Hoan nghênh Chính phủ khi không hề có sự che giấu thông tin từ ca tử vong sau tiêm vaccine
Trước hết, xin gửi lời ngưỡng mộ và chia buồn với gia đình của nữ nhân viên y tế tỉnh An Giang vừa tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm) sau khi tiêm vaccine phòng chống Covid-19.
Sau đấy, bàn về vấn đề chuyên môn, sự việc lần này cũng có những dấu hiệu tích cực ở chỗ Chính phủ đã đưa thông tin nhanh, kịp thời, không giấu diếm.
Trường hợp tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu. Trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6/5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.
Sau khi tiêm, Bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.
Có thể thấy, những phản ứng và nguy cơ sau tiêm đã được các cơ quan tiêm chủng giải thích cặn kẽ cho người được tiêm. Và khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế cũng đã nhanh chóng tận tâm cử chuyên gia y khoa giỏi về địa phương để hỗ trợ. Thế nhưng, đây là trường hợp rất hiếm gặp, là một tỷ lệ rất nhỏ nếu tính trên đầu dân số.
Và trên hết, là những cập nhật về vụ việc rất kịp thời từ chính Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc tiếp xúc cử tri tại TP.Cần Thơ vào ngay chiều 8/5.
“Trên thế giới, bất cứ vắc-xin nào cũng thế, kể cả vắc-xin sởi phổ biến nhưng khi tiêm cũng xảy ra sự cố. Vừa qua, có xảy ra sự cố ở An Giang là do sốc thuốc. Việc này phải giải thích cận kẽ với người dân, để không có tâm lý hoảng hốt, không dám tiêm vắc-xin nữa.
Thực tế, các quốc gia trên thế giới kiểm soát được tình hình là do tiêm vắc-xin… Và ta cũng thế, phải tiêm vắc-xin phòng dịch. Song, nhập vắc-xin hiện rất khó, Bộ Y tế loay hoay cả tháng nay vẫn chưa nhập được…”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tiêm vắc-xin cũng có những trục trặc nhưng người dân đừng hoang mang, lo sợ vì vắc-xin nào cũng có phản ứng phụ. Nó có một phần nghìn, một phần triệu thôi… nên chúng ta phải chấp nhận. Tất nhiên, Bộ Y tế phải hướng dẫn, hạn chế tối đa những hậu quả xấu”.
Còn nhớ, phía WHO cũng từng nói, một trong những chìa khóa để chiến thắng đại dịch là minh bạch thông tin. Ở khía cạnh này, Chính phủ Việt Nam đang làm quá tốt.
Hồi đầu dịch của, hầu như các loại văn bản giấy tờ toàn là được ai đó đưa lên trên mạng rồi lan truyền trong các group kín, các nhóm chat zalo, messenger.
Nhưng đến bây giờ, tất cả các văn bản đó được đăng tải công khai và rất nhanh trên hệ thống thông tin của Chính phủ, nên tình trạng fake-news đã gần như biến mất.
Một lần nữa, xin tri ân đến người nữ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Sự ra đi của chị sẽ không vô nghĩa nếu tất cả chúng ta cùng đoàn kết, tỉnh táo, nghiêm túc thực hiện các quy tắc phòng dịch nhưng không quá hoang mang.
Hoàng Oanh