+
Aa
-
like
comment

Họ đã sống và sáng tạo trong 'tâm bão' đại dịch

05/09/2021 08:01

“Một bài thơ, đoạn văn hay có thể là liều “vắc – xin” cho những tâm hồn đang ít nhiều bị chấn động thời dịch” – Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đã viết như vậy.

Nhiều nghệ sĩ tham gia bếp ăn của Hội nghệ sĩ sân khấu hỗ trợ tuyến đầu mỗi ngày

Văn chương phải giành chiến thắng

TPHCM, thành phố của âm nhạc, điện ảnh, văn chương đã và đang trải qua những tháng ngày gian truân chống đại dịch thế kỷ COVID-19 theo một trải nghiệm chưa từng có.

Bài thơ “Trong chuỗi ngày Sài Gòn” của Lữ Mai, đăng trên trang thơ của Hội Nhà văn TPHCM đã nhanh chóng thu hút gần 6.000 lượt người xem, có những câu:

áo blouse đẫm ướt/sữa, mồ hôi và nước mắt/cô y tá ôm em bé vào lòng/xót con thơ ở nhà ngóng mẹ.

Chủng vi – rút mới lây lan rất nhanh dù chính quyền và người dân đã tổ chức thực hiện giãn cách xã hội 100 ngày qua và tiếp tục tăng mức độ giãn cách. Số lượng người mắc COVID-19 gia tăng từng ngày. Y tế phường thông báo đến cư dân: “Những ca F0 nhẹ, mọi người hãy tự điều trị ở nhà để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến”.

Họ đã sống và sáng tạo trong 'tâm bão' đại dịch ảnh 1
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn trước 10.000 F0 trong bệnh viện dã chiến. Ảnh: Zing

Những ngày giữa tháng 8/2021, mặc dù mỗi ngày có vài ngàn người khỏi bệnh và trở về nhà trong niềm hạnh phúc vỡ òa thì nốt lặng trầm vẫn có vài trăm người không may bị tử vong. Âm thanh từ tiếng còi xe cứu thương như muối xát vào lòng người, với âu lo và cả những lời cầu mong sự bình an sẽ tới.

Một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất dành cho người dân TPHCM, cùng rất nhiều tình cảm, sự chia sẻ và cả sự hy sinh của đội ngũ tuyến đầu từ Hà Nội và các tỉnh thành khác đã và đang chi viện cho thành phố phương Nam. Tất cả đều đã và đang đi vào thơ văn, âm nhạc.

Từng mũi vắc – xin tiêm ngừa chốc lát số phận/Còn rộng dài thương khó có thể cách ly không?/Ta gọi giấc mơ ơ hờ mờ xa kỷ niệm/Sao nghe thật gần câu hát gió lạc bến sông (Chiều chiều ngóng tin COVID-19 – Lê Thiếu Nhơn)

Các quận huyện đều có những trang mạng xã hội với hàng chục ngàn người dân dõi theo từng giây phút. Chỉ một dòng tin nhắn, một lời kêu cứu trên mạng xã hội, gần như lập tức người khó khăn sẽ nhận được hồi âm lẫn sự giúp đỡ.

Sự thân thiện, ấm áp trong ánh mắt, cử chỉ của mỗi con người, ngay giữa lằn ranh sống chết đã rúng động các nhà thơ.

Họ đã sống và sáng tạo trong 'tâm bão' đại dịch ảnh 2
Nhà văn Bích Ngân (phải) đại diện cho Hội Nhà văn TPHCM trao 100 triệu đồng quyên góp từ các nhà văn cho y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. (Ảnh tư liệu)

Sau hàng rào phong tỏa/Í ới gom chia thơm thảo mọi miền/dặn dò nhau vững chí bền lòng/đất nước này từng qua bao cuộc chiến/Những con số đong đầy hy vọng/Niềm tin bừng trong mắt mỗi ngày qua/Vượt lằn ranh tử sinh người về trong hạnh phúc/Cúi mình hôn hoa nở trước hiên nhà (Tiếng cười vang trên góc phố yêu thương – Bùi Phan Thảo).

Sống và viết, vượt lên tất cả…

Có những ý kiến ngược chiều, rằng, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà Hội Nhà văn TPHCM lại tổ chức một cuộc thi thơ. Đây có phải lúc làm thơ, bình thơ không?

Song, trả lời cho tất cả, hàng ngàn bài thơ được gửi về và bỗng chốc trang web của Hội nhà văn TPHCM trở nên sinh động hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Bích Ngân nói với PV Tiền Phong: “Trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp, Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM quyết định tổ chức và phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, bởi đại dịch này chứa đựng sự mất mát, nỗi đau và sự nỗ lực kiên cường không chỉ của thành phố này mà còn là của đất nước”.

Nhà thơ Bích Ngân nói rằng: “Là người cầm bút, trước cuộc chiến sinh tử, tín hiệu từ trái tim nơi mỗi người vẫn là trang viết và hãy viết. Viết nhiều hơn mọi ngày! Viết từ trái tim, tôi tin sẽ chạm đến trái tim”.

Các nhà văn không chỉ viết văn. Hội nhà văn TPHCM đã quyên góp từ các hội viên hàng trăm triệu đồng tặng cho các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến.

Cùng với các nhà văn, các nhạc sĩ TPHCM cũng đang thai nghén những tác phẩm của mình từ các khu cách ly, phong tỏa.

Ngày 26/7/2021, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân có thư gửi các hội viên kêu gọi: “Lúc này âm nhạc cất lên từ trái tim của mỗi người, sẽ là món ăn tinh thần giúp nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch Covid-19”.

Các nghệ sĩ đã chia sẻ cho nhau những lời tâm sự từ trong bệnh viện của các y bác sĩ rằng: “Tất cả chúng ta phải cất lên tiếng hát trong lúc này, không để nỗi buồn xâm lấn tâm hồn chúng ta. Tiếng hát và niềm tin là sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng”.

Các nghệ sĩ tên tuổi đã lập tức có mặt tại các bệnh viện dã chiến hàng vạn F0. Họ đã biểu diễn ngay khi những chiếc xe chở bệnh nhân nặng vẫn tiến vào khu cấp cứu. M.C Quỳnh Hoa, người dẫn chương trình nhiều đêm diễn trong các bệnh viện dã chiến nói với tôi: “Đội tình nguyện viên nghệ sĩ nhà văn hóa thanh niên TPHCM đã tham gia liên tục kể từ đầu giai đoạn dịch bệnh bùng phát cho tới nay. 130 nghệ sĩ nhiều lĩnh vực, trong đó 80 nghệ sĩ biểu diễn thường xuyên tại các điểm nóng của đại dịch”. Trần Mạnh Tuấn, Phương Thanh… đã biểu diễn trước hàng vạn F0. Có những gia đình nghệ sĩ, như ca sĩ Cẩm Vân cùng con gái CeCe Trương cùng tham dự các sân khấu cổ vũ mọi người.

Từ TPHCM, nhạc sĩ lão thành Phạm Minh Tuấn đã viết ca khúc: “Chống dịch như chống giặc” có những câu: “Thương người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thương người chiến sĩ giữ yên đường phố. Thương những con người lo sự sống mỗi ngày. Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Có thực mới vực được đạo

Gian nan nhất trong lúc COVID-19 lên đỉnh điểm có lẽ là lĩnh vực sân khấu. Bởi viết văn hay âm nhạc, người sáng tác vẫn viết tốt khi ở một mình, tại nhà. Còn nghệ sĩ sân khấu, họ cần làm việc chung. Mỗi vở diễn phải nhờ tới vài chục, thậm chí dăm chục người, từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên, âm thanh ánh sáng, hậu đài. Từ khi giãn cách xã hội, kinh đô sân khấu TPHCM gần như đóng băng.

