Hình ảnh Việt Nam rất tốt đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế
Ngày 30.1, trao đổi với báo chí bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định: Thời gian qua, hình ảnh và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
– Thưa ông, thông qua công tác ngoại giao, ông có thể đánh giá như thế nào về hình ảnh vị thế Việt Nam trong mắt cộng đồng bạn bè quốc tế?
– Phải nói rằng, Việt Nam được biết đến và được yêu mến vì là đất nước có nền văn hóa rất đặc sắc, có nhiều cộng đồng dân tộc và có lịch sử lâu đời. Thời gian qua, hình ảnh và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng cũng là một dân tộc bất khuất và đã giành được thắng lợi trong việc bảo vệ nền độc lập của mình. Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam được biết đến là một quốc gia có nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới, đặc biệt là phát triển kinh tế – xã hội, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và đối tác thương mại trên thế giới.
Trong 5 năm qua, Việt Nam tạo ấn tượng rất lớn khi đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế như đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017. Năm qua, chúng ta tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và được các nước đánh giá rất cao trong việc thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng ASEAN.
Cùng với đó, trong điều kiện Việt Nam khó khăn nhưng chúng ta đã hỗ trợ về nhân lực, thiết bị và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 với các nước.
Tựu trung lại, hình ảnh Việt Nam hiện nay rất tốt đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế.
– Ông có thể cho biết đâu là những điểm nhấn trọng tâm về công tác đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng?
– Trước hết, các văn kiện Đại hội XIII đánh giá tình hình có những thuận lợi như hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế lớn, quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ… Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước rất nhiều thách thức trong môi trường quốc tế và khu vực.
Đặc biệt, những biến động lớn từ những thách thức an ninh phi truyền thống, điển hình là tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn một năm qua, cũng như tác động rất lớn từ bão lũ lịch sử tại miền Trung, hạn mặn kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long, hay vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, ma tuý… Điều đó đặt ra những vấn đề trong công tác đối ngoại.
Bên cạnh những thuận lợi, cần hết sức chú ý đến những khó khăn, thách thức, đặc biệt là những diễn biến mới hoặc vấn đề mới xuất hiện. Trên cơ sở đó, chúng ta vẫn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã đem lại những thành tựu phát triển của đất nước và được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực, cộng đồng quốc tế. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển.
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia.
Lần này có điểm nhấn là chúng ta đặt nhiệm vụ đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rất rõ, đối ngoại gồm 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đây là 3 lực lượng đã phát huy tác dụng trong quá trình kháng chiến đến nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ ủng hộ của quốc tế kể cả tinh thần và vật chất trong quá trình đổi mới thời gian qua. Nhưng đây là lần đầu tiên trong văn kiện của Đại hội Đảng nêu rõ 3 trụ cột này.
Để thực hiện điều đó, chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có năng lực cao hơn, có trình độ tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại.
Bởi trong bối cảnh, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, việc chúng ta là thành viên tích cực cũng góp phần tạo môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi hơn cho đất nước. Hiện nay, chúng ta có điều kiện năng lực tốt hơn để làm việc này. Cộng đồng quốc tế và khu vực cũng rất hoan nghênh, ủng hộ Việt Nam.
– Công tác bảo vệ lãnh thổ biên giới, chủ quyền biển, đảo là một nhiệm vụ tiên quyết, trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, được nhắc trong các nghị quyết. Ông có thể nói rõ hơn về công tác này?
– Mục tiêu, đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ được tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới cũng như quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Đó cũng là mục tiêu nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một mục tiêu rất quan trọng là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Điều này được ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của chúng ta qua nhiều kỳ Đại hội Đảng.
Khu vực biên giới trên bộ có những công việc rất quan trọng đó là thực hiện các điều ước đã được ký kết giữa Việt Nam với ba nước láng giềng, liên quan đến công tác hoạch định biên giới, liên quan tới công tác phân giới cắm mốc.
Ở trên biển, Việt Nam cũng như các quốc gia ở Biển Đông đều có lợi ích không chỉ về thương mại, đầu tư, hàng không, hàng hải… mà còn việc nghiên cứu khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu, chống tội phạm… Vì vậy, để giải quyết hoà bình các tranh chấp, bất đồng về biên giới trên biển thì chúng ta và các nước phải tăng cường hợp tác.
Bên cạnh đó, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền lợi chính đáng, đấu tranh chống lại các vi phạm đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác định theo đúng Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982. Đây là cơ sở luật pháp quốc tế rất rõ ràng.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, công tác thông tin và truyền thông liên quan đến biên giới, hải đảo, công tác chủ quyền lãnh thổ rất quan trọng, làm sao để người dân Việt Nam có được quyết tâm trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; đồng thời cũng thể hiện chủ trương nhất quán về đường lối của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình.
– Xin cảm ơn ông!
Vương Trần/LĐO