Hình tượng chim hồng hộc và điều Thủ tướng gửi gắm đầu năm 2020
Thủ tướng nhắc đến hình tượng chim hồng hộc để mong muốn đất nước xác định rõ hướng đi, cách làm, thể hiện khát vọng vươn lên trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Trần Hưng Đạo: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở 6 xương trụ cánh. Nếu không có 6 trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm nhiều điều khi đất nước bước sang năm mới 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương làm thế nào để đưa kinh tế – xã hội Việt Nam vươn cao, cần những “xương trụ cánh” gì? Khát vọng, hướng đi và cách làm để đất nước giàu mạnh, hùng cường là điều ông muốn gửi gắm.
Năm 2020 là năm quan trọng, kết thúc nhiệm kỳ 2016-2020, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Đất nước hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Muốn như vậy đòi hỏi duy trì tăng trưởng nhanh liên tục.
Những “trụ cánh” mà Thủ tướng đặt câu hỏi và gửi gắm hôm nay là tiền đề quan trọng, quyết định đến mục tiêu hùng cường trong tương lai.
Trong ngày rằm tháng Giêng năm mới Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan đầu tiên mình tới thăm. Tại đây, trong bài phát biểu gần 2 giờ đồng hồ, ông đã lần đầu tiên tiên công bố tầm nhìn quốc gia năm 2045, trong đó xác định mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Thủ tướng chia sẻ 2 chặng đường, từ nay đến năm 2030 và đến 2045. Mục tiêu GDP bình quân đầu người 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011). Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tương đương với Malaysia vào năm 2010, và 50% dân số Việt Nam sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.
Năm 2030, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ở mức hơn 90% và đóng góp hơn 70% việc làm. Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP ít nhất là 80%. Chỉ số phát triển con người theo Liên Hợp Quốc (HDI) đạt ít nhất 0,7.
Về tầm nhìn đến 2045, người đứng đầu Chính phủ mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển. Ông nhấn mạnh dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới; khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác.
Đó là tầm nhìn xa hồi đầu năm. Còn tại hội nghị cuối năm 2019, người đứng đầu Chính phủ tỏ rõ mong muốn hiện thực hóa tầm nhìn ngắn hạn. Ông nhắm đến mục tiêu Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao trong vài năm tới.
Với mức tăng trưởng 7,02% trong năm 2019, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam là gần 2.800 USD. Nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót mới được Tổng cục Thống kê công bố thì con số bình quân đã trên 3.000 USD/năm.
Trong khi đó, ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu đó “đang ở ngay trước mắt chúng ta”. Theo tính toán, nếu kinh tế Việt Nam duy trì ở mức 7%/năm, thì đến 2023, GDP bình quân đạt 3.931 USD; đến năm 2024 đạt 4.206 USD (93 triệu đồng).
Như vậy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, mục tiêu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao của Việt Nam sẽ được hiện thực hóa sau khoảng 5 năm nữa.
Đặt tầm nhìn dài hạn, nhưng người đứng đầu Chính phủ không chủ quan trong nhiệm vụ ngay trước mắt. Ông nhấn mạnh: Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài là điều khó khăn với tất cả các nước, nhất là khi quy mô kinh tế càng lớn, tăng thêm một điểm % là điều càng khó.
Trong khi đó, tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều biến động, căng thẳng thương mại leo thang, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch được nhiều nước áp dụng. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn. Những thách thức đó đòi hỏi nỗ lực hàng ngày, hàng tháng, hàng năm của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 có thể bị thụt lùi đến vài năm nếu Việt Nam chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng. Do đó, ông luôn muốn nhắc lại lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Nếu nhìn vào dự thảo nội dung nghị quyết 01 và 02/2020 của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có thể nhìn thấy rõ sự quyết tâm.
Chính phủ muốn tăng tốc kim ngạch xuất khẩu là 8% (Quốc hội giao tăng 7%), tăng trưởng GDP là 6,8-7%, lạm phát chỉ tăng dưới 4%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP là 33-34%; tỷ lệ giảm nghèo từ 1-1,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%…
Trong khi đó, nghị quyết 02 nêu rõ mong muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thông qua các chỉ số xếp hạng toàn cầu. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết khi lấy ý kiến các bộ ngành về việc cải thiện các chỉ số xếp hạng của Việt Nam, các bộ ngành thường đề nghị giảm xuống. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cương quyết giữ nguyên mục tiêu mà không giảm.
Năm 2020, Chính phủ mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của WB) lên 5-7 bậc; nâng cao năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của WEF) lên 2-3 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của WIPO) lên 1-2 bậc; xếp hạng chính phủ điện tử (của UN) lên 10-15 bậc; nâng xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư (A5) lên 7-10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới (A8) lên 5-10 bậc…
Tương ứng mỗi nhiệm vụ, Chính phủ lại phân chia rõ bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, phải thực hiện ra sao. Chính phủ sẽ lấy đây là cơ sở để đánh giá việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 xác định 12 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Trong những phương châm hành động này, người đứng đầu Chính phủ thường nhắc các địa phương, bộ ngành “sáng tạo” trong việc thực hiện các nhiệm vụ bằng những cách làm hay.
Thủ tướng cũng thường nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để nhắn nhủ các bộ ngành chủ động, sáng tạo hướng mới mục tiêu không đổi là đưa đất nước phát triển và hùng cường.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lấy điều không đổi ứng phó với vạn điều thay đổi để thực hiện điều không đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định, vững chắc mục tiêu, nhưng cách làm thì linh hoạt, uyển chuyển theo từng thời kỳ.
Những cách làm hay, sáng tạo cũng là điều nhiều địa phương, bộ, ngành đang làm.
Năm 2019, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết thu nhập bình quân của một người Quảng Ninh đã đạt 6.135 USD/năm (khoảng 135 triệu đồng), gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng hàng năm 11%. Như vậy, nếu giữ được đà này, chỉ khoảng 5 năm nữa, thu nhập trung bình của một người Quảng Ninh sẽ vượt 10.000 USD/năm (khoảng 220 triệu đồng).
Thu nhập vượt 10.000 USD/năm tương đương với một nước có thu nhập cao. Quảng Ninh khi đó sẽ bỏ xa thu nhập bình quân của cả nước vào khoảng 4.000 USD/năm (nếu duy trì tăng GDP 7%/năm).
Để đạt được thành công này, ông Thắng cho biết tỉnh đang áp dụng nhiều cách làm hay, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ. Để làm được, bước đầu tiên Quảng Ninh phát triển hạ tầng gồm cảng biển, sân bay, đường cao tốc, bến tàu quốc tế…
Lãnh đạo cho rằng việc phát triển hạ tầng sẽ tăng kết nối các khu công nghiệp, các tỉnh, các địa phương với các cảng biển, trung tâm lớn. Từ đó, sẽ mở ra những quỹ đất mới, khu công nghiệp mới, tạo động lực cho phát triển.
Một cách làm hay khác cũng đang được Thái Nguyên và Quảng Nam phát triển thành công, đó là phát triển công nghiệp chế biến – chế tạo. Thái Nguyên từ một tỉnh nghèo đã đóng góp 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm qua. Quảng Nam đã hình thành cứ điểm sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng như ôtô, máy móc, nông sản xuất khẩu… Những mô hình hay giúp các tỉnh tự chủ được ngân sách, nâng cao thu nhập người dân.
Ở góc độ vĩ mô, Bộ Công Thương cho rằng cần phát triển những ngành công nghiệp “xương sống”, mang tính lan tỏa cho nền kinh tế như công nghiệp cơ khí, chế biến – chế tạo, công nghệ (nhất là công nghệ 4.0). Việc tận dụng nội nhu, thị trường gần 100 triệu dân (tầng lớp trung lưu không ngừng tăng lên) cũng được coi là “động lực” quan trọng cho thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói dân tộc ta là con Lạc cháu Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa như truyền thuyết chim Lạc. Ông cũng nhấn mạnh dân tộc Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới. Do đó, việc xác định rõ các “trụ cánh” sẽ giúp đất nước hiện thực hóa khát vọng hùng cường, vươn lên trở thành nước phát triển năm 2045. Hành trình đó bắt đầu từ ngay hiện tại, năm 2020.
Hiếu Công/ Zing