+
Aa
-
like
comment

Hoa mắt với combo ‘đi chợ hộ’ của các siêu thị TP.HCM

25/08/2021 06:08

Hầu hết siêu thị tại TP.HCM đã triển khai bán hàng theo combo để phục vụ nhanh chóng tới người dân. Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại xây dựng một kiểu combo, mức giá cũng khác nhau.

Ngày 24/8, anh K. (phường Phú Trung, Tân Phú) dở khóc dở cười vì các combo hàng thiết yếu mà phường vừa gửi không hề có thịt, cá. Cụ thể, link đăng ký “đi chợ hộ” anh nhận được thuộc siêu thị Topsmarket Âu Cơ gồm có 6 combo với mức giá từ 350.000-1,05 triệu đồng.

Trong đó, 2 combo cùng mức giá thấp nhất 350.000 đồng bao gồm nước tương, dầu ăn, mì gói, trứng gà, đậu cove, củ dền, cà rốt, khoai lang, su su, dưa leo, bí đỏ.

gia combo di cho ho anh 1
Từ ngày 23/8, nhiều siêu thị đã thiết kế các combo mua hàng để gửi về địa phương thông tin đến người dân.

Combo có mức giá cao nhất là 1,05 triệu đồng bao gồm hạt nêm, mì gói, gạo, nước tương, dầu ăn, bột ngọt, sữa, trứng gà, gạo, đậu cove, dưa leo, cà rốt, củ dề, su hào khoai tây, su su, khoai lang, bí đỏ.

Thực tế, việc thiết kế các combo hàng thiết yếu là cách làm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, hạn chế mỗi người dân đặt một đơn hàng khác nhau với đủ loại hàng hóa gây chậm trễ việc xử lý đơn hàng.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết một số combo đang có mức giá chưa phù hợp, gây khó khăn cho người có thu nhập hạn chế, số khác cho rằng cần bổ sung thêm một số mặt hàng thiết yếu như bỉm, sữa, giấy vệ sinh,…

Muôn kiểu combo

Ngày 23/8, siêu thị Aeon cho biết đã xây dựng 4 combo đơn giản với mức giá từ 450.000-500.000 đồng. Theo đó, combo 500.000 đồng bao gồm xương ống, ba rọi heo, thịt vai, cá lóc, khoai lang, dưa leo, cà chua, chanh không hạt, rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh, xà lách. Mỗi loại khoảng 0,5-1 kg.

Trong khi đó, Bách Hóa Xanh thiết kế 8 combo 120.000-500.000 đồng, theo đó rau, thịt cá, gia vị, vệ sinh nhà cửa, bánh nước, sữa được chia riêng theo các combo. Cụ thể, combo rau, củ dao động 120.000-15.000 đồng bao gồm các loại rau củ nấu, rau lá, rau ăn sống, rau nêm; Combo thịt cá từ 200.000-300.000 đồng bao gồm thịt heo, gà, cá, thủy hải sản; Combo thực phẩm khô từ 200.000-300.000 đồng bao gồm mì gói, bún, miến, phở, cháo, gạo..

Theo đó, người dân có nhu cầu mua đủ rau củ, thịt cá, mì gói, gia vị, đồ dùng chăm sóc cá nhân, nhà cửa tại Bách Hóa Xanh theo combo phải chi tối thiểu 900.000 đồng chưa kể combo bánh, nước, sữa.

gia combo di cho ho anh 2
gia combo di cho ho anh 3
Người dân có nhu cầu mua đủ rau củ, thịt cá, mì gói, gia vị, đồ dùng chăm sóc cá nhân, nhà cửa tại Bách Hóa Xanh theo combo phải chi tối thiểu 900.000 đồng.

Tương tự, tại Co.opmart, Co.opxtra cũng xây dựng các combo riêng biệt nhưng đa dạng mức giá. Theo đó, tại Co.opxtra Phạm văn Đồng, có 9 combo rau củ, thịt cá, trứng từ 99.000-499.000 đồng. Ngoài ra, siêu thị còn thiết kế thêm combo bánh sữa, nước, lương thực, gia vị, vệ sinh cá nhân, nhà cửa mức giá từ 99.000-399.000 đồng.

MM Mega Market cũng vừa triển khai 4 gói combo với mức giá từ 150.000-300.000 đồng áp dụng tại 4 siêu thị thuộc hệ thống. Ngoài ra, mỗi siêu thị còn cung cấp thêm danh sách hàng hóa cho mỗi phường nhằm tạo đa dạng trong việc lựa chọn cho người dân. Danh sách hàng hóa sẽ thay đổi và được cập nhật cho chính quyền địa phương theo ngày.

Chị Tuyết (phường 12, quận Bình Thạnh) có con nhỏ cần mua bỉm, sữa nhưng theo phiếu đăng ký đi chợ hộ chị nhận được từ phường lại không có mặt hàng này.

“Chính quyền nên cho phép người dân gọi đến siêu thị thuộc khu vực mình sinh sống đặt hàng và nhờ người hỗ trợ như nhân viên siêu thị, lực lượng của phường xã giao đến. Hoặc các siêu thị nên bổ sung thêm một số danh mục hàng thiết yếu như bỉm sữa,…”, chị nói.

Giá mỗi nơi mỗi khác

Bên cạnh việc mỗi siêu thị thiết kế một kiểu combo khác nhau, nhiều người dân cho biết mức giá các combo cũng có sự chênh lệch đáng kể, một số combo đang có mức giá chưa phù hợp, gây khó khăn cho người có thu nhập hạn chế.

Theo khảo sát, ở siêu thị Big C, Go! có combo cao nhất 600.000 đồng, siêu thị Bách Hóa Xanh có combo thấp nhất 120.000 đồng.

Ngoài ra, một số siêu thị còn triển khai phương án mua chung, mua hàng online, mua hàng qua app.

Cụ thể tại Co.opmart các siêu thị sẽ gửi danh mục hàng hóa thiết yếu khoảng 100 mặt hàng đến các địa phương. Các đầu mối mua chung theo sự điều phối của chính quyền địa phương sẽ tổng hợp nhu cầu người dân thành một đơn hàng chung theo từng khu vực để thuận tiện cho việc mua hàng hóa.

Đặc biệt, nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân trong mùa dịch, Saigon Co.op sẽ thiết kế sẵn một số combo hàng hóa tiện lợi, có giá chỉ từ 100.000 đồng.

Đại diện Sở Công Thương cho biết Sở khuyến khích các siêu thị bán hàng theo combo nhằm phục vụ nhanh chóng, thuận tiện. Trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương sẽ tổ chức điều phối các kênh bổ trợ phân phối hàng hóa như các chuyến xe bán hàng lưu động, ‘siêu thị mini di động’ hỗ trợ TP Thủ Đức và các quận, huyện phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngày 24/8 có một số khó khăn so với hôm qua, cụ thể đã có phản ánh giá combo cao do người dân so sánh giá giữa các combo siêu thị. Bởi thực tế có một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp, do đó các doanh nghiệp đang phải chuẩn bị combo lại.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trong ngày 24/8 có 74.033/2,1 triệu hộ dân đăng ký đơn hàng đi chợ hộ, tăng 50.385 hộ so với ngày hôm qua. Ngoài ra, có 274.633/ 590.859 hộ dân đăng ký túi an sinh.

“Các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trên tổng số đơn các hộ đăng ký trong ngày, giảm 6,8% so hôm qua. Số đơn còn lại sẽ được các hệ thông phân phối trong ngày mai”, ông Phương nói.

Hiện, TP.HCM có 2.302 kênh phân phối gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ). Chỉ còn 5 xe lưu động bán hàng cho các quận, huyện do người dân đã mua sắm dự trữ khá nhiều.

Thanh Thương

Bài mới
Đọc nhiều