+
Aa
-
like
comment

Họ đã không tôn trọng sự thật

sông trà - 28/05/2020 18:26

“Dù đó là phim truyện, phim tài liệu hay bất kỳ hình thức nào cũng không thể chấp nhận được vì như vậy là không tôn trọng sự thật”.

Đó là lời của ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến sự việc  bộ phim truyền hình Madam Secretary do đài CSB sản xuất được chiếu trên dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix gây bức xúc khi “hô biến” thước phim quay tại Hội An thành một quận của Trung Quốc.

Madam Secretary do đài CSB sản xuất chú thích Hội An là quận Phù Lăng -Trung Quốc gây phẫn nộ dư luận

Lại “vô tình” xâm phạm chủ quyền?

Madam Secretary là loạt phim xoay quanh nhân vật giả tưởng Elizabeth McCord (Téa Leoni thủ vai). Bà từng làm việc cho CIA sau đó bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị, bà ngồi vào ghế Ngoại trưởng Mỹ rồi trở thành nữ tổng thống của nước này.

Madam Secretary ra mắt mùa đầu tiên vào tháng 9/2014 và khép lại mùa thứ 6 vào tháng 12/2019. Tác phẩm được CBS sản xuất và phân phối sau đó được Netflix mua bản quyền phát sóng trên nền tảng xem phim trực tuyến khổng lồ này.

Theo như truyền thông đưa tin thì, phút 17:04, tập 4, mùa 1 của Madam Secretary, hình ảnh con sông Hoài và những ngôi nhà cổ đặc trưng ở phố cổ Hội An, một địa danh nổi tiếng thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam, đã bị các nhà làm phim chú thích thành “Fuling, China” (Phù Lăng, Trung Quốc).

Thước phim được quay ở một góc mà không ai có thể nhận ra đó là Hội An, không nhận được nét riêng biệt của phố cổ thì sự việc có thể bớt nghiêm trọng. Đằng này, rõ ràng là hình ảnh đặc trưng của phố cổ Hội An – con sông Hoài và những ngôi nhà cổ, lại bị chú thích thành một quận của Trung Quốc.

Trước phản ứng của cộng đồng dư luận, mạng xã hội, Netflix phản hồi rằng: “Cảnh được đề cập nằm trong bộ phim Madam Secretary được lên sóng từ năm 2014 và đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu. Nội dung này hiện nay không còn phát sóng tại Việt Nam và tất cả sự trùng hợp với tình huống hoặc địa điểm có thật đều không phải là chủ ý”.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn với nhau thế này, lỗi lớn nhất thuộc về nhà sản xuất bộ phim Madam Secretary. Bên cạnh đó là cơ chế duyệt bộ phim này để từ đó truy trách nhiệm của các bên liên quan khác.

Dù ở một góc độ nào đó, dù sai phạm trên có thể chưa cấu thành hành vi cố ý đưa thông tin, hình ảnh sai nhằm xuyên tạc chủ quyền Việt Nam nhưng nó cũng không thể chấp nhận được.

Không tôn trọng sự thật

Netflix là đơn vị mua bản quyền chứ không phải nhà sản xuất nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi, lẽ ra trước khi mua bản quyền, Netflix phải xem xét kỹ vấn đề này.

Và chính quyền Hội An hay cơ quan chức năng của Việt Nam có thể bảo vệ hình ảnh của mình bằng cách phản đối, yêu cầu cắt bỏ đoạn phim, thậm chí khởi kiện hành vi này.

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn và Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng đều cho biết “không hề hay biết sự việc trên, sẽ kiểm tra lại vụ việc báo chí nêu để có hướng xử lý”. Còn, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay, phía Cục cần nghiên cứu kỹ về phân cảnh gây tranh cãi như trên để đưa ra những phương án hợp lý.

Tuy vậy, chúng ta nhân nhượng một sự việc thì người ta sẽ lấn tới ở rất nhiều sự việc khác. Đối với trường hợp chú thích Hội An thành địa danh Trung Quốc trên Madam Secretary không phải chỉ là chuyện phim ảnh đơn thuần nữa. Việc này có liên quan đến chủ quyền và đã là chủ quyền quốc gia thì không thể du di được

“Cơ quan ngoại giao của Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan đến phim ảnh, như Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh cần phải có tiếng nói chính thức trước những thông tin sai sự thật như vậy, thậm chí có thể kiện nhà sản xuất bộ phim này ra trọng tài quốc tế” – ông Lê Như Tiến đề nghị.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Xuân Tám nói cho rằng: “Phía Việt Nam có quyền yêu cầu nhà sản xuất sửa sai bằng cách gỡ bỏ thông tin và hình ảnh sai phạm, đồng thời không cho phép phát hành bộ phim này trên lãnh thổ Việt Nam nữa, giống như cách chúng ta vẫn làm đối với Google, Facebook khi yêu cầu họ gỡ bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp trên các ứng dụng.

Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét khởi kiện nhà sản xuất, yêu cầu bồi thường vì chính việc chú thích sai như vậy khiến khách du lịch hiểu lầm địa danh đẹp như vậy là của Trung Quốc, ảnh hưởng đến việc quảng bá du lịch của Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Vấn đề ở chỗ, nếu đúng là bộ phim có sai phạm như trên, rõ ràng đó là trách nhiệm của nhà sản xuất. Song, phim chỉ được chiếu trên nền tảng trực tuyến, lại do nước ngoài sản xuất, nên chúng ta rất khó can thiệp về mặt pháp lý.

Mở rộng vấn đề, trong bối cảnh Biển Đông đang rất nóng, Trung Quốc lại luôn tìm cách đẩy mạnh việc tuyên truyền về cái gọi là đường lưỡi bò. Và các nội dung sai trái về biển đảo liên tục được lồng ghép, cài cắm nhiều nội dung không đúng sự thật vào các bộ phim ngày càng tinh vi, các cấp, các ngành, mọi lĩnh vực phải luôn nêu cao cảnh giác.

Có nhiều tác phẩm tuyên truyền sai trái về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ vào năm 2018 và bộ phim Everest- Người tuyết bé nhỏ là một ví dụ.

Gần đây, Trung Quốc công bố việc thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của Công ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Luật Biển Việt Nam năm 2012 cũng như các tiền lệ pháp luật, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, có thể khẳng định: “Việc làm của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới”.

Phải nói rằng, là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS. Mọi yêu sách biển trái với UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, là không có giá trị.

Và trường hợp bộ phim Madam Secretary cũng vậy, chúng ta phải khẳng định và yêu cầu đối với một sai lầm như vậy thì bộ phim đó không thể được chiếu trên lãnh thổ Việt Nam.

Chúng ta cũng cần tiếp tục công khai các thông tin đúng sự thật, nói rõ đúng sai, thượng tôn pháp luật, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người Việt ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế trong vấn đề liên quan đến chủ quyền, chứ không thể để “nước ngoài” không tôn trọng sự thật một cách ngang ngược như vậy.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều