Hoá ra bằng giả “lợi hại” đến thế!
“Sau chủ tịch xã, chủ tịch HĐND cũng bị phát hiện dùng bằng giả” – một thông tin từ Đắk Nông đăng trên Dân trí cách đây ít ngày đã nhận được tới 2.200 lượt quan tâm (like) và cả trăm nghìn lượt đọc của độc giả.
Cụ thể, giai đoạn 1985-1988, ông Hùng theo học cấp 2 tại quê nhà xã Nhật Quang, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (cũ), nhưng lại không tham dự kỳ thi tốt nghiệp vào tháng 5/1988. Do vậy, ông Hùng không được công nhận tốt nghiệp năm 1988 và không được cấp bằng tốt nghiệp cấp 2 theo quy định.
Tuy nhiên, ông Hùng sau đó lại “chạy bằng cấp” để có được bằng tốt nghiệp. Ông Hùng đã sử dụng tấm bằng này để được học tập nâng cao trình độ THPT. Sau đó, tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; được quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm vào các chức vụ trong Đảng tại xã Đắk Sin từ năm 1994 cho đến nay.
Việc làm của ông Hùng đã vi phạm Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Được biết, ngay trước đó, Chủ tịch UBND xã này cũng vừa mới bị phát hiện và bị kỷ luật vì dùng bằng THPT giả để làm hồ sơ, lý lịch công tác và bổ nhiệm cán bộ. Thế mới thấy trước khi bị phát giác, những tấm bằng giả vô cùng “lợi hại”!
Qua các sự việc trên cũng thấy rằng, mặc dù Thường vụ Huyện uỷ Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) đã có bước xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên, trong công tác bổ nhiệm và sử dụng cán bộ ở địa phương có lẽ còn một số vấn đề cần phải bàn.
Thứ nhất, ông Nguyễn Tiến Hùng đã được quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm vào các chức vụ trong Đảng tại xã Đắk Sin từ năm 1994 cho đến nay, song vì sao sự việc gian lận ấy phải mất 25 năm mới sáng tỏ? Liên tục có tình trạng cán bộ ở xã bị phát hiện dùng bằng giả, đây có phải chỉ mang tính “hiện tượng” hay không?
Thứ hai, không rõ trong 25 năm vừa qua, với một người từng sử dụng cách thức “chạy bằng cấp” khi còn trên ghế nhà trường để gian lận, học tiếp lên THPT và sau đó là nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, liệu rằng có đủ năng lực và phẩm chất để giữ các chức vụ ở địa phương?
Bản thân người viết cũng thắc mắc rằng, trong 25 năm đó, ông Nguyễn Tiến Hùng đã hoạt động ra sao? Hẳn rằng ông Hùng phải có những thành tích nhất định nên mới làm đến chức Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã?
Vậy thì những đánh giá về quá trình công tác của ông Hùng trong khoảng thời gian nói trên liệu có trung thực và chính xác? Kết quả công tác của ông Nguyễn Tiến Hùng trong suốt thời gian đó có vấn đề gì không ổn hay không, có tạo ra hệ luỵ gì cho người dân và cho địa phương hay không?
Cần nhấn mạnh rằng, việc sử dụng “bằng giả” là sai trái, dù đó là một tấm bằng THCS. Cho nên, sự phát triển trên nền tảng của một sự giả dối, rõ ràng là rất thiếu bền vững.
Chỉ có điều, nếu đặt trường hợp một người vì lý do nào đó nên trong quá trình học tập ở cấp cơ sở đã vấp phải sai lầm, thì liệu họ có cơ hội để vươn lên trong xã hội? Liệu rằng chúng ta có đang đẩy cao vai trò bằng cấp, quá đặt nặng vấn đề giấy tờ, thủ tục?
Dù không cổ suý, ủng hộ cho tư duy “sính bằng cấp” và lý lịch cá nhân, nhưng bản thân người viết cho rằng, cán bộ tốt phải trên nền tảng một người có tư chất, lòng trung thực và tự trọng. Vấn đề không phải là “không có vết”, mà quan trọng là biết nhìn thẳng vào khiếm khuyết, sai lầm của bản thân để sửa chữa.
Do đó, nếu một người vì hoàn cảnh riêng mà chỉ học đến lớp 9, không theo hết được chương trình văn hoá trong nhà trường, vẫn giàu chí tiến thủ để tự vươn lên, nỗ lực tự học, tự hoàn thiện, thì chắc chắn dẫu không thành công chăng nữa cũng thành nhân. Còn ngược lại, có thể có nhiều thứ có được nhờ “mua” và “chạy” thì đó vẫn là một con người thất bại – trước hết là đã thất bại trong nhân cách.
Bích Diệp/DT