Hoa Kỳ: Hai cựu Tổng thống Bush và Clinton thông đồng với Trung Quốc?
Sau khi tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống vào năm 2016, các đối thủ của ông ra sức cáo buộc ông thông đồng với Nga để được trúng cử. Các cuộc điều tra kéo dài hơn hai năm đã bác bỏ những cáo buộc này. Giờ đây, đến lượt Tổng thống Trump nghi ngờ về sự thông đồng giữa Trung Quốc và nhà Clinton. Trung Quốc là một chủ đề mà ông Trump liên tục đề cập. Tuy nhiên, điều lạ lùng là các đối thủ của ông gần như đều né tránh việc này. Phải chăng họ đã biết sự thông đồng này từ lâu?
Nhà báo Liwei Fu đã có một bài viết phân tích về vấn đề này trên The BL.
Trong nhiều bài phát biểu tranh cử tổng thống năm 2016, Tổng thống Trump đã không ngại ngần nhắc tới Trung Quốc. Ông liên tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại. Đối với ông Trump, nước này đóng một vai trò tác động quan trọng tới nền kinh tế Mỹ. Nếu giải quyết được vấn đề Trung Quốc thì có thể thúc đẩy nền kinh tế nội địa và bảo đảm được chiến thắng của ông trong chiến dịch tái tranh cử diễn ra vào năm 2020.
Mặc dù Tổng thống Trump rất kiên quyết trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, nhưng ông lại hay dành những lời có cánh cho Tập Cận Bình và coi ông Tập là bạn. Nhà báo Liwei bình luận, phải có lý do gì đó cho việc này. Tổng thống Trump hiểu rằng, toàn bộ vấn đề thâm hụt thương mại và mối quan hệ bất minh với Trung Quốc không phải bắt đầu từ thời kỳ của ông Tập và cũng không chỉ liên quan tới Obama, mà là từ thời Bill Clinton, Bush và Hilary Clinton. Nhà báo Liwei tiếp tục đưa ra những lời giải thích.
Khi Clinton trở thành Tổng thống năm 1993, Giang Trạch Dân đã lên nắm quyền Trung Quốc từ năm 1989. Trên đấu trường quốc tế, Giang Trạch Dân đã thâm nhập vào Mỹ để kiếm lợi. Ông ta biết cách để có được những gì ông ta muốn và sử dụng chiến thuật quen thuộc: chia lợi cho những người tham gia.
Trong các chuyến thăm Mỹ và các cuộc gặp gỡ với Clinton, bằng cách nào đó Giang đã thuyết phục Clinton vận động hành lang cho Trung Quốc. Mặc dù Tổng thống Clinton gặp phải không ít sự phản đối từ những người ủng hộ nhân quyền, cuối cùng Clinton cũng đã giành chiến thắng, mở đường cho Trung Quốc vào Mỹ và tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Động thái đó diễn ra năm 2000 khi Clinton quay về sau chuyến thăm Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Clinton đã ký dự luật Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc. Chưa hết, ông còn bãi bỏ các đánh giá thường niên về tình trạng thương mại Trung Quốc vốn đã diễn ra trong suốt 20 năm.
Mặc dù đã có nhiều lo ngại về suy giảm việc làm của người lao động Mỹ và sinh lời cho một quốc gia độc tài, các doanh nghiệp Mỹ đã bị thuyết phục bởi quy mô thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Các điều kiện đặt ra đối với Trung Quốc khi vào WTO là, Trung Quốc phải cắt giảm thuế, cho phép nhập khẩu, mở cửa ngành tài chính, cho phép các nước vào Trung Quốc phát triển internet và viễn thông.
Các công ty Mỹ cũng như các tập đoàn viễn thông lớn đã vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể cung cấp nguồn lực lao động giá rẻ khổng lồ mà không cần phải quan tâm tới luật lao động. Trên thực tế, Giang đã gặt hái được rất nhiều lợi ích, không ít thỏa thuận Trung-Mỹ đã ký kết mà người dân Mỹ không hề biết. Giang và bè đảng của ông ta đã được kết nạp vào nhóm tinh hoa của cộng đồng phương Tây và trở thành người có quyền quyết định đối với cộng đồng này.
Hết thời Clinton, Bush tiếp tục quan hệ với Trung Quốc. Ông dường như có giao hảo rất tốt với Giang Trạch Dân và đã tới thăm Trung Quốc 4 lần, phá vỡ kỷ lục của những người tiền nhiệm.
Năm 2002, Giang đã tới Mỹ, thực hiện chuyến thăm cuối cùng trong vai trò là người đứng đầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây là chuyến thăm chính thức cấp quốc gia vào một thời điểm kỳ lạ ngay trước khi Giang chuyển giao quyền lực. Lúc ấy, nạn diệt chủng các học viên Pháp Luân Công với việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra. Nhà báo của The BL bình luận, không thể nào mà Bush lại không biết về cuộc đàn áp này. Trên thực tế, rất nhiều báo cáo cho thấy, trong thời gian ông Bush mời Giang tới thăm trang trại của mình, các học viên Pháp Luân Công tại Mỹ đã đứng bên ngoài trang trại kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp.
Trở lại với Trung Quốc, Giang thực ra không hề mất quyền lực. Ông ta có lực lượng riêng của mình được cài cắm ở các vị trí chủ chốt trên nhiều phương diện và tiếp tục kiểm soát quân đội, báo chí và ngoại giao. Năm 2017, khi ấy Giang đã 91 tuổi, tại Đại hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông ta đã lặng lẽ ngồi ngang hàng với Tập Cận Bình.
Khi Obama trở thành Tổng thống Mỹ, Tập Cận Bình trở thành người đồng cấp của ông. Nhưng Tập không đối xử với Obama như Giang đã làm với các vị tổng thống trước. Tập càng không phải là một người bạn của Giang, thậm chí ông còn ra đòn mạnh mẽ đối với các tay chân của Giang vì lý do tham nhũng. Nhà báo Liwei bình luận, có lẽ vì thế mà mối quan hệ giữa Obama và Tập trở nên thú vị. Điều này vẫn tiếp diễn cho tới khi ông Trump trở thành tổng thống.
Trong một cuộc phỏng vấn với Steve Hilton của Fox News, Tổng thống Trump phát biểu: “Trung Quốc đã lợi dụng chúng ta trong rất nhiều năm. Và lỗi ở chính chúng ta chứ không phải ở Trung Quốc. Tôi không đổ lỗi cho Tập Cận Bình, mà đổ lỗi cho tất cả các vị Tổng thống Mỹ, không chỉ mình Obama. Mọi người cùng nhìn lại chặng đường dài trước đó. Hãy nhìn vào thời Tổng thống Clinton và Bush, họ cho phép điều này xảy ra, chúng ta đã giúp cho Trung Quốc vì Trung Quốc có nhiều tiền”.
Thiên Thủy