Hoa hậu biểu diễn tại Mỹ: Dừng ngay chiêu trò “chính trị hóa nghệ thuật”
Ngày 27/11, tại lễ trao quyết định nghỉ chế độ cho các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII không tái cử khóa XIII, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thể hiện “Vũ điệu kết đoàn”. Cũng khoảng thời gian này, hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà tham gia phần thi hoa hậu tài năng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới với phần trình diễn đàn T’rưng nhạc phẩm “Cô gái vót chông”. Hai sự việc trên đã nhanh chóng được các “nhà dân chủ” thêu dệt, tô vẽ, chính trị hoá nhằm đánh lận bản chất vấn đề, tạo cớ bôi nhọ các cá nhân liên quan và công kích đất nước.
Liên quan đến câu chuyện văn hoá, sau Hội nghị văn hoá toàn quốc, không ít luận điệu xấu độc đã được các cá nhân, hội nhóm chống đối đưa ra để công kích nền văn hoá Việt Nam. Mục đích của những kẻ này vừa để công kích các cá nhân liên quan, vừa tạo cớ chống phá chính quyền.
Xung quanh việc nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thể hiện “vũ điệu kết đoàn”, các đối tượng “dân chủ” ngay lập tức xâu xé. Những kẻ này đưa ra nhận định rằng việc thể hiện của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội là “kệch cỡm”, không phù hợp với sự trang trọng cần có của những người làm chính trị. Có kẻ lại mạnh miệng xuyên tạc rằng nhân dân phải oằn lưng đóng thuế để phục vụ việc múa hát của lãnh đạo?!
Hay như việc hoa hậu Đỗ Thị Hà thể hiện tài năng đánh đàn T’rưng nhạc với phẩm “Cô gái vót chông”, những chiếc “lưỡi có gai” cũng đã nhanh chóng công kích với những lời lẽ hết sức nặng nề. Bất chấp thực tế rằng Đỗ Thị Hà chỉ thể hiện nhạc điệu, không thể hiện phần lời, các đối tượng vẫn vu khống cho rằng điều này thể hiện sự “thù hằn” của Việt Nam đối với Mỹ. Thậm chí, có kẻ còn móc nối một cách khập khiễng, cho rằng Việt Nam vừa nhận hàng triệu liều vaccine do Mỹ hỗ trợ nhưng vẫn trình diễn nhạc phẩm “chống Mỹ” là hành động “qua cầu rút ván”.
Qua hai vụ việc trên, có thể thấy các đối tượng “dân chủ” cố tình thực hiện chiêu trò “chính trị hoá” các hoạt động văn hoá.
Văn hoá là một hoạt động của đời sống tinh thần. Dù là ai, làm bất cứ nghề gì, có vị thế trong xã hội ra sao thì họ cũng cần và cũng có quyền được hưởng các giá trị văn hoá. Quyền tham gia sinh hoạt văn hoá, thừa hưởng các giá trị văn hoá là một quyền quan trọng của nhân quyền. Vậy hà cớ gì các “nhà bình loạn” lại cứ hậm hực, cay cú với nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội? Có lẽ với các “nhà dân chủ”, tất cả những gì liên quan đến Đảng, Nhà nước Việt Nam đều là cái “gai trong mắt” nên họ sẵn sàng đổi trắng thay đen, chính trị hoá mọi việc để công kích đất nước. Từ một việc bình thường nhưng qua góc nhìn của các đối tượng xấu cũng có thể trở thành điều bất thường. Miễn có thể gấy bất lợi cho đất nước, các “nhà bình loạn” sẵn sàng tô vẽ ra những “thuyết âm mưu” để chống phá đất nước.
Màn biểu diễn của hoa hậu Đỗ Thị Hà cũng chỉ là hoạt động văn hoá đơn thuần. Việc “chính trị hoá” trong trường hợp này là phi lý, vô căn cứ. Chiến tranh đã đi qua từ lâu, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá quan hệ, không hề có việc chúng ta cố tình khoét sâu hận thù như những gì các đối tượng xấu tung ra. Và cũng phải nói thẳng, chúng ta không khoét sâu vết thương lịch sử vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta lãng quên lịch sử. Bài hát “Cô gái vót chông” là sản phẩm ra đời trong những năm tháng đau thương của đất nước, khắc hoạ chân thực ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của người dân Việt Nam. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta phải chối bỏ lịch sử. Đúng như lời một cựu nhà báo nhận xét trên trang cá nhân: “Nếu cứ suy diễn kiểu này, thì có lẽ phải cấm tất cả những bài hát của dòng nhạc cách mạng, những bài hát đã góp phần quan trọng vào nâng cao sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta để chiến thắng kẻ địch…”
Một sự thực hết sức mâu thuẫn đang diễn ra trong mỗi “nhà dân chủ”. Một mặt, họ kêu gào đòi tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng khi người khác thể hiện quyền tự do lại khiến họ cay cú, bực tức và ngay lập tức công kích. Phải chăng, cái “tự do”, “nhân chủ”, “nhân quyền” mà các “nhà dân chủ” hướng đến là sự tự do chống phá đất nước, phá hoại sự bình yên của dân tộc?
Bảo An