+
Aa
-
like
comment

Hình thành ‘hậu phương chống dịch’ ngay trong lòng TPHCM

20/07/2021 06:45

Chiều 19/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và một số thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với TPHCM về triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Trò chuyện với Phó Thủ tướng tại Bưu điện Quận 5, một người dân cho biết đang chuẩn bị gửi ủng hộ khẩu trang cho bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trong Thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 18/7 đến 6h ngày 19/7, phát hiện 3.139 trường hợp dương tính, phần lớn là ở các khu cách ly, khu phong tỏa (2.826 trường hợp, chiếm 90%), có 308 trường hợp qua sàng lọc ở bệnh viện (chiếm 9,8%).

TPHCM đã thực hiện hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,…), trong đó 1.727.603 mẫu có kết quả; xét nghiệm nhanh 1.539.181 mẫu.

Đến nay đã có 24 đoàn với hơn 4.000 nhân viên y tế đến chi viện cho Thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

“Thành phố đã tiếp nhận được nhiều ý kiến, đề xuất rất quan trọng của các chuyên gia đầu ngành về y tế điều trị, y tế dự phòng, góp phần điều chỉnh, bổ sung vào tổng thể các giải pháp phòng, chống dịch hiện tại nhằm mục tiêu kéo giảm các ca F0, tăng năng lực điều trị F0 nặng, giảm tử vong và nhiều giải pháp về cách ly, quản lý F1 tại khu cách ly và gia đình”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Tăng tốc bóc F0, hạ nhiệt hệ thống điều trị

TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp xét nghiệm nhằm nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng tại những khu vực nguy rất cao; tăng cường tiến độ, tốc độ xét nghiệm tầm soát, sàng lọc ở những vực nguy cơ thấp hơn, từng bước xây dựng “vùng xanh” an toàn vững chắc.

Vấn đề lo ngại nhất của TPHCM là số ca F0 tiếp tục gia tăng sau 11 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị cũng như mục tiêu giảm bệnh nhân nặng, hạn chế tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ khó khăn của TPHCM khi ghi nhận số lượng lớn F0 trong những ngày qua. Tuy nhiên, công tác xét nghiệm của Thành phố đang đi đúng hướng, một số ổ dịch, vùng dịch đã được xét nghiệm lần thứ hai, thứ ba và cần cố gắng nhanh hơn nữa.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết dù rất mong muốn nhanh chóng bóc các F0 ra khỏi cộng đồng nhưng hiện tại áp lực lên hệ thống điều trị rất lớn.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, các lực lượng của Thành phố đã rất nỗ lực, cố gắng. Dù khó khăn, Thành phố vẫn quyết tâm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố sẽ phân cấp mạnh mẽ cho TP. Thủ Đức, các quận, huyện trong phòng chống dịch, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg triệt để hơn nữa, không để phát sinh “vùng đỏ”, tiếp tục mở rộng “vùng xanh”, gấp rút triển khai để bảo đảm các cơ sở điều trị đủ năng lực tiếp nhận các F0 được phát hiện trong những ngày tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một số thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã thống nhất với Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM, các cơ quan chức năng của Thành phố về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp xét nghiệm nhằm tăng tốc bóc F0 ra khỏi cộng đồng tại những khu vực nguy cơ rất cao; tăng cường tiến độ, tốc độ xét nghiệm tầm soát, sàng lọc ở những vực nguy cơ thấp hơn, từng bước xây dựng “vùng xanh” an toàn vững chắc.

Phó Thủ tướng cho rằng cùng với việc tập trung xét nghiệm, làm sạch ổ dịch, vùng dịch, Thành phố cần thực hiện rất nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, sàng lọc để thiết lập những vùng an toàn, hình thành “hậu phương chống dịch” ngay trong lòng Thành phố. Từng bước đưa những khu vực an toàn vững chắc ở TPHCM dần trở lại trạng thái bình thường mới. Đồng thời tiếp tục thu hẹp, làm sạch các ổ dịch, vùng dịch vốn đã bị lây nhiễm rất lâu.

Giữ an toàn tối đa cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo BV Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 về một só vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân

Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch phải vì an toàn của cộng đồng, tính mạng, sức khoẻ của người dân, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM đảm bảo các bệnh viện dã chiến thu dung có đầy đủ vật tư, trang thiết bị điều trị, nhất là hệ thống oxy tập trung, xe vận chuyển đưa bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng lên các tuyến trên nhằm giảm số bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất tử vong.

Không để tình trạng do các quy định về định mức kỹ thuật trong điều kiện thông thường mà thiếu vật tư, trang thiết bị điều trị, đồ bảo hộ để giữ an toàn tối đa cho lực lượng y, bác sĩ điều trị tuyến đầu, các kíp xe vận chuyển bệnh nhân.

Đặc biệt, Thành phố phải có sự chỉ huy thống nhất, phối hợp đồng bộ từ khâu lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, thông báo kết quả xét nghiệm đến tổ chức đưa F0 tới các cơ sở điều trị phù hợp thành một quy trình khép kín. Trong các khu điều trị bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ thì cùng với chăm sóc, theo dõi sức khoẻ hằng ngày cũng cần quan tâm đến những hoạt động thể chất, tinh thần để người bệnh không cảm thấy bức bách.

Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thực hiện ngay việc cách ly F1 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị F0. Đối với những bệnh nhân đã hoàn thành thời gian điều trị, có nguyện vọng về các địa phương thì Bộ Y tế chỉ đạo, điều hành Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch đưa đón trật tự, giảm áp lực cho TPHCM nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Căn cứ vào yêu cầu, đề nghị cụ thể của TPHCM, Bộ Y tế, các địa phương tăng cường đội ngũ y, bác sĩ hỗ trợ, nhất là bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu; các kíp xe vận chuyển bệnh nhân đủ tiêu chuẩn.

Khẩn trương làm sạch các chợ truyền thống

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo khẩn trương thực hiện ngay việc cách F1 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị F0.

Về lưu thông hàng hoá, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết, so với ngày 18/7 thì tổng sản lượng hàng hóa đưa về cung ứng cho thị trường Thành phố có tăng nhẹ khoảng 5%. Sản lượng hàng hoá lưu thông tăng khoảng 15%.

Người dân chủ yếu mua thực phẩm phục vụ bữa ăn trong ngày, không còn tích trữ hàng hóa; sức mua tại hệ thống siêu thị đã ổn định.

Các quận, huyện tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng lưu động, bình ổn giá tại các khu vực ít có hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi (lũy kế có hơn 460 điểm bán) và đã cung cấp 1.000 điểm bán rau củ quả.

Một số chợ truyền thống đã dần cho tiểu thương trở lại buôn bán có giãn cách và triển khai nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như: Đảm bảo 5K, kiểm soát trật tự, nề nếp, giới hạn số lượng người ra vào chợ, quy định các khung giờ đi chợ, chia thành nhiều đợt, phát phiếu ra vào chợ có mã QR. Đồng thời, định kỳ Ban quản lý các chợ cũng thực hiện xét nghiệm nhanh sàng lọc cho tiểu thương, trường hợp có ca nghi nhiễm thì lập tức phải dừng hoạt động để điều tra dịch tễ.

Việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa Thành phố đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ thuận lợi hơn.

Thành phố tiếp tục cấp Giấy ưu tiên phương tiện có mã QR, tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, sản xuất kinh doanh cho hơn 37.300 xe của 64 đơn vị.

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết, 37 địa phương cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho Thành phố đều cam kết giữ ổn định nguồn cung. Các Bộ NN&PTNT, Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết khó khăn trong thu hoạch, vận chuyển nông sản.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bảo đảm đầy đủ nguồn cung cấp hàng hoá, lương thực, thực phẩm cho TPHCM. Những địa phương do ảnh hưởng dịch bệnh mà thiếu hụt nguồn cung, ngành Công Thương TPHCM tìm nguồn cung cấp khác bù đắp vào.

Nhấn mạnh phải bảo đảm thông thoáng trong vận tải, lưu thông hàng hoá, Phó Thủ tướng cho biết khi đi kiểm tra, thị sát tại huyện Bình Chánh, Quận 5 (TPHCM) ông đã trao đổi ngay với lãnh đạo Bộ GTVT để yêu cầu dừng tất cả các trạm thu phí BOT tại những tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Trong phạm vi Thành phố, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương làm sạch các khu chợ truyền thống, từng bước cho hoạt động trở lại với điều kiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch. Lãnh đạo TPHCM đã lắng nghe, tiếp thu góp ý rất cụ thể của người dân trong thay đổi cách mua, bán để hạn chế tiếp xúc người mua, người bán từ những việc rất nhỏ như đóng sẵn hàng, niêm yết giá công khai…

Quan tâm đến người dân xóm nghèo trong tiêm vaccine

Tính đến ngày 18/7, Thành phố đã thực hiện chi hỗ trợ theo quy định cho gần 236.000 lao động tự do; hơn 10.000 lao động nghỉ việc không lương; hơn 4.400 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng; hơn 4.300 thương nhân tại các chợ truyền thống bị dừng hoạt động; với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng.

Các quận, huyện cũng đã chủ động vận động các nguồn lực xã hội, ‘mạnh thường quân’ để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn, nhất là những trường hợp chưa hoặc không thuộc chính sách theo quy định; tổng số tiền chăm lo trong 10 ngày qua là hơn 141 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong những xóm nghèo, Thành phố vừa lo cho bà con, vừa tính đến kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19. Ngoài những lực lượng tuyến đầu chống dịch, tham gia hệ thống vận tải, phân phối thì Thành phố cần quan tâm đến người dân ở những xóm nghèo có điều kiện sống, sinh hoạt rất chật chội, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Đến nay, đã có hơn 1.000 DN trên địa bàn TPHCM đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly theo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Tuy nhiên, qua kiểm tra, thẩm định, hiện chỉ cho phép 586 DN hoạt động với gần 70.000 công nhân. Riêng tại Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao, đã cho phép 260 DN hoạt động với gần 41.000 công nhân.

Thành phố cũng chỉ đạo Sở Y tế, các Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao, các quận, huyện thường xuyên tái kiểm tra việc chấp hành và xét nghiệm định kỳ cho công nhân để đảm bảo doanh nghiệp sản xuất an toàn.

* Trước khi làm việc với lãnh đạo TPHCM, chiều 19/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát hoạt động của BV Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 tại phường Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh; điểm bán hàng lưu động ở Bưu điện Quận 5.

Đình Nam

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều