+
Aa
-
like
comment

Hiệu trưởng nhận trách nhiệm vụ cây đổ: Nghĩ về “văn hóa xin lỗi” của cán bộ

27/05/2020 16:15

Lời xin lỗi của thầy Hiệu trưởng khiến không ít người phải trăn trở, suy nghĩ khi trong thời buổi hiện nay, lời xin lỗi đã trở nên xa xỉ…

Vụ cây phượng đổ đè 18 học sinh tại trường THCS Bạch Đằng (quận 1, TPHCM), trong đó có 1 em tử vong vào sáng 26/5 khiến dư luận bàng hàng, đau xót. Tại buổi họp báo cùng ngày, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vạn Phúc đã vô cùng đau lòng và nhận trách nhiệm về mình. “Bây giờ nếu hỏi trách nhiệm để xảy ra cây xanh gãy đổ này là của ai thì rõ ràng người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Bản thân tôi là người là người chịu trách nhiệm trước, vì đây là tài sản nằm trong khuôn viên trường”.

Trong lời xin lỗi của thầy Hiệu trưởng, mọi người đều cảm nhận được sự chân thành, đau xót một người thầy, một người đứng đầu trong một môi trường mô phạm. Đó không chỉ là sự chia sẻ với gia đình nạn nhân trước những mất mát to lớn, mà còn là còn là thái độ dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu trước những sự việc xảy ra ở lĩnh vực mình phụ trách.

vu cay do de chet hoc sinh o tphcm: "van hoa xin loi" cua nguoi dung dau hinh 1
Thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng “Bây giờ nếu hỏi trách nhiệm để xảy ra cây xanh gãy đổ này là của ai thì rõ ràng người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm”- Ảnh: Vnexpress

Lời xin lỗi của thầy Hiệu trưởng cũng khiến không ít người phải trăn trở, suy nghĩ khi trong thời buổi hiện nay, lời xin lỗi đã trở nên xa xỉ, thay vào đó là văn hóa đổ lỗi chế ngự ở khắp mọi nơi.

Mới đây, trong phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La… nhiều bị cáo cũng đã từng là những người được giao trọng trách trồng người, đã vì lòng tham, bán rẻ lương tâm để đổi lấy những đồng tiền tội lỗi nhưng khi ra trước tòa, lại quanh co chối tội, đổ lỗi. Điển hình như bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, mặc dù được xác là đối tượng chủ mưu cầm đầu vụ nhưng ra trước tòa vẫn một mực quanh co cho rằng mình không có tội. Hay bị cáo Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, bản thân bị oan và nếu tòa kết tội sẽ kháng cáo.

Thậm chí nhiều người khi tại chức là vị lãnh đạo, người đứng đầu oai phong “hét ra lửa”, nhưng khi đứng trước tòa lại quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới hoặc cho nguyên nhân khách quan. Mới đây nhất, trong phiên tòa xét xử vụ án sai phạm khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, TPHCM, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cho rằng cấp dưới của ông hiểu sai ý Bộ Quốc phòng nên tham mưu sai cho ông.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt của người đứng đầu khi mắc sai phạm khi ra trước vành móng ngựa đã không nhận thức rõ được những sai phạm của mình mà còn quanh co chối tội, đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan hoặc cho người khác.

Trong thời gian qua, chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều cán bộ từ cấp xã phường, đến cán bộ cấp cao, thậm chí là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị đưa ra xử lý kỷ luật, thậm chí hầu Tòa vì những sai phạm từ nhỏ đến lớn. Nếu như văn hóa xin lỗi trở thành bình thường thì chắc chắn, sẽ hạn chế phải chứng kiến những sự việc đau lòng đến như vậy.

Bởi lẽ, khi con người ta biết nói lời xin lỗi, đồng nghĩa với việc họ đã nhận ra hành xử và những việc làm của mình là không bình thường, nhẹ thì là chưa phù hợp, lớn hơn thì là sai phạm. Và quan trọng hơn, họ thấy được trách nhiệm của mình trong lời xin lỗi đó. Khi đó, họ sẽ biết dừng lại để khắc phục, sửa chữa lỗi lầm, sai phạm, hạn chế được việc lỗi sau chồng lên lỗi trước, từ sai phạm nhỏ đến sai phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Xin lỗi cũng là thực hiện chủ trương của Đảng trong xây dựng tính gương mẫu trong cán bộ, Đảng viên, nhất là với những người đứng đầu. Người đứng đầu luôn là tấm gương để cán bộ, nhân viên cấp dưới soi vào. Và thực tế đã chứng minh, ở nơi nào người đứng đầu gương mẫu thì nơi đó kỷ luật kỷ cương được giữ vững, hiệu quả công việc cao. Còn nơi nào người đứng đầu thiếu gương buông lỏng, lợi ích nhóm…thì nơi đó xảy ra nhiều sai phạm.

Hy vọng, lời xin lỗi rồi đây sẽ không còn là những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt mà trở thành văn hóa bình thường ở Việt Nam, khi mà cán bộ, công chức, nhất là các quan chức có những hành vi trong ứng xử và công việc chưa phù hợp. Đó cũng là thể hiện được trách nhiệm, bản lĩnh của người đứng đầu trước công việc, lĩnh vực mình được giao trọng trách.

Và quan trọng hơn, khi lời xin lỗi đã được thốt ra, không chỉ là “lời nói gió bay”, mà trong đó là cả trách nhiệm, hành động của chủ nhân lời xin lỗi. Xin lỗi thì phải sửa lỗi, phải thấy rõ được trách nhiệm của mình, để từ đó làm tốt hơn công việc mình đã được Đảng nhà nhân dân giao phó.

Cũng vì thế, tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và trong nhiều hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là nêu gương của người đứng đầu. “Trên chẳng chính ngôi thì dưới chúng tôi hỗn hào. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm”.

Nêu gương, trong đó có việc biết nói lời “xin lỗi” là việc làm rất cần thiết đối với mỗi cán bộ, Đảng viên, nhất là với mỗi người đứng đầu. Chỉ như vậy, mỗi cán bộ, Đảng viên mới thấy rõ trách nhiệm của mình, để làm đúng bổn phận được Đảng và Nhà nước giao phó là “đầy tớ của dân”.

An An/VOV

Bài mới
Đọc nhiều