+
Aa
-
like
comment

Bưng bít thông tin, Viwasupco sẽ bị xử lý thế nào?

17/10/2019 16:16

15h30 chiều nay (17.10), UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức họp báo thông tin về sự việc nước lẫn dầu thải xảy ra ở đầu nguồn nước sông Đà hôm 8.10 khiến hàng loạt hộ dân Hà Nội trong tình cảnh lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. 

Ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì họp báo.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì họp báo.

Chủ trì họp báo là ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Hoà Bình, tham dự họp báo gồm nhiều cơ quan thông tấn báo chí và đại diện các sở, ban ngành tỉnh Hoà Bình.

Diễn biến họp báo:

-17h00: Viwasupco bưng bít thông tin, xử lý thế nào?

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm của công ty trong việc bưng bít thông tin, vô trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đức, PGĐ công an tỉnh Hòa Bình cho biết đơn vị chủ trương sai đến đâu xử lý đến đó.

“Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi sẽ căn cứ vào thông tin thu thập được và truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định”, ông Đức thông tin.

-16h50: Sẽ lắp đường ống kín từ sông Đà về nhà máy

Đại diện chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TNMT Hòa Bình cho biết thời gian qua UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều phương án bảo vệ, đã thực hiện cắm mốc quanh hồ. Trước mắt sẽ xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm. Về lâu dài, tỉnh sẽ quản lý, kiểm soát nước hồ bằng cách lắp đường ống kín từ sông Đà về nhà máy.

Trả lời câu hỏi về sự chậm trễ trong việc lấy mẫu nước, đại diện Chi cục BVMT cho biết nếu lấy mẫu sớm hơn, việc phát hiện sẽ sớm hơn, việc kiểm soát chất lượng nước nếu không đáp ứng yêu cầu thì phải dừng ngay việc xử lý nước của nhà máy.

“Chúng tôi phải điều tra xác minh về nguồn thải rồi mới thực hiện các bước tiếp theo được”, lãnh đạo Chi cục BVMT cho biết.

– 16h45: “Sự cố này là bài học”

Ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ cho biết Hoà Bình chưa từng gặp sự cố tương tự. “Chúng tôi đã từng bước khắc phục, sự cố này là bài học và kinh nghiệm sâu sắc cho tỉnh và các sở, ban ngành trong việc khắc phục sự cố. Lãnh đạo UBND Kỳ Sơn đã chỉ đạo kịp thời, trong đó có sự tham gia tích cực của bà con nhân dân các xã lân cận, bước đầu đưa lại kết quả kịp thời”.

– 16h40: Chưa cung cấp thêm thông tin về thủ phạm

PGĐ Công an tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đức cho biết hiện đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin nhận dạng, phượng tiện đối tượng gây ra vụ việc.

– 16h35:  Viwasupco chưa biết bao giờ nước đảm bảo cho việc ăn uống

PGĐ công ty Viwasupco cho biết việc kiểm tra chất lượng nước đầu vào được xét qua 3 chỉ tiêu A, B, C. Tuy nhiên, việc xét nghiệm với chỉ tiêu B,C mất nhiều thời gian nên công ty mới có kết quả xét nghiệm chỉ tiêu A trong nước ngay sau khi xảy ra sự việc. Nước khi được xử lý ở nhà máy vẫn đảm bảo chất lượng nên công ty vẫn quyết định cung cấp cho người dân sử dụng.

Thông tin về chất lượng nước đang cấp ra cho người dân Hà Nội hiện nay, Phó giám đốc công ty Viwasupco cho biết công ty khuyến cáo người dân dựa trên khuyến cáo của UBND TP Hà Nội. Hiện, công ty vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm gần nhất của Sở Y tế Hà Nội nên chưa dám khẳng định là chất lượng nước hiện trường đã đảm bảo cho việc ăn uống.

Do đó, sáng 17/10, sau khi có quyết định cấp lại nước cho người dân thủ đô, công ty vẫn đưa ra khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nước để tắm rửa, không nên dùng để ăn uống. Lãnh đạo công ty chưa thể đưa ra mốc thời gian cụ thể để người dân có thể yên tâm sử dụng nước cho mọi sinh hoạt hàng ngày.

– 16h18: “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất”

Ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà. Ảnh: Tô Thế.
Ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà. Ảnh: Tô Thế.

Khi được hỏi về vấn đề có bồi thường thiệt hại cho người dân hay không, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà cho hay: “Đối với vấn đề thiệt hại, chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất, mong cơ quan điều tra sớm tìm ra thủ phạm”.

Khi PV tiếp tục hỏi: “Hàng triệu người dân Hà Nội không thiệt hại bằng nhà máy và chưa hề thấy đơn vị có một lời xin lỗi nào đối với người dân”, thì ông Khoa cho rằng, những vấn đề này, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội đã trả lời và không nêu lại.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình. Ảnh: Tô Thế - 
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình. Ảnh: Tô Thế –

16h: Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hoà Bình thông tin: Sau khi nhận được thông tin, sáng 14.10, báo cáo Tổng Cục Môi trường và xuống thực địa kiểm tra. Làm việc với Công ty nước sạch Sông Đà làm rõ các thông tin báo chí nêu. Báo cáo ban đầu chưa thể chính xác, sau đó khi đi thực địa thì đã có thông tin chuẩn xác hơn. Thời điểm hiện tại, sau khi kiểm tra chất lượng nước đảm bảo thì nhà máy mới cung cấp cho khách hàng. Ngày 14 và 16.10, Sở Tài nguyên – Môi trường đã lấy mẫu dầu thải để đánh giá mức độ ô nhiễm. Tuy vậy hiện tại chưa biết đây là loại dầu thải gì. Một vài ngày nữa chúng tôi mới có số liệu chính xác.

Ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hoà Bình. Ảnh: Tô Thế 
Ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hoà Bình. Ảnh: Tô Thế

– 15h37: Ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hoà Bình cho biết, hiện tại nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cụ thể là nhà máy nước sạch, nhà máy nước sạch công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà và một số nhà máy xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc đổ trộm dầu thải tại xã Phúc Tiến chỉ gây ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài (đây là sự cố do con người gây ra), chưa gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

Sau khi nhận được thông tin, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo kịp thời các ngành địa phương kiểm tra, xác minh vụ việc. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chứ năng, sở, ngành tỉnh và địa phương khẩn trương kiểm tra trực tiếp hiện trường, xác minh vụ việc. Hiện công an tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải.

Ngay sau khi phát hiện váng dầu tại kênh dẫn nước hồ Đầm Bài (ngày 9.10.2019), Công ty đã khảo sát, xác định nguồn phát sinh váng dầu trên kênh dẫn nước hồ Đầm Bài; có biện pháp ngăn chặn, thu gom dầu thải để hạn chế phát tán ra môi trường; báo cáo Công an xã Phúc Tiến, Công an tỉnh Hoà Bình (thông báo qua điện thoại).

Việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại. Việc để tạm thời cát, đất, đá, nhựa đường lẫn dầu thải trong khuôn viên nhà máy là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại. Công ty đã thực hiện nạo vét bùn tại khu vực tiếp nhận dầu thải về phía hạ lưu khoảng 300m trên suối Trầm. Qua khảo sát, khu vực 300m suối Trầm nêu trên cho thấy nước mặt suối Trầm, là nơi tiếp nhận dầu thải tại một vài vị trí vẫn còn váng dầu thải, có mùi khét; cỏ nhiễm dầu đã được thu gom gần triệt để. Một số vị trí trên suối Trầm có vết dầu loang trên mặt nước, hai bên bờ suối. Khu vực suối Bằng gần cầu Vật Lại có than hoạt tính; điểm tiếp nhận nước suối Bằng vào hồ Đầm Bài quan sát thấy nước trong, không có váng dầu; không mùi khét; kênh dẫn nước hồ Đầm Bài nước trong.

-15h20: Theo báo cáo số 318/BC-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình về kết quả kiểm tra, làm rõ vụ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16.10 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc.

– 15h15: Đại diện một số sở ngành tỉnh Hòa Bình có mặt

Hoa-Binh-2 15h10:Nhiều cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương có mặt tại phòng họp báo.

Dấu hiệu đổ trộm nhớt thải

Theo ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả kiểm tra của đoàn công tác đã xác định, tại khu vực đầu nguồn bãi khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm, chất thải dầu đã chảy ra suối, chảy vào hồ Đầm Bài, hồ chứa nước để cấp nước cho nhà máy.

Một số căn hộ của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà có phát hiện việc này từ sáng 8.10.2019 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hoà Bình cũng như của thành phố.

Trong ngày 17.10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình cho biết, ngày 9.10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Sở TN&MT Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình sau đó đã kiểm tra hiện trường.

Thời điểm phát hiện sự việc, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà – đơn vị vận hành nhà máy nước sạch Sông Đà đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Khi kiểm tra ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.

Công ty nước sạch sông Đà rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu; khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu.

Theo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.

Tô Thế

Bài mới
Đọc nhiều