+
Aa
-
like
comment

Hóa chất tẩy rửa soda đóng vai trò gì trong sản xuất nước mắm?

Thành Nhân - 15/01/2020 15:08

Liên quan đến vụ việc 3 công ty sử dụng hóa chất công nghiệp soda để sản xuất nước mắm, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ, đây là lần đầu tiên, Bộ thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của lực lượng Công an.

Đưa chất độc vào mâm cơm người Việt

Đoàn kiểm tra lên đến 30 người, cùng một lúc kiểm tra 4 công ty. “Chúng tôi sợ các đơn vị này có liên kết với nhau nên nếu kiểm tra từng công ty thì lo ngại “bứt dây động rừng” tẩu tán tang vật nên đã bí mật đến phút cuối, cùng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an triển khai kế hoạch”- ông Tiến chia sẻ.

Kết quả ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện 3 công ty (Công ty TNHH MTV Điều Hương; Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp; Công ty TTHH Thực phẩm Tấn Phát) có sử dụng chất công nghiệp soda. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu tại chỗ, dừng sản xuất, niêm phong tất cả sản phẩm đã sản xuất và vật tư.

“Chúng tôi đã xử lý hết sức nghiêm minh. Cũng phải nói rằng, quyết định xử phạt hành chính đối với 3 đơn vị này với số tiền 782 triệu đồng là số tiền xử phạt rất lớn, chưa từng có”- ông Tiến cho biết. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã yêu cầu 3 công ty sử dụng soda công nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Các đơn vị này không thể sử dụng sản phẩm này nữa bởi lực lượng chức năng đã niêm phong.

Bê bối chất tẩy rửa trong nước mắm đang làm bức xúc dư luận

Liên quan đến Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành, ông Tiến thông tin, lực lượng chức năng cũng nhận được tin báo nhưng khi vào kiểm tra thì không phát hiện thấy soda công nghiệp, bởi vậy doanh nghiệp này chỉ bị phạt 6 triệu đồng với lỗi khi sản xuất không che chắn đảm bảo. Còn lại 3 công ty có sử dụng soda công nghiệp thì 1 công ty chưa có đủ giấy phép đủ điều kiện sản xuất, còn lại 2  công ty không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Việc sai phạm của 3 công ty dùng soda công nghiệp đã được phát hiện kịp thời và được ngăn chặn có hiệu quả. Vụ việc đã được xử lý nghiêm minh. Đây là lần đầu tiên sản phẩm soda bị phát hiện với mục đích bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm, nhưng chưa kịp bán đã bị phát hiện. Hành vi này chủ yếu là gian lận thương mại” – Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT nhìn nhận.

Ông Tiến tiết lộ, nếu sản xuất nước mắm thì phải làm chượp, ủ chượp một thời gian dài mới làm nguyên liệu sản xuất nước mắm được. Nhưng các cơ sở này đã dùng nước trong quá trình sản xuất bột ngọt, trong nước này có tỉ lệ đạm rất nhỏ, cho chảy qua bể chượp chủ yếu là bã, bổi tôm lấy mùi tanh. Do rất chua nên phải dùng soda công nghiệp để khử chua trung hòa vị, sau đó cho chất tạo màu và đun tách thủy phân, cô đặc đạt độ đạm 30-35 độ, từ đó bán cho các cơ sở chế biến nước mắm.

Theo ông Tiến, soda công nghiệp không phải chất cấm, không phải hàng cấm, được bán nhiều trên thị trường. Chất này chỉ cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm cho người, nếu chưa quá mức vi phạm thì chỉ bị phạt hành chính, nhưng nếu vượt ngưỡng sẽ bị xử lý hình sự.

Hóa chất tẩy rửa soda công nghiệp

Theo tìm hiểu Natri cacbonat thường được gọi là soda là một muối của Natri tồn tại ở dạng bột màu trắng, có tính kiềm, dễ tan trong nước và nóng chảy ở 851OC. Trong công nghiệp, Natri cacbonat được dùng để nấu thủy tinh, làm xà phòng, làm giấy, đồ gốm, phẩm nhuộm, keo dán, chất tẩy rửa vệ sinh.

Vấn đề nằm ở chỗ loại Natri cacbonat được dùng là loại nào và cách sử dụng như thế nào. Natri cacbonat được sử dụng trong thực phẩm khác với loại được sử dụng trong công nghiệp. Natri cacbonat hay bất kỳ chất phụ gia nào được phép sử dụng trong thực phẩm bắt buộc phải được tinh chế, loại bỏ các độc tố để tránh mọi hiện tượng gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Ngược lại, loại Natri cacbonat (Na2CO3) được sử dụng trong công nghiệp thì không cần phải tinh chế, vì vậy vẫn còn tồn dư các chất độc, điển hình như kim loại nặng, nên chắc chắn không thể đảm bảo an toàn để sử dụng trong chế biến thực phẩm, loại hóa chất vẫn được dùng làm chất tẩy rửa vệ sinh, để sản xuất nước mắm, vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu sử dụng sản phẩm có chứa Natri cacbonat công nghiệp?

Theo mô tả được đăng trên tạp chí khoa học chuyên về hóa học “Journal of Chemical Education”, natri cacbonat có độ độc hại tổng quát được xếp vào mức “1” – mức nhẹ. Tuy nhiên, trang thông tin này cũng cảnh báo về việc nếu tiếp xúc trực tiếp natri cacbonat có thể gây kích ứng da, đặc biệt gây bỏng mắt, mờ mắt và thậm chí là mất thị lực hoàn toàn.

Mô tả đặc tính của natri cacbonat được đăng trên tạp chí khoa học chuyên về hóa học “Journal of Chemical Education”.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc hít phải hơi natri cacbonat sẽ gây kích ứng mũi, họng, đường hô hấp, phổi, nghiêm trọng hơn là dẫn đến hen suyễn cấp tính hoặc mạn tính.

Trong trường hợp nuốt phải natri cacbonat, đặc biệt là với liều lượng cao hóa chất này có thể làm bỏng miệng, cổ họng, dạ dày dẫn đến các triệu chứng ban đầu như nôn mửa, tiêu chảy.

Đáng chú ý, việc tiếp xúc lâu dài với natri cacbonat có thể dẫn đến hiện tượng “loét soda” ở tay và thủng vách ngăn mũi.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều