tin tặc tấn công Trung Quốc

Quỳnh Quỳnh - 25/04/2020 13:27

Mới đây, tổ chức an ninh mạng FireEye cho rằng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhóm hacker APT32, nhóm được cho là đã nhiều lần tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, theo khẳng định của bộ ngoại giao đây là thông tin hoàn toàn “không có cơ sở”.

Theo tin ngày 22/4 của Reuters, FireEye cho rằng nhóm tin tặc APT32 có sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam đã tấn công vào các cơ quan nhà nước của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chặn Covid-19. Các cơ quan của Trung Quốc được nhắc đến là Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp và chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát nCoV. APT32 cũng bị cáo buộc “tấn công cơ quan chính phủ các nước, doanh nghiệp và tổ chức y tế để lấy thông tin về bệnh dịch mới và về nỗ lực ngăn chặn dịch”.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Ngô Toàn Thắng, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định trong họp báo trực tuyến thường kỳ chiều 23/4 rằng: “Đây là những thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất cứ hình thức nào”. Các hành vi tấn công, đe doạ an ninh mạng cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, ông nói thêm.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định: “Đây là những thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất cứ hình thức nào”.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cũng cho biết: “Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy về thực thi Luật, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức”. 

Cũng như “Cây ngay không sợ chết đứng”, người phát ngôn đại diện của Việt Nam thể hiện rõ thiện chí: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức. Các hành vi tấn công, đe doạ an ninh mạng cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật“.

Luật An ninh mạng: “Vắc xin” chống tin giả hiệu quả

Luật An ninh mạng ra đời là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Những người lên tiếng phản đối áp dụng đạo luật của Việt Nam về an ninh mạng đang tiếp tay cho tình trạng kém an toàn của đất nước trong lĩnh vực an ninh mạng, điều này gây ra nguy cơ không chỉ cho chủ quyền không gian mạng, mà cho chính chủ quyền thực sự của đất nước.

Có thể nhận thấy tính đúng đắn, hiệu quả của luật an ninh mạng qua thời gian gần đây, luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đặc biệt, “màng lọc” thông tin này đang phát huy rất hiệu quả trong đại dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nạn tin giả cũng lây lan nhanh chóng trên mạng xã hội với nhiều chiêu trò xuyên tạc, như: Tung tin đồn địa phương mình có người nhiễm bệnh, ăn trứng vịt có thể chống được Covid, sắp phong tỏa thành phố, chợ và siêu thị sắp đóng cửa… Thậm chí, có người đăng cả tin “đùa” mình bị nhiễm Covid-19. Thống kê sơ bộ cho thấy, số người bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai lệch còn nhiều hơn số người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.

Các đối tượng tạo tin giả không chỉ là thanh niên, các bà mẹ bán hàng Online với mục đích câu like, mà có khi lại là người có hiểu biết, ảnh hưởng đến công chúng như một số ca sĩ có tên tuổi… Hoặc mới đây, một luật sư cũng bị xử phạt vì đưa những thông tin xúc phạm uy tín, danh dự một phóng viên bị nhiễm Covid-19 trên mạng xã hội Facebook.

Công an TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai làm việc với những người tung tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook

Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS 2015.

Theo điều luật này, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 nhằm thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Sự ra đời của Luật An ninh mạng thực sự đã khiến cho môi trường không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh hơn rất nhiều, bởi một lượng lớn thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục đã bị ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm túc, hiệu quả. Những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị nghiêm trị.

Từ khi thi hành, Luật An ninh mạng đã chứng minh không chỉ là công cụ quản lý hiệu quả của Nhà nước với an ninh mạng mà còn là chuẩn mực để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể tham gia. Điều luật này đã giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các mạng xã hội, có trách nhiệm với chính thông tin mình đăng tải, phát tán đồng thời biết bảo vệ chính mình trước “nồi lẩu thông tin”.

Liệu việc vu cáo Việt Nam hỗ trợ tin tặc tấn công Trung Quốc, phương Tây đang sử dụng chiến thuật “chuyển lửa ra bên ngoài”, thông qua kênh công cụ đắc lực là FireEye, nhằm kéo sự chú ý của công chúng trong nước khỏi sự rối ren, sự thất bại của giới chức nơi đây trước sự tấn công của virus Sars-CoV-2, bằng cách dựng lên một kịch bản về một Việt Nam khác cũng ‘thất bại’ như họ?

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều