Di sản của Đức đệ tam Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch vào 3 giờ 22 phút vào sáng nay, 21-10 tại tổ đình Viên Minh (Hà Nội). Ngài được giới trí thức, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước kính trọng, là bậc chân sư của thời đại, là “bậc đáng kính đáng lạy”, không phải vì Ngài ở trên ngôi cao Pháp chủ, mà chính ở một đời tinh chuyên tu hành, rất mực giản dị, khiêm cung.
Nhắc đến Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, rất nhiều câu nói – lời dạy của Ngài có tác động đến đời sống Tăng Ni, Phật tử và đi vào lòng người, đặc biệt là giới trí thức. Lời của Ngài đáng để suy ngẫm, đặc biệt qua nhiều câu khai thị, chỉ dạy chúng đệ tử như pháp – như kinh: “Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”.
Chùa nơi Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ an trú không có thùng phước sương, chư Tăng sống chủ yếu bằng nghề nông, vừa tu hành vừa làm ruộng, cày cấy, trồng rau trong vườn để nuôi thân. Năm 80 tuổi, Đại lão Hòa thượng vẫn giữ nếp sống thiền môn ấy, đến mùa trồng rau, gặt lúa, ngày dịch kinh, tối hành trì kinh tạng. “Tôi sống đời hơn trăm tuổi, đã gần trăm năm xuất gia theo nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương”, Đại lão Hòa thượng nói.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trước sau như một, hoàn cảnh nào cũng khiêm cung và giản dị. Ngài quý từng hạt cơm, không phí phạm một bát gạo của đàn na tín thí và đặc biệt ngày bữa cơm của Ngài luôn thanh đạm, chỉ rau, bát canh, nhiều hơn là dăm ba miếng đậu hủ. Đại lão Hòa thượng dù có tuổi, mắt kèm nhèm nhưng vẫn dùng kính lúp soi từng con chữ, dịch từng trang kinh để lại giáo lý ứng dụng tu học cho hàng hậu thế.
Bất kỳ Tăng Ni, Phật tử hay thiện nam, tín nữ tri thức đến với Đại lão Hòa thượng đều có ấn tượng sâu sắc với Ngài, bậc trưởng thượng tuy ở ngôi vị cao nhất của Giáo hội Phật giáo nhưng một mực khiêm tốn khi được tán dương, ca ngợi, tự nhận mình là vị nông Tăng.
Được cung thỉnh vào ngôi vị Pháp chủ GHPGVN, đối với Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, đó là trọng trách mà Tăng đoàn giao phó, nên Ngài miễn cưỡng nhận để làm tròn chứ không phải là một “vinh dự” để mừng để vui. Do đó, Ngài vẫn điềm nhiên, giữ lối sống thanh bần – “Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi… Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”, nguyên văn lời nói của Đại lão Hòa thượng.
Còn nhớ, tại Đại lễ cung nghinh Đức đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Hà Tây, lời đạo từ đầy trăn trở của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã khiến Tăng chúng phải nhìn lại mình: “Tôi không ngờ chư vị lại giữ lời đã hứa khả với chúng tôi như vậy! Đã tổ chức lễ đón rước quá lớn. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc thì nên tích mà không nên tán. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa. Nay được hưởng như thế này là cái họa cho chúng tôi. Chúng tôi cần làm gì đây để báo đáp sự cung ngưỡng lớn lao như thế này của đại chúng?”.
Hôm nay Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã rời cõi tạm nhưng hàng hậu học có lẽ sẽ không bao giờ quên được câu khai thị thể hiện sâu sắc triết lý của Đại lão Hòa thượng nói vào năm 2017: “Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo, ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”.
Lối sống giản đơn ấy của đại lão Hòa thượng được thực hiện xuyên suốt, đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, lời di huấn của Đại lão Hòa thượng sâu thẳm đạo lý: “Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc”.
Cuộc đời tu hành và lối sống thanh bần, giản dị, khiêm cung của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ để lại nhiều di sản, trong đó có triết lý nhân sinh nhận diện giá trị thực sự của một con người, không phải chỉ ở những gì họ có được, mà chính là ở chất lượng của sự cho đi, sự hiến tặng vì lợi ích cho số đông. Càng cho đi, một cách chân thành, thì chính họ sẽ nhận lại điều thiện lành, tốt đẹp, sự kính trọng của xã hội.
Thái Thanh