Hiểu thế nào cho đúng về khu đô thị sáng tạo – thành phố Thủ Đức
Đô thị sáng tạo là một ý tưởng tổ chức đô thị mới xuất hiện trong những năm gần đây, trước tiên từ những thảo luận trong giới nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Vậy hiểu thế nào cho đúng, nhất là với ý tưởng thành phố Thủ Đức?
“Khu đô thị sáng tạo là những khu vực địa lý (trong đó) bao gồm các trường – viện hàng đầu cùng với các doanh nghiệp kết nối với các khởi nghiệp, các vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Những khu đô thị này thường có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở, lẫn mua sắm”.
Đô thị sáng tạo là trọng tâm của các chiều kích tăng trưởng. Nơi đây là nơi hội tụ các ngành nghề khác nhau, hướng tới nục tiêu hợp tác đa ngành.
Nhiều nhà phát triển kinh tế nghĩ đến thế giới về mặt ngành nghề (ví dụ như nông nghiệp, hàng không vũ trụ, chăm sóc sức khỏe). Nhưng những nền tảng đổi mới – như công nghệ thông tin, vật liệu mới, robot học – là những công cụ hỗ trợ công nghệ phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp.
Là vườn ươm cho các công nghệ nghiên cứu trong tương lai, các khu vực khác nhau của khu đô thị sáng tạo được xác định rõ ràng hơn bởi sự liên kết ngang chứ không phải bởi cách áp đặt từ trên xuống.
Như vậy, các bên liên quan cần phải xây dựng năng lực để kết nối các ngành dường như không liên quan thông qua các nghiên cứu hợp tác, hội thoại và các công nghệ liên ngành. Đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.
Có thể nói đô thị sáng tạo là ” không gian sáng tạo” tập trung đổi mới về khoa học – kỹ thuật và công nghệ, đa ngành với với mật đô cao.
Kết nối công nghệ cao, đại học và trung tâm tài chính
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã chú trọng đầu tư mô hình khu công nghệ cao và khu công viên khoa học, cả hai đều là tiền thân của đô thị khoa học công nghệ cao và “đô thị sáng tạo”, bởi vì chúng có tiềm năng sáng tạo.
Để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy các chiều kích tăng trưởng, hướng đến phát triển đô thị sáng tạo TPHCM đã khởi đầu từ khu công nghệ cao ở quận 9.
Khu công nghệ cao TPHCM (Q.9) lớn hàng đầu của cả nước (diện tích khoảng 700ha) phải là một cực tăng trưởng của TPHCM và cả của Vùng, nơi đây sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của cả vùng và trở thành Thung lũng Silicon của Việt Nam.
Việc thu hút thành công các dự án công nghệ cao uy tín từ các tập đoàn Intel (Hoa kỳ), Nidec , Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Ý), Sanofi, Schneuder Electrolics (Pháp) v.v.. đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, là “động lực phát triển kinh tế” của thành phố , của vùng và cả nước và có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới.
Năm 2017, đánh dấu khu công nghệ cao (Q.9) đã qua giai đoạn phát triển và bắt đầu hình thành khu đô thị khoa học- công nghệ cao (Technopolis) Q.9.
Do vậy thành phố cần nhận biết và sớm phát triển “Khu đô thị khoa học công nghệ cao Q.9” trong đó có cả khu công nghệ cao Q.9 (700ha) , khu công viên khoa học – công nghệ Q.9 (200ha) và “khu phức hợp đô thị”bao gồm: trung tâm đô thị với hàng loạt các hoạt động buôn bán và thương mại, các dịch vụ y tế và giáo dục, các khu nhà ở tập trung, các ngành công nghiệp dịch vụ và kinh doanh, các kho hàng cho thuê, các khu vui chơi giải trí và không gian công cộng…
Khu này có thể bao gồm cả khu văn hóa dân tộc (395ha), với chất lượng cao phục vụ cho các chuyên gia hàng đầu và gia đình đến làm việc sinh sống và cả người dân địa phương, có thể dễ dàng đi lại bằng xe đạp, đi bộ hoặc phương tiện công cộng, và trở thành “trung tâm khu vực phía Thành phố cũng sẽ hình thành một khu vực trung tâm hạt nhân cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thành phố (có thể được gọi là “khu đô thị 4.0” mà hạt nhân là đô thị sáng tạo, đô thị thông minh).
Đó là khu vực bao gồm Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức (với diện tích khoảng 22.000ha). Q9 với khu công nghệ cao, Q.2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm, với trung tâm tài chính , Q.Thủ Đức có 12 trường đại học, với 1.500 tiến sĩ và hơn 70.000 sinh viên với đại học quốc gia TPHCM.
Việc kết nối các đô thị chức năng nêu trên sẽ trở thành hệ sinh thái sáng tạo khép kín tương đồng với một số mô hình đô thị sáng tạo trên thế giới. Ở đó với đặc trưng kết nối cộng đồng dân cư , doanh nghiệp, các cơ sở khoa học – giáo dục , tài chính và cơ quan nhà nước trong một không gian đô thị gây được cảm hứng cho doanh nghiệp sáng tạo, và hệ sinh thái khởi nghiệp, theo chiến lược “cùng thắng” để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp,các viện trường, các công ty tài chính , tăng trưởng cao cho nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư và là động lực thúc đẩy TP.HCM tăng trưởng nhanh.
Chiến lược phát triển đô thị sáng tạo phải là đô thị thông minh và xanh trong đó có các KGCC có chất lượng, là nơi đáng sống và sáng tạo. KGCC luôn gắn với thiên nhiên là không gian mở và không gian giao tiếp có liên quan đến sự thay đổi về văn hóa thị dân trong thời kỳ hậu hiện đại, là tầm quan trọng của xã hội nhân văn với con người đô thị cởi mở hơn, “sáng tạo hơn và sống tốt hơn” , do vậy có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, các người tài để cùng với cộng đồng xã hội làm nên nhiều của cải xã hội.
Cần có hạ tầng cơ sở đồng bộ đặc biệt là giao thông và viễn thông. Có chiến lược đào tạo và thu hút nhân tài phục vụ cho cuộc cách mạng 4.0.
Đặc biệt phải có cơ chế đặc thù để nuôi dưỡng hệ sinh thái sáng tạo hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa các nhà: nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà nước và các cộng đồng dân cư.
Thành phố sáng tạo
Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại ngày nay. Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội.
Với cách hiểu này, nhiều thành phố thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp cần khai thác tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hóa.
Mục tiêu của họ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, doanh nhân… hay những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại ở tất cả mọi người.
Thành phố sáng tạo do đó không phải thành phố chỉ ưu tiên giai cấp sáng tạo, mà là thành phố biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo.
Do vậy, khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM là “hạt nhân” tạo nên giá trị giúp thúc đẩy nền kinh tế chung của TP.HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nam Bộ .
Trên cơ sở đô thị sáng tạo nêu trên, chính quyền TP.HCM đang xúc tiến đến việc thành lập thành phố khu vực phía Đông, ngoài dựa vào những lợi thế sẵn có về cơ sở hạ tầng giao thông thì động lực chính để phát triển chính là dựa vào 3 cột trụ chắc chắn sẵn có: quận 2 – quận 9 – quận Thủ Đức.
Đây là mô hình tổ chức “Thành phố trong thành phố” ở TP.HCM chưa có tiền lệ ở nước ta, song đã được chấp thuận.
NGUYỄN ĐĂNG SƠN – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng