+
Aa
-
like
comment

Họ đã hút bao nhiêu máu của đồng bào từ những chuyến bay “nhân đạo”?

Hạnh Nhân - 29/01/2022 09:31

Tin 4 cán bộ lãnh đạo ở Cục Lãnh sự bị khởi tố, bắt tạm giam vì cáo buộc nhận hối lộ từ các chuyến bay giải cứu thật choáng váng, nhưng không lạ. Câu hỏi đặt ra, họ có thể ăn bao nhiêu tiền từ đồng bào trên các chuyến bay giải cứu?

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao cung cấp, trong 2 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Báo chí trong nước tháng 12/2021 tường thuật lại câu chuyện về một người Việt ở Hoa Kỳ “lận” đôla tìm đường về quê mẹ bằng cách qua Campuchia “tuy khổ nhưng rẻ hơn”. Tổng chi phí về nước hết khoảng 1.800 – 1.900 USD (khoảng 44 triệu đồng).

Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam kể: “Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3-4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội. Ông cho biết thêm, giai đoạn tháng 3-4/2020, Vietnam Airlines mở các chuyến bay giải cứu từ châu Âu về Việt Nam có chi phí là 1.200 USD từ Mỹ và từ Canada là 1.600 USD. Từ mức giá bay giải cứu quy đổi chưa đến 40 triệu thì giờ người Việt đang phải bỏ ra 80 triệu – 150 triệu – 170 triệu – 240 triệu. Đó là gói combo mà khách phải trả tiền cho các đại lý.

Tuy nhiên, câu chuyện có lẽ không chỉ dừng ở chữ “đắt”. Cuối tháng 12 vừa rồi, một người bạn của tôi vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ (diện học bổng Chevening của Chính phủ Anh) trở về nước gọi cho tôi không giấu nổi sự bức xúc, tức giận lẫn buồn tủi.

Do đường bay thương mại quốc tế giữa Anh và Việt Nam chưa được mở lại nên cô bạn tôi phải tìm đến các chuyến bay charter do công ty du lịch thuê nguyên chuyến. Mất 70 triệu đồng cho “chuyến bay nhân đạo”, vật vờ ở sân bay 6 giờ đồng hồ, hạ cánh ở Hà Nội nhưng phải vào cách ly tại Thanh Hóa. Mang tiếng là ở khách sạn 5 sao nhưng bữa thì chỉ có cá chỉ vàng khô với cơm, bữa thì 5 miếng chả “mỏng dính”, ăn xong thì cả đoàn bị ngộ độc thực phẩm song không biết kêu ai.

Hàng nghìn người Nhật phải kêu cứu để về nước

Bạn tôi bảo với tôi rằng, không phải không chịu được khổ, không phải chưa từng trải qua vất vả, nhưng cách mà doanh nghiệp đối xử với những người dân xa quê trở về là quá tệ, cả trên phương diện kinh tế cho đến phương diện nhân văn.

Tôi không rõ sẽ còn có biết bao nhiêu người Việt xa quê trở về phải đi qua những trải nghiệm đáng quên như vậy để có thể đặt chân trước hiên nhà, đoàn tụ cùng người thân.

Người bạn tôi vốn làm ở ngân hàng, thu nhập cao và chương trình học được tài trợ, do đó, vấn đề kinh tế không quá nặng nề. Có điều, nếu chi trả một số tiền lớn để nhận về một dịch vụ tệ hại, ai mà không ấm ức? Hơn nữa, với những người dân lao động phải gom góp, “cân đo đong đếm”, co kéo đủ loại chi phí mới “dám” trở về, thì cách đối xử này càng không thể nào chấp nhận được.

So sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, TS Lương Hoài Nam đánh giá, số tiền để công dân Việt hồi hương đã tăng lên 3-4-5-6 lần. Đó là giá gói “combo về nước” mà khách hàng trả cho đại lý.

Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố. Ảnh: BCA

Từ các dữ liệu trên cho thấy, có 200.000 đồng bào đã về trên chuyến bay giải cứu. Nếu mỗi người phải trả vênh tới 40 triệu, 110 triệu, 130 triệu và 200 triệu, như chuyên gia tính toán trong bài báo, thì có nghĩa số tiền lên đến cả tỷ đô la.

Nếu mỗi người phải trả vênh chỉ 1.000 đô thôi, thì số tiền vênh đó đã là 200 triệu đô. Xin nhắc lại câu hỏi đau đáu của chuyên gia: “Đại lý trả tiền cho hãng hàng không bao nhiêu? Khách sạn bao nhiêu? Tiền đi vào túi ai?”

Ngày 27/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và lệnh khám xét đối với 4 bị can gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982, tại Hưng Yên; nghề nghiệp: Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 4 bị can trên.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Hạnh Nhân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều