+
Aa
-
like
comment

Hoan hô việc làm “chưa có tiền lệ” của EVN

sông trà - 06/04/2020 18:07

Không ai có thể “bắt” hay “ép” ngành điện phải giảm giá bán điện cho người tiêu dùng. Nhưng EVN là doanh nghiệp của Nhà nước, mọi đầu tư, phát triển đều từ nguồn vốn đóng góp từ thuế của dân, thì trong lúc khó khăn như hiện nay không có lý do gì để không chìa một bàn tay chung tay với cộng đồng vượt khó.

Hơi trễ nhưng vui

Có người tặc lưỡi bảo “giá điện chỉ có tăng chứ làm gì có chuyện giảm bao giờ”? Một trong những việc được nhiều người quan tâm như chống dịch COVID-19 lúc này là giá điện có được giảm không sau khi giá xăng đã giảm sâu? Nên câu chuyện điện giảm 10% là chuyện chưa có tiền lệ đối với EVN – một ngành vốn được gọi là “chỉ tăng giá mà không giảm”.

Đề xuất giảm giá điện của Bộ Công thương nhận được sự đánh giá cao từ chuyên gia và dư luận

Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết Bộ Công thương đã đưa ra một số phương án về giảm giá điện cho các khách hàng người dân (điện sinh hoạt) và doanh nghiệp (điện sản xuất). Mức hỗ trợ được đề xuất có thể cao nhất lên tới 10%.

Đề xuất giảm giá điện được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4 do Thủ tướng chủ trì. Việc thực hiện hỗ trợ trong 3 tháng, với số tiền hỗ trợ đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh 6.104 tỉ đồng, tương đương doanh thu EVN giảm tương ứng.

Cụ thể, đối với khách hàng tiêu thụ điện sinh hoạt, Bộ Công thương đề xuất giảm giá 10% đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Số tiền hỗ trợ cho khách hàng sinh hoạt sẽ được hưởng số tiền hỗ trợ 2.930 tỉ đồng. Với bậc thang cao trên 300 kWh, bộ đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những người có thu nhập cao, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch

Dĩ nhiên, động thái đề xuất của Bộ Công Thương, ngoài nhận được sự ủng hộ của dư luận thì các chuyên gia cũng đánh giá cao. Tuy nhiên, dười góc nhìn của giới chuyên gia thì đòi hỏi EVN phải làm công việc này sớm hơn, giảm sâu hơn nữa so với 10% như để xuất.

Một số phân tích từ các chuyên gia kinh tế cho rằng EVN hoàn toàn có đủ điều kiện để giảm giá điện nhằm chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế. Mức giảm giá điện cho hộ gia đình nên là 15%; đối với các ngành sản xuất trực tiếp, nên xem xét giảm 20% trở lên.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam,  Trần Viết Ngãi chỉ rõ một số năm gần đây, kết quả sản xuất – kinh doanh của EVN ở mức khá tốt. Chẳng hạn, năm 2019, doanh thu ước đạt 393.230 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018. Lợi nhuận Công ty mẹ – EVN – trong năm này ước đạt 950 tỉ đồng và tất cả các tổng công ty đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Còn năm 2018, tập đoàn này công bố lãi hơn 700 tỉ đồng kinh doanh điện.

“Với triển vọng sản xuất – kinh doanh như trên, việc giảm doanh thu gần 11.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là không quá khó. Để cân đối lại, tập đoàn cần tiết giảm chi phí, cân đối các nguồn điện để vừa bảo đảm nhiệm vụ an sinh xã hội vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh” – ông Ngãi phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, nếu tính toán lại và có khả năng giảm thêm thì ngành điện nên giảm ở mức cao hơn cho tất cả các đối tượng. Đặc biệt, khách hàng hộ gia đình hiện rất khó khăn do cơ sở sản xuất – kinh doanh bị ngưng trệ, dẫn đến mất việc hoặc giảm thu nhập, cần được hỗ trợ nhiều hơn mức 10%.

Khi giá dầu, giá than tăng, khiến giá điện sản xuất tăng, điện phải bù lỗ, ngành này đã từng kêu gọi người dân đồng hành với họ thì đây là dịp để điện đồng hành với người dân. Thế nhưng mãi đến thời điểm này, ngành điện mới vào cuộc để cùng chia sẻ với người dân- cũng là khách hàng của mình.

Thôi kệ, việc làm này của EVN kể cũng hơi trễ nhưng dù sao dư luận cũng thấy vui.

Cần sự đồng hành của ngành điện

Dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, người dân phải ở nhà nhiều hơn. Đương nhiên số lượng điện sử dụng hàng tháng cho hộ gia đình tăng lên đáng kể. Nhiều doanh nghiệp giảm lương nhân viên, các ngành dịch vụ công cho đến tư nhân – phần bị cấm hoạt động, phần bị tác động gián tiếp mấy tháng nay. Hàng chục triệu lao động đang thu nhập eo hẹp..v..v.

Đặc biệt, trong những ngày “tự cách ly” với xã hội, các khoản chi phí điện nước trong các gia đình đều tăng, trong khi phần lớn tiền lương đã giảm, nhiều người đã phải dùng đến trợ cấp thất nghiệp, đó là điều ai cũng thấy rõ.

Tức là, nhìn mặt bằng chung về tình hình sản xuất, kinh doanh ở tất cả các thành phần kinh tế thời gian qua có thể thấy chưa bao giờ các cá nhân, tổ chức lại gặp khó khăn như bây giờ. Chính phủ cũng đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăng cho người dân. Chính vì thế, thời điểm khó khăn, ngành điện không thể nào đứng ngoài cuộc.

Có thể nói, trong thế giới kinh doanh, hiếm có sản phẩm nào mà giá của nó liên tục tăng, không giảm! Biến động giá cả cũng phần nào cho thấy tính chất vốn có của kinh tế thị trường.

Nói cách khác, khi một sản phẩm nào đó chính thức tham gia vào cơ chế thị trường sẽ chịu sự tác động khách quan của các quy luật, trong đó dễ thấy nhất là quy luật “cung – cầu”. Trong sự vận động khách quan “cung” và “cầu” luôn biến động, đổi vai cho nhau, dựa vào đó giá cả lên xuống. Vì vậy, điện của EVN chỉ có tăng mà không giảm là phi thị trường!

Thực tế, giá điện luôn tuân theo quy luật bất biến là tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi. Đợt tăng giá điện có nhiều khi còn mập mờ cần làm rõ. Mỗi lần tăng giá điện thì bên có lợi đương nhiên vẫn luôn là EVN. Ngược lại, việc giá điện sinh hoạt tăng liên tục trong nhiều năm nay là một gánh nặng với nhiều hộ dân.  Trong khi đó, ở một số quốc gia, họ còn giảm giá điện để tăng chất lượng cuộc sống cho người dân

Thực ra, không ai có thể “bắt” hay “ép” ngành điện phải giảm giá bán điện cho người tiêu dùng. Nhưng EVN là doanh nghiệp của Nhà nước, mọi đầu tư, phát triển đều từ nguồn vốn đóng góp từ thuế của dân, thì trong lúc khó khăn như hiện nay không có lý do gì để không chìa một bàn tay chung tay với cộng đồng vượt khó.

Người ta hay nhắc đến một đạo lý của doanh nghiệp là không vì mục đích lợi nhuận trong thiên tai khi cả xã hội đang gồng mình chống dịch. Giảm chi tiêu cho dân lúc này là thực tế nhất và là trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, và EVN hoàn toàn trong khả năng mình để làm được

Thậm chí, không chỉ là ở thời điểm “đỉnh dịch” này mà khi dịch bệnh qua đi, người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc phục hồi, gượng dậy sau khủng hoảng, lúc đó ngành điện cũng cần thể hiện nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức với cộng đồng.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều