+
Aa
-
like
comment

Hòa bình quý lắm, xin hãy trân trọng!

Thế Khoa - 03/09/2019 11:43

Nhiều người nghe tin Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam thì đều rất căm phẫn và muốn đánh lại gã phương Bắc thâm hiểm này… “lành làm gáo, vỡ làm môi”. Hay như một số nhà tri thức, nghệ sĩ hô hào rằng “chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, có sự ủng hộ của quốc tế, vậy sợ gì mà không đánh”. Nhưng có bao giờ mọi người bình tâm suy nghĩ hệ lụy sau đó? Bây giờ cứ đánh đi đã… sau chiến tranh chúng ta còn lại gì?

Ai hô hào gõ bàn phím đánh nhau với Trung Quốc thì xin hãy xem kỹ bức hình dưới đây đi!!! Còn đó nỗi đau cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố, gia đình ly tán… Đau thương mất mát có khi hàng chục năm sau chưa dứt và vết sẹo mãi vẫn không liền da.

Bà Hoàng Thị Tề, 93 tuổi, người mẹ có con hi sinh ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) cả đời chỉ có một ước mơ: được đến viếng mộ con.

Chiến tranh không phải trò đùa, nỗi đau đớn, sự mất mát do chiến tranh gây ra có lẽ không có ngôn ngữ nào lột tả hết được. Một đống tro tàn, nhà cửa đổ nát, đất nước tan hoang, xâu xé quyền lực. Rồi lại cảnh các thành phần ngoại bang nhảy vào với sự trợ giúp của “lũ diều hâu” chia cắt đất nước. Còn các nước lân bang sẽ lấn chiếm biên giới, khi suy yếu rồi thì lãnh hải hay vùng biển cũng sẽ bị các nước khác nhảy vào chia phần.

Hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, Việt Nam luôn thấu hiểu cái giá phải trả của chiến tranh cũng như những giá trị của hoà bình. Nền hòa bình mà chúng ta đang có được không phải tính bằng vàng, bằng USD mà phải đánh đổi bằng máu xương, nước mắt và hạnh phúc của bao thế hệ người Việt Nam nên linh thiêng và cao quý vô cùng.

Quân đội ta không phải là một đội quân mạnh nhất thế giới nhưng từng đánh bại những đội quân lớn nhất thế giới, trong đó có cả quân xâm lược bành trướng Trung Quốc. Lịch sử đã chứng minh, người Việt xưa nay không bao giờ có khái niệm “sợ Trung Quốc”, và như lời của cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “Từ lo sợ không có trong tư duy quân sự của Việt Nam”. Thế nhưng vì bất cứ lý do gì, đưa quốc gia vào một cuộc chiến là thất bại của người lãnh đạo. Một người lãnh đạo có tâm và tầm sẽ làm mọi cách để tránh chiến tranh, tránh đi cái đau thương mất mát của hàng triệu sinh mạng.

Binh pháp cũng có nói rằng “lấy nhu chế cương”, và khi còn có thể giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình, bằng luật pháp quốc tế thì Việt Nam vẫn ưu tiên để thực hiện. Dùng lý lẽ, bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền biển đảo của chúng ta để thuyết phục dư luận quốc tế; cho bạn bè thế giới thấy rằng Việt Nam đang bảo vệ tổ quốc bằng những biện pháp mềm dẻo, kiên quyết nhất. Không phải cứ dùng vũ lực mới là mạnh mẽ, mà tranh thủ sự ủng hộ của các dân tộc yêu chuộng hòa bình thế giới mới là thượng sách trong bối cảnh hiện nay! Đó mới là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo” như cha ông ta vẫn từng làm suốt chiều dài của lịch sử dựng và giữ nước!

Không phải vì Việt Nam là nước nhỏ sợ nước lớn mà như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói rằng “Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng về hòa bình”; “khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”. Việt Nam đã kinh qua bao khó khăn, đau khổ của các cuộc chiến tranh chống xâm lược, chịu đựng biết bao mất mát, hi sinh, nên chắc chắn một điều rằng không ai yêu hòa bình bằng người dân Việt Nam, không ai hiểu một cách sâu sắc tổn hại, đau khổ của chiến tranh bằng người dân Việt Nam.

Vậy nên, hòa bình quý lắm, xin hãy trân trọng!

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều