+
Aa
-
like
comment

‘Hố tử thần’ tiền ảo Busstrade đã kéo người chơi xuống địa ngục thế nào?

13/05/2021 07:24

Anh Sơn, ngụ quận 6, gửi tổng cộng 4,5 tỷ đồng vào tài khoản Big Leader – trưởng nhóm chát, để đổi lấy tiền ảo đầu tư trên sàn Busstrade.

Anh Sơn là một trong hơn 1.500 người đã điền tên vào danh sách “nạn nhân của sàn giao dịch tài chính Busstrade.com” với tổng số tiền trình báo mất là 540 tỷ đồng, tính đến chiều 12/5.

Trong đó, hơn 600 người ở Sài Gòn và Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đã gửi đơn trình báo đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM. Tại phía Bắc có khoảng 300 đơn gửi đến cơ quan điều tra, trong đó riêng người ở Yên Bái ghi số tiền bị mất là 12,5 tỷ đồng.

Busstrade quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, cung cấp 4 gói đầu tư với cam kết lợi nhuận 30% một tháng. Người tham gia không phải làm gì và được hứa bảo hiểm 100% vốn – tương tự Coolcat. Từ ngày 7/5, sàn này không thể truy cập khiến anh Sơn và mọi người “không biết tiền của mình giờ ở đâu”.

Có 4 người thuộc cấp cao nhất tại Busstrade. Trong đó, một người nhận là Trader, tự xưng là “thầy”, hằng ngày chỉ giao dịch để các tài khoản thành viên copy theo. Ba người còn lại phụ trách quảng bá, mở rộng mạng lưới và là đầu mối nhận nộp tiền. Dưới 4 người này có đội Elite Team, dao động 20-40 Big Leader (đại trưởng nhóm). Các Big Leader quản lý nhánh do mình gây dựng, hỗ trợ giao dịch nạp rút tiền, có kênh chat riêng. Có nhánh tới 1.000 thành viên.

Nhà đầu tư soạn đơn gửi Phòng Cảnh sát Hình sự. Ảnh: Việt Anh.
Người tham gia Busstrade soạn đơn trình báo Công an TP HCM. Ảnh: Việt Anh.

“Tôi tham gia Busstrade vì thấy sàn tự động copy lệnh giao dịch của chuyên gia (Trader). Hàng ngày chuyên gia đánh gì, tài khoản của tôi sẽ tự động làm theo, bảo đảm tỷ lệ thắng cao, tôi không phải suy nghĩ gì”, anh Sơn cho biết.

Mỗi lần tăng vốn, Sơn chỉ việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Big Leader. Sau vài phút, tiền của anh sẽ quy đổi thành đồng USDT (loại tiền mã hóa dùng trong Busstrade) theo tỷ giá bán ra 24.500 VNĐ/1 USDT. Lợi nhuận được sàn trả bằng USDT.

Khi muốn rút lãi hoặc vốn, Sơn có thể bán lại cho Big Leader hoặc người chơi khác (tỷ giá mua vào 23.000 VNĐ/1 USDT) để đổi lấy tiền Việt Nam. Big Leader liên tục kêu gọi thành viên trong nhánh mình phụ trách tăng vốn để nhận phần thưởng, chiết khấu tỷ giá tốt. Do vậy anh và những người trong nhóm thường không rút lãi mà dồn lại để đầu tư tiếp. Lần cuối Sơn tăng vốn là ngày 21/4.

Theo quy định của Busstrade, trong 2 ngày chủ nhật và thứ hai, người chơi phải nộp phí bảo hiểm tương đương 2% gói đầu tư (8% một tháng). Số tiền này được trả bằng USDT vào một tài khoản nội bộ trên Busstrade. Anh Sơn cũng như người chơi khác không biết tài khoản này đã tích lũy được bao nhiêu tiền, ai trong số 4 người cấp cao nắm giữ.

Có vài lần anh thử rút USDT từ Busstrade sang sàn quốc tế để kiểm tra tính minh bạch, nhưng phải báo tin và chờ người cấp cao xử lý, bị thu phí 10% giao dịch. Hôm 23/4, sàn thông báo đóng để bảo trì, nâng cấp lên phiên bản 3 với nhiều tính năng mới. Anh Sơn thấy nút bấm chuyển USDT sang sàn quốc tế bị ẩn đi nên đã thắc mắc, người cấp cao trấn an “sàn không sập đâu”.

Đến ngày 5/5, sàn mở lại nhưng yêu cầu chuyển đổi tiền USDT trong tài khoản sang một loại tiền số mang tên Btoken. Cách thức quy đổi là 10 USDT “ăn” 1 Btoken, phí đổi 10%. Ví dụ, người chơi có 1.000 USDT sẽ đổi được 90 Btoken (sau khi quy đổi và trừ phí). Số Btoken này có thể đem giao dịch trên sàn tiền số mang tên Coinsbit.io với giá 0,014 USD/1 Btoken.

Đến ngày 7/5, tất cả web, app và các nhóm chat của Busstrade đều không truy cập. Đội ngũ điều hành sàn không thể liên lạc.

Trình báo mất tổng cộng 10,6 tỷ đồng, anh Nam (ngụ quận 10) cho biết đã chủ động mua tiền USDT trên các sàn quốc tế rồi gửi vào Busstrade theo “số ví” được cung cấp rồi nhấn lệnh gửi đi. Sau đó, anh nhắn tin với một trong 4 người thường xuất hiện với vai trò cấp cao nhất ở Busstrade. Trong vòng một tiếng, người này sẽ thao tác để tài khoản sàn hiển thị đúng số tiền anh đã nộp.

Do vậy, anh Nam không thuộc nhánh Big Leader nào và không có sao kê ngân hàng nộp tiền vào Busstrade – căn cứ gửi cùng đơn trình báo, như yêu cầu của công an.

Hình chụp mỗi lần chuyển vốn cho Big Leader. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hình chụp nhà đầu tư chuyển vốn qua Big Leader. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong đơn gửi công an, các nhà đầu tư cho biết, khi sàn không thể truy cập, nhiều Big Leader đã cắt liên lạc, xóa kênh chat hỗ trợ của nhóm. Số ít vẫn online nhưng khẳng định “không giữ tiền của ai”.

Trả lời VnExpress, một Big Leader giải thích: “Nhận xong tiền thành viên là tôi chuyển cho cấp cao. Các tài khoản thành viên đều đã hiển thị số tiền họ nộp vào. Tôi cũng là nạn nhân”.

Một Big Leader khác thừa nhận là đầu mối mua bán USDT cho những thành viên trong nhánh của mình, song cho rằng: “Khi mua bán thì họ chủ động nhờ tôi. Tôi bảo liên hệ cấp cao đi nhưng họ vẫn muốn giao dịch với tôi, giờ họ đi tố cáo”.

Người này phủ nhận trách nhiệm với thành viên trong nhánh mình phụ trách, bởi nhà đầu tư “phải hiểu lợi nhuận cao đi kèm rủi ro chứ không thể đổ cho người hướng dẫn hoặc Big Leader”, đồng thời khẳng định sẵn sàng có mặt đối chất nếu cơ quan điều tra yêu cầu.

Trong khi đó, Facebook của người được cho là Trader đăng nội dung mình chỉ làm nhiệm vụ tạo lệnh giao dịch để hệ thống đi theo, còn mọi hoạt động nhận tiền do 3 người kia thực hiện. “Em vẫn ở đây và không trốn đâu cả. Giờ cùng nhau đợi cơ quan chức năng gọi em đến trình diện thôi ạ”, người này viết.

Giao diện tài khoản Busstrade với 156.412 USDT của một nhà đầu tư. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Giao diện tài khoản Busstrade với 156.412 USDT của một nhà đầu tư. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một chuyên gia về blockchain và tiền mã hóa cho biết, thực chất Busstrade không thể kết nối chuyển nhận USDT qua các sàn quốc tế vì nó là sàn đóng kín. Các con số USDT trên sàn không có giá trị vì được cố ý lập trình cho nhà đầu tư xem. Khi nhà đầu tư làm lệnh chuyển vào hoặc rút ra sàn khác, đội ngũ đứng sau sẽ thao tác nhập số thủ công.

“Việc Busstrade khuyến khích mọi thành viên giao dịch nội bộ (đóng phí bảo hiểm, mua bán qua nhau) bằng USDT là nhằm che giấu hành vi phạm tội thông qua tiền mã hóa và ép các nhà đầu tư phải theo tỷ giá cố định do sàn đưa ra”, người này nhận định.

Theo cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM, người tham gia Busstrade không nộp tiền Việt Nam trực tiếp đến một đầu mối mà chuyển qua các Big Leader, hoặc tự mua bán ngang hàng, tự chuyển qua sàn quốc tế nên công tác thu thập chứng cứ sẽ phức tạp, cần nhiều thời gian.

Ông khuyên những nạn nhân nên tiếp tục làm đơn tố cáo, có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua chuyển phát nhanh. Ngoài đơn, cần in sao kê ngân hàng những lần chuyển tiền cho Busstrade. Còn những người từng tham gia điều hành sàn này nên ra trình diện và hợp tác với cơ quan điều tra.

* Tên người tham gia Busstrade đã thay đổi.

Việt Anh

Bài mới
Đọc nhiều