Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng: Tôi nhận trách nhiệm để làm gương
“Mình quản lý cái gì mà trong đó có hoạt động bị trục trặc, dù là khách quan hay chủ quan, thì mình phải có trách nhiệm. Mình phải làm gương”, thầy Nguyễn Vạn Phúc nói.
17h ngày 27/5, thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng, rời phòng làm việc, về đón con như mọi khi. Thầy dừng mắt ở bồn cây trống ngay trước cửa phòng hiệu trưởng rồi nhìn sang cây phượng chỉ còn trơ phần thân đang bị đốn dở.
“Thành phố mới xuống chặt nốt cây phượng này sáng nay”, thầy nói và chỉ về phần thân phượng chỉ còn hơn 3 m nằm trơ trọi trong bồn cây giữa sân trường.
“Ngày mai họ xuống xử lý nốt phần gốc là hết rồi đó”, giọng thầy nhỏ dần.
Làm gương cho học sinh Sân trường THCS Bạch Đằng rộng chừng 300 m2, bằng khoảng 4 sân cầu lông đôi. Cả trường chỉ có 3 cây xanh che nắng cho gần 1.000 học sinh. Một cây phượng được trồng từ năm 1996 bất ngờ đổ sáng 26/5; một cây phượng hơn 24 năm tuổi vừa bị đốn bỏ sáng 27/5. Chỉ còn 1 cây bàng nhỏ, chưa đến 10 năm tuổi, nằm khẳng khiu ở góc sân.
Ngồi trong lớp, Trương Khánh Linh (học sinh lớp 6/2) nghe tiếng máy cưa rè rè ngoài sân. Linh nghĩ chỉ là cắt xén tán cây. Đến giờ nghỉ, em mới biết cây phượng duy nhất còn lại trong trường đã bị đốn bỏ.
“Hai cây phượng đến mùa hoa nở rất đẹp, che nắng cho tụi em. Giờ cây không còn tụi em thấy thiếu thiếu, cũng hơi buồn”, Linh chia sẻ.
Thầy Phúc bảo cây phượng trong trường là biểu tượng, là kỷ niệm, là thơ ca, và là nhiều thứ nữa với cả giáo viên và học sinh nhà trường. Nhưng vì sự an toàn của học sinh thì “đẹp mấy cũng phải chấp nhận”. Thầy đang tính mai mốt sẽ làm thêm 2 tấm mái che nữa để che nắng sân trường, thay thế bóng mát của 2 cây phượng, để học sinh có thể vui chơi thoải mái trong ngày nắng nóng.
Chia sẻ về những sự việc xảy ra trong 2 ngày qua, thầy nói mọi thứ diễn ra quá nhanh, thầy chẳng kịp nghĩ gì, chỉ lo giải quyết từng vấn đề đổ ập đến: Cấp cứu cho học sinh, lo đám tang cho bé K., giải thích với phụ huynh, giải trình, họp báo, đốn cây, trấn an học sinh và giáo viên…
Với thầy Phúc, cây đổ là chuyện “không trong tầm tay mình nữa”. Nhưng những sự việc sau khi cây đổ, việc nào trong tầm tay thì phải làm bởi đó là trách nhiệm của “người thủ trưởng”.
“Mình nghĩ đơn giản, mình quản lý cái gì mà trong đó có hoạt động bị trục trặc, dù là khách quan hay chủ quan, thì mình phải có trách nhiệm. Mình phải làm gương cho nhân viên mình, học sinh mình”, thầy hiệu trưởng tâm sự và cho biết sẽ tự cắt thi đua năm nay vì “có lỗi thì phải đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ”.
Thầy có lỗi toàn phần? Bước chân vào ngành giáo dục từ năm 1983 đến nay, giữ chức Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng từ năm 2016, thầy Phúc chưa từng gặp biến cố nào lớn như vậy. Thầy kể sau vụ tai nạn hôm qua, phụ huynh học sinh không những không quở trách mà nhiều người còn nhắn tin chia sẻ, động viên thầy giữ sức khỏe.
“Thậm chí chiều nay còn có người mua chén yến tới cho tôi ăn. Nói ‘thôi thầy chịu khó, ăn cơm không nổi thì uống cái này bồi dưỡng cho khỏe'”, thầy Phúc bùi ngùi.
Ngồi chờ ba mẹ đến đón ở ngay vị trí cây phượng vừa đổ hôm qua, Khánh Linh nhìn theo bóng áo trắng của thầy hiệu trưởng trên chiếc xe máy cho đến khi khuất sau cổng. Mới vào trường chưa lâu, Linh không biết gì nhiều về thầy hiệu trưởng, nhưng sau sự việc hôm qua, em cảm thấy nể thầy hơn.
Xem tivi, Linh biết trong buổi họp báo chiều 26/5, thầy Phúc đã nhận trách nhiệm về mình sau vụ việc. Linh tin rằng đó là việc đúng, nên làm dù em nghĩ “không phải hoàn toàn do lỗi của thầy”.
“Em nghĩ đây là sự cố, do trời mưa với cây cũng lâu năm rồi. Cũng có thể có lỗi của thầy nhưng đâu phải là toàn phần?”, Linh đặt câu hỏi và chia sẻ: “Dù thế nào, cách thầy nhận trách nhiệm sau vụ việc là một tấm gương cho em sau này”.
Sáng 26/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) trốc gốc đè trúng 18 học sinh. Trong đó, một học sinh không may thiệt mạng, 17 em bị thương. Nạn nhân tử vong là học sinh N.T.K., được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện.
Thu Hằng/ZN