Phó chủ tịch Hội sân khấu TPHCM Trịnh Kim Chi chia sẻ với phóng viên: “Chỉ trong vòng 2 tháng qua đã có 7 nghệ sĩ sân khấu tại TPHCM ra đi mãi mãi vì COVID-19. Các sân khấu đóng cửa gần 2 năm, nhiều người phải đi phụ hồ, lái xe ôm, làm bảo vệ để kiếm sống”.

Trong lúc khó khăn chồng chất, Hội sân khấu TPHCM vẫn đứng vững, các nghệ sĩ tổ chức bếp ăn cung cấp mỗi ngày hàng ngàn suất ăn miễn phí phục vụ lực lượng tuyến đầu, đem cơm tới cho các nghệ sĩ bị phong tỏa và người dân vùng cách ly. Hội cũng trao 181 phần quà đến cho các anh em hậu đài, chăm lo cho 20 nghệ sĩ đặc biệt khó khăn…

Nghệ sĩ Tú Trinh chia sẻ với báo chí rằng: “ Sự tương thân, tương ái rất đáng quý, nhất là với những công nhân sân khấu, chuyên viên kỹ thuật nhiều tháng qua thất nghiệp, không có thu nhập. Tôi tin rằng các tác giả sẽ có nhiều chất liệu để sáng tác, tham gia tích cực cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM”.

Chờ ngày tái sinh

Cách đây 3 tháng, tôi thấy ca sĩ, diễn viên Tây Phong rất lãng tử tóc dài đến thắt lưng, miệt mài tập luyện các vở mới cùng anh chị em để công diễn. Tây Phong nói: “Hôm nào anh rảnh, ghé Nhà văn hóa Thanh Niên xem chúng em diễn nhé”. Phóng viên chưa kịp đi xem vở kịch ra mắt thì giãn cách xã hội và các vở mới vẫn cứ mới nguyên nhiều tháng rồi.

“Em không ra khỏi nhà kể từ hôm sân khấu đóng cửa”- chàng lãng tử Tây Phong nói.

Ở nhà chính là để chiến đấu chống COVID-19. Nhóm các nghệ sĩ bạn anh mới công bố dự án “9 nghệ sĩ Sài Gòn đồng thuận bán tác phẩm của mình và tặng 100% số tiền thu được mua lương thực cho những lao động nghèo còn kẹt lại Sài Gòn đang trong cảnh khốn cùng”.

COVID-19 đã đem đi nhiều nghệ sĩ, có những bạn bè của chúng tôi, như nghệ sĩ ghi ta Trung Thành, người đang phát triển dự án phục hưng nhạc rock tại TPHCM. Nhưng rất nhiều người khác đã quả cảm vượt qua “Cô Vy”.

Phương Yoko, nghệ sĩ ghi ta thuộc nhóm rock “Bốn quả dừa” mới chia sẻ anh đã chiến thắng COVID-19 sau nhiều ngày điều trị tại nhà và đang trở lại với trang âm nhạc của mình. Tay ghi ta Trác Ngọc Lĩnh (từng chơi cho ban nhạc Microwave) cách đây vài hôm đã chia sẻ hình ảnh từ 2 vạch xuống 1 vạch trên que thử âm tính với lời nhắn: “Xin chào! Tôi đã trở lại”. Anh đang đăng tải nhật ký tự chữa COVID-19 tại nhà như thế nào.

Thành phố Phương Nam là như thế, vẻ đẹp lãng mạn không bao giờ thiếu vắng. Càng khó khăn, càng làm cho con người nơi đây sáng lên niềm tin yêu và sự lạc quan, như lời ca khúc “Sài Gòn tôi sẽ” của nhạc sĩ 9X Thái Dương:

“Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy, sẽ không có dây, phố thưa lại đầy. Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời, sẽ như lúc xưa sẽ lại vui”.

Nhạc sĩ Trần Tiến từ Vũng Tàu gọi điện cho người viết bài này nhờ tìm thiết bị thu âm tại nhà. Anh nói: “Anh định thu nốt những bài còn lại để tặng cho mọi người”.

Trần Nguyễn Anh

Bài mới
Đọc nhiều