+
Aa
-
like
comment

‘Hỗ trợ người lao động gặp khó do dịch phải kịp thời, không phát sinh thủ tục’

09/07/2021 20:52

‘Việc triển khai hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải nhanh chóng, kịp thời, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính’, phó tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ đạo.

Hỗ trợ người lao động gặp khó do dịch phải kịp thời, không phát sinh thủ tục - Ảnh 1.
Quang cảnh buổi họp – Ảnh: BHXH Việt Nam

Ông Trần Đình Liệu phát biểu như trên tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam trên toàn quốc.

Ông Trần Đình Liệu cho biết, 4 đợt dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khối du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn.

Ngày 1-7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đến ngày 7-7, Thủ tướng Chính phủ có quyết định quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người vao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong đó, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, gồm giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngành cũng xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác liên quan đến 2 đối tượng trên.

Để thực hiện tốt nghị quyết và quyết định trên của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ông Liệu cho hay, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện các quy trình sau:

1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Xác nhận danh sách người lao động tham gia đào tạo.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

4. Xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách người lao động ngừng việc; danh sách lao động.

5. Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo ông Liệu, để thực hiện các quy trình này, các đơn vị có thể nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, cổng dịch vụ công của bảo hiểm xã hội Việt Nam, cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy (trường hợp chưa giao dịch điện tử).

“Việc triển khai hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không được phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và công văn hướng dẫn của ngành. Phải chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại đề nghị bổ sung”, phó tổng giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo.

PHẠM TUẤN

Bài mới
Đọc nhiều