+
Aa
-
like
comment

Hòa bình ở biển Đông bị thách thức

07/11/2019 08:04

Hòa bình và ổn định ở biển Đông đang bị thách thức bởi các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có vùng biển của Việt Nam

Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” đang diễn ra tại TP Hà Nội trong 2 ngày 6 và 7-11. Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông (FESS) tổ chức, với sự tham dự của trên 300 diễn giả, đại biểu, nhà nghiên cứu đến từ hơn 20 quốc gia và đại diện hơn 30 cơ quan ngoại giao tại Hà Nội.

Tiền lệ nguy hiểm

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng khẳng định trong 10 năm qua, tình hình biển Đông tiếp tục xuất hiện các diễn biến phức tạp theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Mặc dù xu thế đối thoại và hợp tác tiếp tục phát triển song xu hướng quân sự hóa, đối đầu, gia tăng căng thẳng vẫn đang tiếp tục. Việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp có xu hướng gia tăng, tính hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế tiếp tục bị đe dọa bởi việc tự ý diễn giải và áp dụng luật pháp có lợi cho mình, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Vũ Tùng, điểm đáng chú ý là các vấn đề của biển Đông không chỉ bó hẹp trong khu vực Đông Nam Á, mà ngày càng có nhiều vấn đề chung giữa biển Đông với các vùng biển khác trên thế giới, kết nối rất cao giữa biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, vịnh Hormuz, Nam Thái Bình Dương… Do đó, việc bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ trật tự hợp tác luật pháp và an ninh biển cho các quốc gia và cộng đồng dân cư ven biển đang là các vấn đề chung, đòi hỏi các giải pháp chung, nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng cần thẳng thắn nhìn thấy và không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên gần đây đối với hòa bình và ổn định ở biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam. “Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu.

Hòa bình ở biển Đông bị thách thức - Ảnh 1.
Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực” diễn ra tại TP Hà Nội

Yêu sách không có cơ sở

Trong khuôn khổ hội thảo, chiều 6-11, các đại biểu đã cùng tham dự phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm (1994-2019) Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực.

Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak, Thẩm phán Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), cho biết UNCLOS 1982 có những nội dung quy định rõ ràng đối với các quốc gia ven biển về chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán với các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển…

Đề cập cơ chế giải quyết tranh chấp, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết Tòa án Luật Biển quốc tế được thành lập bởi UNCLOS 1982 và có quá trình hoạt động tốt. Tòa có quyền tài phán dựa trên các quyền rất cụ thể được quy định trong UNCLOS 1982. Trong vòng 23 năm qua, đã có 28 vụ kiện được đưa lên tòa với nội dung rất đa dạng, từ hoạt động thủy thủ đoàn liên quan đến phân định biên giới biển, nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia…

Đưa ra ví dụ cụ thể là việc Trung Quốc nêu lên vấn đề quyền lịch sử của mình tại biển Đông, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết: Sau khi xem xét, đánh giá, tòa kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982.

Tòa cũng nêu rõ mặc dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc cũng như các nước khác, về mặt lịch sử, sử dụng các thực thể ở biển Đông nhưng không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát đối với vùng biển hay tài nguyên hoặc ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên tại vùng biển này. Yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại quy định của UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak khẳng định Tòa án Luật Biển quốc tế đã góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình, công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế. Các chuyên gia, học giả đã thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan tới việc áp dụng UNCLOS 1982 vào các vụ kiện cụ thể cũng như các giải pháp để các quốc gia ven biển tuân thủ Công ước này.

Không chỉ có khác biệt mà còn là hợp tác

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh: “Khi nói đến vấn đề biển Đông, không chỉ nói đến khác biệt, tranh chấp, những diễn biến phức tạp mà còn nói đến hợp tác, trên cả khuôn khổ song phương và đa phương. Riêng ASEAN đã có trên 12 cơ chế có liên quan đến hợp tác biển. Mặc dù lợi ích rất đa dạng, cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng lòng tin và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực”.

Dương Ngọc/ NLĐ

Bài mới
Đọc nhiều