+
Aa
-
like
comment

Họ có còn là con người?

Bảo An - 09/09/2020 18:11

Trong quá trình xét xử vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, chúng ta có thể thấy rõ tội ác mà các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã thực hiện dưới vỏ bọc “dân lành”, “dân oan”. Cùng với sự căm phẫn trước hành vi phạm tội một cách dã man, tàn bạo của các đối tượng, chúng ta cũng không khỏi cảm thấy bức bối trước những hành động của một số người khoác trên mình tấm áo luật sư.

Nhóm “luật sư dân chủ” bào chữa cho các đối tượng trong vụ án Đồng Tâm

Cũng như một số vụ án “nóng”, thu hút sự chú ý của cộng đồng khác, chúng ta có thể thấy rõ sự hiện diện của không ít luật sư “nhân quyền”. Gọi họ là luật sư “nhân quyền” vì đây là những luật sự “có số má” trong giới “dân chủ”, thường xuyên tham gia “bào chữa miễn phí” cho những kẻ tự khoác lên mình tấm áo “tù nhân lương tâm”. Những người này thay vì bảo vệ sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật thì lại liên tục đả phá, tấn công hệ thống pháp luật nước nhà, tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc nền tư pháp, bao biện cho những hành vi phạm tội, đổ lỗi cho chính quyền. Qua vụ án Đồng Tâm, khi chứng kiến những hành xử của các “luật sư nhân quyền” liên quan đến vụ án, tôi và chắc chắn rất nhiều người đều không khỏi bức xúc trước những luận điệu “không tưởng” được tung ra. Không dưới một lần, tôi tự hỏi: liệu họ có còn là con người?

Liệu họ có còn là con người?

Là một con người, ai cũng có người thân, gia đình. Thử hỏi trên đời, còn nỗi đau nào hơn là nỗi đau mất đi người thân của mình; còn sự nghẹn ngào nào hơn trước cảnh “người đầu bạc tiễn người đầu xanh”. Nhìn hình ảnh người mẹ già, hình ảnh người vợ trẻ, hình ảnh đứa con gái bé bỏng và đặc biệt là hình ảnh giọt nước mắt lăn dài trên má của ông Phạm Công Lân, bố đẻ trung úy Phạm Công Huy trước tòa, lòng tôi không khỏi nghẹn đắng. Và tôi tin chắc, bất kỳ ai, nếu là con người chắc chắn sẽ không khỏi xót xa.

Vậy nhưng một vài người dưới danh nghĩa luật sư lại sẵn sàng xát muối lên trái tim người khác. Họ rêu rao luận điệu cho rằng cái chết của 3 liệt sĩ trong vụ án Đồng Tâm là mờ ám; họ đưa ra yêu sách đòi “khai quật tử thi” để chứng minh cái chết của 3 chiến sĩ công an là sự thật…

Liệu rằng họ có còn là con người? Liệu rằng khi họ đưa ra những luận điệu, yêu sách như vậy có nghĩ đến tình cảm của người khác? Hay chăng, trong thế giới “luật sư dân chủ” của họ tất cả đều là sự lừa lọc, dối trá đến mức phải hoài nghi tất cả?

Luật sư Đặng Đình Mạnh ca ngợi hành vi coi thường pháp luật của Bùi Thị Nối

Khi bị buộc tội, ai cũng có quyền được bào chữa. Ngay cả đối với những người phạm vào những tội ác dã man nhất cũng có quyền được bào chữa. Đây là điều không cần tranh cãi. Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ quyền được bào chữa của những người bị buộc tội.

Việc luật sư thực hiện quyền bào chữa là điều không có gì phải phàn nàn. Tuy nhiên, sứ mệnh của một luật sư là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi luật sư phải thực sự trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Vậy nhưng trong vụ án tại Đồng Tâm, dưới danh nghĩa luật sư, nhiều người lại đang cố tình bao biện cho những sai phạm, bao che cho tội ác, không tôn trọng sự thật khách quan, dẫm đạp lên công lý. Họ hả hê trước việc “đâm thọt” những người liên quan, họ vui mừng trước việc nhân danh công lý để bóp nát cảm xúc của mọi người. Họ tự hào trước việc đứng trước tòa để bao che cho tội ác, để đổ lỗi cho chính quyền, để phủ nhận sự hi sinh của những chiến sĩ công an trong vụ án. Họ hả hê ăn mừng hoành tránh trước một vài yêu sách được cho phép; họ “nổi đồng”, “tung hoa” trên mạng xã hội; họ ca ngợi, cổ xúy cho một kẻ có hành vi vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật như một anh hùng. Thử hỏi, họ có còn là con người?

Họ có còn là con người?

Người thân gia đình liệt sĩ hi sinh tại Đồng Tâm

Như một quy luật chung, trước khi phiên tòa xét xử được mở ra, các “luật sư nhân quyền” đã nhanh chóng “dẹp đường dư luận” bằng cách rêu rao luận điệu vụ án sẽ không được xét xử công bằng, các bị can trong vụ án sẽ chẳng được hưởng sự công minh của pháp luật. Trong vụ án Đồng Tâm, các luật sư bào chữa cho các bị cáo như Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn v.v… cũng nhiều lần bắt tay với các “kền kền dân chủ” như BBC, RFA, Việt Tân v.v… để trả lời phỏng vấn, chia sẻ những thông tin lệch lạc, trái chiều về vụ án hòng làm phức tạp tình hình.

Và cũng giống như nhiều vụ án được các “luật sư” khoác lên vỏ bọc “chính trị hóa” khác, khi mới bắt đầu phiên tòa, ngay lập tức họ đưa ra yêu cầu được tiếp xúc bị cáo tại phiên tòa. Dĩ nhiên, việc tiếp xúc bị cáo tại phiên tòa không làm thay đổi được bản chất vụ án. Nếu là một luật sự giỏi, một luật sư có tâm, có tầm thì trước khi ra tòa, tất cả các nội dung về vụ án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc khi phiên tòa diễn ra mới đòi tiếp xúc bị cáo chẳng khác nào đến giờ thi mới ôn bài. Là một luật sư chân chính, chẳng ai làm như vậy.

Tuy nhiên, với những “luật sư dân chủ”, việc được tiếp xúc bị cáo tại phiên toàn lại là điều vô cùng lý tưởng để họ kích động, hướng dẫn, chỉ điểm cho các bị cáo “làm trò”, “diễn tuồng” trước tòa để tạo chất liệu cho các “luật sư” đăng đàn lên facebook, tạo cớ chống phá chính quyền. Trong vụ án Đồng Tâm, ngay sau khi được nhóm “luật sư” tiếp xúc và hướng dẫn, có thể thấy một vài bị cáo đã “thuộc bài”, có hành vi coi thường luật pháp.

Và sau khi “thân chủ” của các luật sư này hung hăng, táo tợn trước tòa, không ít kẻ đã “ăn mừng chiến thắng”. Thử hỏi “chiến thắng” mà họ gọi ở đây là gì? Hay chăng, chiến thắng là việc pháp luật không được thực thi, là việc sự thật bị đổi trắng thay đen, là cái ác được lên ngôi, là sự ngông cuồng được cổ xúy?

Một lần nữa cần nhấn mạnh, trước khi là luật sư hay bất cứ một nghề gì, trước hết chúng ta cũng đều là con người. Đã là một con người, ai cũng phải có đạo đức, lương tâm!

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều