+
Aa
-
like
comment

Hỗ trợ Covid-19 tại H.Bình Chánh: “Có trường hợp người dân chửi mắng cán bộ”

10/11/2021 10:50

Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Chánh (TP.HCM), có những trường hợp người dân chửi mắng cả cán bộ.

Chiều 9.11, đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM làm Phó trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 tại UBND H.Bình Chánh.

H.Bình Chánh báo cáo đã giải quyết 100% phản ánh người dân

UBND H.Bình Chánh đã báo cáo về tình hình chi các gói hỗ trợ Covid-19, đồng thời về việc theo dõi tình hình thắc mắc, khiếu nại của người dân trên địa bàn.

Theo đó, địa phương thống kê, nhận được hơn 52.000 tin phản ánh, thắc mắc. Trong đó đợt 1 nhận hơn 10.000 tin, đợt 2 nhận hơn 28.700 tin và đợt 3 nhận hơn 13.400 tin.

UBND H.Bình Chánh báo cáo đã chỉ đạo các UBND xã, thị trấn giải quyết 100% các thắc mắc này, trả lời đến người dân trên địa bàn, qua giải thích người dân đồng thuận.

Tuy nhiên, đại diện Sở TT-TT cho hay tỷ lệ phản ánh qua Tổng đài 1022 của H.Bình Chánh nằm top 5 của TP.HCM với số lượng tin phản ánh là 70.696 tin, trong đó yêu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm là 8.298 phản ánh; 33 phản ánh về các trường hợp lang thang, cỡ nhỡ; 62.365 phản ánh về chính sách hỗ trợ Covid-19.

Buổi kiểm tra các gói hỗ trợ Covid-19 tại UBND H.Bình Chánh

Theo đại diện Sở TT-TT, qua kiểm tra ngẫu nhiên phản ánh thuộc 16 xã, thị trấn của huyện, có những phản ánh lần thứ 7. Trong các phản ánh ngẫu nhiên này, đa số trường hợp là đúng đối tượng nhưng đang chờ kinh phí để chi trả. H.Bình Chánh đều tập hợp các phản ánh, tham gia xử lý phản ánh tích cực, trong đó thị trấn Tân Túc, xã Bình Lợi, xã Qui Đức có tỷ lệ trả lời người dân khá sát.

Thế nhưng, các xã còn lại tại H.Bình Chánh còn trả lời người dân theo dạng “copy – paste”, tức trả lời theo một mẫu nhất định, không sát thực tế, ví dụ phản ánh lần thứ 7 nhưng địa phương trả lời như lần thứ nhất.

Chính điều này dẫn đến việc phản ánh nhiều lần vì họ không hài lòng với cách trả lời và không biết quá trình xử lý của địa phương như thế nào.

“Cần lưu ý sát đúng với thực tế, thông tin phản ánh ở Cổng 1022 là rõ ràng có họ tên, số điện thoại, yêu cầu hỗ trợ…”, đại diện Sở TT-TT lưu ý.

Có trường hợp người dân chửi mắng cán bộ

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Chánh cho biết, địa phương có đi xuống thực tế nhiều trường hợp tại xã, thị trấn để xem phản ánh đó như thế nào. Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin phản ánh sai sự thật.

“Có những trường hợp mình đã chăm lo 3 – 4 lượt rồi nhưng vẫn kêu là chưa nhận được lần nào. Hoặc, có nhà, cha lấy số điện thoại phản ánh xong thì con lấy phản ánh tiếp… Đến nhà kiểm tra thì chỉ có một hộ. Họ phản ánh lên tất cả các kênh của TP.HCM như chương trình livestream “Dân hỏi -Thành phố trả lời”, Tổng đài 1022, các đường dây nóng… làm rối công tác chuẩn bị của địa phương; chưa kể có trường hợp phản ánh giùm. Từ các kênh thông tin phản ánh đổ về, lực lượng cơ sở chịu áp lực cực lớn, nhiều khi làm không nổi”, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Chánh nói.

Trong báo cáo về các gói hỗ trợ Covid-19, một số xã tại H.Bình Chánh theo phát cuốn chiếu, tức tuần tự theo các tổ, chính điều này vô tình làm đối tượng được hưởng ở ấp khác vốn đang bị áp lực cuộc sống quá lớn khi giãn cách xã hội so bì, từ đó, người dân đi khiếu nại, phản ánh.

“Chúng tôi là những người đi xử lý thông tin, cố gắng động viên, trao đổi, giải thích về cơ chế chính sách cho người dân nhưng tâm lý so bì của dân rất lớn, có trường hợp người dân chửi mắng cả cán bộ. Có khi tôi đi giám sát thực tế về ăn cơm không nổi”, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Chánh nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Lũy, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh đã chia sẻ về những khó khăn tại địa phương, trong đó áp lực của cơ sở là rất lớn khi vừa chống dịch, vừa phải lo an sinh xã hội, nhiều cán bộ lại là F0, thời gian qua, hầu hết các phường phải vận động cán bộ, người lao động làm ngoài giờ và cả thứ bảy, chủ nhật.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, H.Bình Chánh là địa phương có “diện tích rộng, dân số đông, tính chất ngành nghề khá đặc trưng”.

Qua báo cáo, chất vấn tại buổi kiểm tra, ông Lâm nhận thấy địa phương có tập trung công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời cho người dân hiểu về các quy định phòng chống dịch và chính sách an sinh xã hội, chủ động rà soát, ngăn chặn trục lợi, thực hiện nghiêm túc các quy định của UBND TP.HCM…

“Song song đó, địa phương có tổ chức 5 đoàn kiểm tra của huyện ủy, UBND, MTTQ huyện… để giám sát mức độ chi trả công khai gói hỗ trợ. Địa phương cần phải tiếp tục rà soát, tự hoàn thiện hồ sơ, bám chắc Công văn 3181/2021 của UBND TP.HCM và Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM, dựa vào tổ nhân dân của khu phố, ấp, MTTQ, đoàn thể… để xác định tiêu chí “người có hoàn cảnh thật sự khó khăn”, ông Lâm nói.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH cũng lưu ý: “Nếu làm đúng thì người dân có thắc mắc, khiếu nại cỡ nào thì cũng có cơ sở giải đáp cho dân. Thông tin phản ánh hơn 70.000 tin, như vậy, khi nhận thông tin từ TP.HCM chuyển về, huyện cần lọc thông tin rồi chuyển xuống 16 xã, thị trấn để tiếp tục lọc và đi xuống xử lý từng tin một. Tôi cho rằng việc xử lý từng tin một không khó, vì có cơ sở xử lý. Có những thư, điện thoại không nói tên nhưng khi xác minh đúng, mình sửa liền nhưng không biết tên làm sao công khai lại, nhưng chắc chắn người phản ánh với mình sẽ quan sát chính quyền làm đúng không. Còn những tin không đúng sự thật, chúng ta lọc ra và phản hồi lại. Tóm lại, việc xử lý có chúng ta có làm, có thực hiện, có giải đáp nhưng phản hồi kết quả xử lý chưa rõ nét, nên có người dân nói 6, 7 lần”.

Tại buổi kiểm tra, bà Trần Hải Yến, Phó trưởng ban Ban văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM đánh giá việc chi hỗ trợ tại địa phương khá tốt, đồng thời, yêu cầu địa phương phân tích thêm những kinh nghiệm, hướng khắc phục khi việc chi có thiếu sót.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều