+
Aa
-
like
comment

Hô hào đòi thu hồi tài sản hay chẳng qua chỉ là “căn bệnh” đố kỵ với người khác?

An Diễm - 17/11/2021 20:46

Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của mỗi người dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Đối với những tài sản mà chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc nhưng cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì việc xử lý là một vấn đề hết sức nan giải. Vì vậy đã 3 kỳ họp mà Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vẫn chưa thể nhất trí được cách xử lý. Thế nhưng, lại có những đối tượng mượn cớ là chống tham nhũng để hô hào đòi tịch thu.

Trong bài viết mới, Đỗ Duy Ngọc dẫn ra kết quả bỏ phiếu tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018 về vấn để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Qua tổng hợp, có 209/456 ý kiến, chiếm 45,93% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số ĐBQH), tán thành phương án giải quyết tại tòa án. Phương án đánh thuế thu nhập còn nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ 156/456 ý kiến (chiếm 32,16% tổng số ĐBQH) tán thành. Ngoài ra, 40/456 ĐB (chiếm 8,24% tổng số ĐBQH) đề nghị giữ như quy định của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, 1 ý kiến đề nghị tịch thu; 1 ý kiến đề nghị chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra để xử lý cùng một số ý kiến khác, và có 31 vị ĐBQH (chiếm 6,39% tổng số ĐBQH) không thể hiện chính kiến của mình. Ông Ngọc dẫn ra thống kê này rồi khăng khăng cho rằng chỉ có duy nhất vị đại biểu đề nghị tịch thu tài sản là đúng, còn những vị khác theo ông là nương tay cho tham nhũng. Điều này đã thể hiện suy nghĩ hết sức cảm tính của ông.

Cần nói rõ, công dân có quyền sở hữu tài sản được quy định theo Điều 158 Bộ luật dân sự 2015, trong đó “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.” Khi cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì quyền sở hữu của cá nhân đó đương nhiên phải được tôn trọng. Pháp luật có chức năng xử lý các sai phạm nhưng pháp luật cũng bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, khi họ không bị chứng minh là vi phạm thì toàn bộ tài sản sở hữu của họ sẽ không bị xử lý. Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định hết sức chặt chẽ khi muốn xử lý tài sản của một cá nhân như sau: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.”

Nguyên tắc của pháp luật luôn luôn là “công bằng” và “công dân được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm”. Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ, kinh tế đi lên giúp cho tài sản người dân gia tăng nhanh chóng. Đã có nhiều người Việt Nam đứng trong top 1000, thậm chí là 500 người giàu nhất thế giới, và con số người sở hữu tài sản trăm tỷ ở Việt Nam chắc chắn là không thiếu. Trong quá trình giao thương, làm ăn buôn bán hay được cho tặng, nhiều người không có đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc tài sản cũng không phải là chuyện lạ. Điều đó vẫn đang được pháp luật bảo vệ, nếu họ không làm gì sai, vi phạm pháp luật hay gây hại cho xã hội. Nếu như chỉ vì “ghét” hay muốn nhắm vào một ai đó như ý của ông Ngọc thì ngay lập tức sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Luật pháp bất vị thân, nhưng luật pháp phải công bằng. Vì thế Quốc hội chưa thể nhất trí được vấn đề này cũng là điều dễ hiểu.

Trong một xã hội văn minh, mọi công dân cần hành xử theo Hiến pháp và pháp luật, đó là chuẩn mực chung của toàn xã hội. Không thể có chuyện chỉ vì thiên kiến, thù ghét cá nhân ai đó hoặc một tổ chức nào đó mà có thể đòi đơn phương đưa ra những hình thức xử phạt bất hợp lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người, đến tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật, và xa hơn hết là đến sự ổn định, tin tưởng của toàn xã hội. Nói gần nói xa thì chẳng qua nói thật, cái “bệnh” của ông Ngọc là bệnh ghét quan chức, ghét người giàu. Khi người ta khăng khăng “đòi” Quốc hội phải ra luật để tịch thu tài sản, thì hẳn nhiên là họ phải yên tâm vì mình sẽ không có trong số đó, và thứ nữa là luật này sẽ “xử lý” những người mà họ ghét.

Thâm ý của ông Ngọc không chỉ có vậy, qua việc dẫn lại tin và lồng ghép các nhận định cá nhân, ông muốn làm giảm uy tín của các cơ quan công quyền về vấn đề chống tham nhũng, gây mất lòng tin trong xã hội. Cái “lý lẽ” kiểu ngấm ngầm này thật ra là một thủ đoạn tinh vi và nham hiểm, nó khoác lên mình một vẻ ngoài có vẻ chỉ là một vấn đề đơn giản, nhưng ẩn sâu bên trong là bộc lộ tâm lý bất mãn, chống đối, và lâu dần sẽ thành kích động đấu tranh.

An Diễm 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều