+
Aa
-
like
comment

Hình ảnh hiếm có về lực lượng đặc công người nhái của Việt Nam

22/12/2020 15:42

‘Kình ngư’ trong lòng biển – đó là tên gọi dành cho những cán bộ chiến sĩ đặc công người nhái của Liên đội 3, Lữ đoàn đặc công nước 5, Binh chủng đặc công.

Đại tá Hoàng Văn Kiên, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 5 (Binh chủng Đặc công) cho biết, để được tuyển lựa vào lực lượng đặc công người nhái, các ứng viên phải cao không dưới 1,65m; trọng lượng cơ thể không dưới 52kg; lực bóp tay yếu nhất không dưới 35kg… Bên cạnh đó, phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của bộ đội đặc công về chức năng sinh lý về hệ tim mạch, hệ hô hấp, mắt, tiêu hóa…

Đặc công người nhái tìm mục tiêu bằng la bàn.

“Trong 2 năm đào tạo, huấn luyện, người nhái phải thuần thục các khoa mục cơ bản như: bơi liên tục 10.000m, lặn xa tối đa hàng trăm m, chịu sóng cực tốt, cơ thể hoạt động bình thường trên máy bay hoặc tàu ngầm”, đại tá Hoàng Văn Kiên nói. Ông kể: Khắc nghiệt nhất trong quá trình huấn luyện là giai đoạn “ép nhái”. Bộ đội được đưa vào buồng tăng, giảm áp chuyên dụng và giáo viên điều chỉnh áp suất bằng với áp suất nước biển ở độ sâu tương ứng, rèn luyện sức chịu đựng của bộ đội khi lặn ở từng độ sâu khác nhau.

Thiết bị lặn của đặc công người nhái là loại chuyên dụng, giúp cho quá trình lặn sâu được lâu dài dưới lòng biển.

Thiếu tá Phạm Văn Quỳnh, người nhái của Liên đội 3 thuật lại: “Trong buồng tăng giảm áp, sức ép sẽ làm cho lồng ngực có cảm giác như sắp vỡ tung ra, gây khó thở, khó chịu vô cùng. Nhưng đã là người nhái thì nhất thiết phải trải qua công đoạn này mới lặn sâu hàng chục mét…”.

Không chỉ huấn luyện trên thao trường của đơn vị, thời gian qua lực lượng đặc công người nhái còn được đưa ra huấn luyện, làm quen địa hình ở các vùng biển đảo của Tổ quốc, nhất là khu vực Trường Sa và nhà giàn DK với các nhiệm vụ chuyên biệt.

Một số hình ảnh huấn luyện của đặc công người nhái Lữ đoàn đặc công nước 5, do PV ghi nhận.

Bộ phận kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng khí tài lặn, trước khi giao cho người nhái đi làm nhiệm vụ.
Giúp người nhái đeo bình khí, trước khi xuống nước làm nhiệm vụ.
Đeo chân vịt, trước khi thả người xuống biển.
Bài tập tìm mục tiêu nổi, bí mật gắn thuốc nổ và đặt giờ điểm hỏa.
Đặc công người nhái hoàn thành nhiệm vụ, được xuồng nhỏ đón tại vị trí đã định và trở về hậu cứ.
Mũi đặc công người nhái thả trôi trên biển.
Hoặc có thể di chuyển bằng xuồng cao su chuyên dụng để rút ngắn thời gian bơi lặn.
Trên biển, mũi trưởng luôn là người dẫn đầu.
Các đặc công người nhái hoàn thành buổi huấn luyện đột nhập lên đảo.
Đặc công người nhái trong khóa huấn luyện với tàu ngầm.

Mai Thanh Hải – Độc Lập

Bài mới
Đọc nhiều